Hà Tĩnh: Sâu bệnh bắt đầu tấn công lúa xuân, nông dân gấp rút phòng trừ
- Thứ năm - 13/02/2020 11:29
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Nhiều loại sâu bệnh đã “tấn công” lúa xuân Hà Tĩnh
Ruộng “lốm đốm” vì mạ “dắm”…
Thời tiết 3 ngày qua đã trở nên tốt hơn, nắng trở lại, dù vậy ở vùng đồng Trọt Cháu, xã Cẩm Hưng (Cẩm Xuyên) nước rút chậm, nhiều diện tích vẫn bị ngập trong nước.
Nóng ruột, bà Trần Thị Minh (thôn Hưng Dương) đốc thúc con cái ra đồng, tỉa lúa nơi ruộng tốt, chờ nước rút thì “dắm” vào diện tích bị hư hại.
Bà Trần Thị Minh “tỉa” lúa để “vá” những diện tích bị mưa làm hư hại
“Gia đình tôi sản xuất 2,5 mẫu thì có đến gần 1 mẫu bị ngập, lúa thối hết, không phục hồi được. Bây giờ gieo lại thì đã muộn thời vụ, thế nên đành phải nhổ lúa những ruộng gieo dày về “vá” vào số diện tích đã hư hại. Có ruộng đủ lúa cấy lại, có nơi không đủ thì dặm 2 - 3 loại giống” - bà Trần Thị Minh cho biết.
Theo thống kê từ các địa phương, đợt mưa trên địa bàn Hà Tĩnh từ ngày 7- 10/2 đã khiến ít nhất trên 678 ha lúa xuân bị ngập. Lớn nhất là ở Thạch Hà (600 ha), Can Lộc (56,2 ha), Nghi Xuân (12 ha) và Lộc Hà (10 ha).
Mặc dù phần lớn diện tích đã kịp thời tiêu thoát để “cứu” lúa phục hồi, nhưng đổi lại, công tỉa dặm, chăm sóc của bà con nông dân lại vất vả bội phần.
Bà con nông dân phải trải qua “vụ cấy thứ hai” vì thiên tai
Bà Dương Thị Sen, thôn Tiến Bộ, xã Tân Lâm Hương (Thạch Hà) cho biết: “Trước đây, chỉ phải tỉa dặm từng ruộng một, thì nay cứ phải nhổ chỗ này cấy chỗ kia, thậm chí ruộng nhà không còn mạ cấy thì phải xin của người khác. Ruộng “vá chằng vá đụp”, vừa mất công, vừa mất sức. Chắc phải 10 ngày nữa tôi mới cấy xong hết diện tích ruộng nhà”.
Sâu bệnh bắt đầu tấn công
Theo Chi cục Trồng trọt & Bảo vệ Thực vật Hà Tĩnh, thời điểm này một số diện tích gieo cấy sớm đã bước vào giai đoạn phát triển mạnh về thân lá, cộng với việc bón đạm thúc đẻ nhánh đã trở thành điều kiện thuận lợi cho các loại sâu bệnh phát triển. Đặc biệt, là bệnh đạo ôn lá - loại dịch hại nguy hiểm và có “thâm niên” lâu năm nhất trên vùng đất Hà Tĩnh.
Đạo ôn “tái xuất” trên đồng ruộng Nghi Xuân
Cách đây gần một tuần, bà con nông dân Nghi Xuân đã phải tức tốc xuống đồng phun phòng trừ đạo ôn lá, trở thành một trong những địa phương đầu tiên trên toàn tỉnh “ghi nhận” sự “tái xuất” của loại dịch hại này.
Ông Nguyễn Đức Khánh, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng KHKT& Bảo vệ cây trồng vật nuôi huyện Nghi Xuân cho biết: “Hiện nay, toàn bộ diện tích nhiễm đã được phun phòng trừ đợt 1, đồng thời trung tâm đã có hướng dẫn bà con nông dân cách nhận biết, xử lý sớm diện tích phát sinh bệnh để tránh lây lan. Tuy nhiên, với địa phương có 50% diện tích là xuân trung (nhiều giống nhiễm như: Xi23, NX30 - PV) thì nguy cơ bùng phát khi thời tiết bất thuận là rất cao”.
Lúa xuất hiện đốm nâu đặc trưng của bệnh
Trong khi đó, nông dân Thạch Hà lại đang vào “cuộc chiến” với rệp, bọ trĩ và tuyến trùng rễ. Cùng với đó, sẵn sàng để ứng phó với bệnh đạo ôn trên lá có thể phát sinh.
Ông Nguyễn Văn Sáu hướng dẫn bà con phòng trừ sâu bệnh đúng cách
Ông Nguyễn Văn Sáu, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Thạch Hà cho biết: “Trong điều kiện thời tiết thuận lợi cho sâu bệnh phát triển như hiện nay, huyện đã khuyến cáo bà con chăm sóc lúa theo đúng quy trình, bón phân cân đối để tăng sức đề kháng cho cây. Đặc biệt, tránh bón thừa đạm để hạn chế thấp nhất gây hại và lây lan của bệnh đạo ôn, đồng thời có biện pháp xử lý kịp thời khi bệnh xuất hiện”.
Theo Nguyễn Oanh - Ngọc Hà/baohatinh.vn