Hà Tĩnh chỉ đạo thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống bệnh cúm gia cầm
- Chủ nhật - 09/02/2020 03:24
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Việc tổ chức tiêm vắc xin phòng bệnh cúm cho đàn gia cầm đạt tỷ lệ thấp tại một số địa phương, nhất là đối với chăn nuôi gia cầm nông hộ, khiến nguy cơ dịch bệnh cúm gia cầm phát sinh, lây lan cao.
Công điện nêu rõ, theo thông tin từ Bộ NN&PTNT, từ đầu tháng 1/2020 đến nay, thế giới đã ghi nhận nhiều ổ dịch bệnh cúm gia cầm (chủng virus A/H5N1) tại 11 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Tại Việt Nam, năm 2019, bệnh cúm gia cầm xảy ra tại 24 tỉnh, thành phố, buộc phải tiêu hủy trên 133 nghìn con gia cầm; đầu tháng 1/2020 đến nay, dịch cúm gia cầm (A/H5N1 và A/H5N6) đã xảy ra tại một số tỉnh, thành phố, nguy cơ bệnh lây lan giữa các địa phương rất cao.
Hà Tĩnh hiện có tổng đàn gia cầm khá lớn (trên 9 triệu con), điều kiện thời tiết thay đổi bất lợi, nhu cầu vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ phục vụ các lễ hội đầu năm tăng cao, việc tổ chức tiêm vắc xin phòng bệnh cúm cho đàn gia cầm đạt tỷ lệ thấp tại một số địa phương, nhất là đối với chăn nuôi gia cầm nông hộ, do đó, nguy cơ dịch bệnh cúm gia cầm phát sinh, lây lan rất cao.
Để chủ động ngăn chặn sự xâm nhiễm vi rút cúm gia cầm A/H5N1 và các chủng vi rút cúm gia cầm khác vào địa bàn, gây lây lan dịch bệnh, thiệt hại kinh tế, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về sự nguy hiểm của bệnh cúm gia cầm, các dấu hiệu nhận biết gia cầm nghi mắc bệnh cúm để phát hiện, báo cáo kịp thời; tuyên truyền cho người tiêu dùng mua gia cầm, sản phẩm gia cầm có nguồn gốc rõ ràng, đã được kiểm soát của thú y để sử dụng làm thực phẩm.
Hướng dẫn chủ chăn nuôi gia cầm tăng cường áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, các biện pháp chủ động phòng dịch.
Tổ chức tiêm vắc xin phòng bệnh Cúm cho đàn gia cầm, bảo đảm đạt tỷ lệ tối thiểu trên 80% tổng đàn có nguy cơ và thuộc đối tượng tiêm phòng.
Thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch cúm gia cầm; giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh tại các cơ sở chăn nuôi gia cầm tập trung; hộ chăn nuôi gia đình; cơ sở ấp trứng, thu gom, kinh doanh gia cầm và sản phẩm gia cầm; các cơ sở giết mổ gia cầm; các điểm chợ mua bán gia cầm sống; phương tiện vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm trên địa bàn nhằm phát hiện sớm và xử lý kịp thời khi có dịch bệnh xảy ra.
Chỉ đạo các lực lượng chức năng tổ chức ngăn chặn, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật, đặc biệt đối với các trường hợp vận chuyển trái phép gia cầm, sản phẩm gia cầm từ ngoài vào địa bàn.
Tổ chức Triển khai “Tháng tổng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng môi trường đợt 1 năm 2020” tại các vùng trọng điểm, vùng nguy cơ cao trên địa bàn, thời gian thực hiện đồng loạt từ tháng 2/2020 đến tháng 3/2020.
Thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật theo Quyết định số 16/2016/QĐ-TTg ngày 29/4/2016 của Thủ tướng Chính phủ, trong trường hợp dịch cúm gia cầm xảy ra trên địa bàn để chỉ đạo phòng, chống dịch kịp thời, có hiệu quả.
Cúm gia cầm là bệnh truyền nhiễm do virus có thể lây nhiễm không chỉ cho gia cầm, mà cả con người và các động vật khác
Sở NN&PTNT tổ chức kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc các địa phương thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch cúm gia cầm; triển khai giám sát chủ động để kịp thời cảnh báo, áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, sử dụng có hiệu quả các loại vắc xin phòng bệnh cúm gia cầm.
Phối hợp với các lực lượng công an, hải quan, quản lý thị trường... và các địa phương tăng cường kiểm tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển, giết mổ gia cầm, sản phẩm gia cầm sai quy định, không rõ nguồn gốc.
Phối hợp với Sở Y tế kịp thời trao đổi, chia sẻ thông tin khi có dịch bệnh; thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống bệnh lây truyền giữa động vật và người.
Tham mưu UBND tỉnh hỗ trợ hóa chất và hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương phát động tháng hành động vệ sinh tiêu độc, khử trùng môi trường, chủ động phòng chống dịch bệnh.
Sở Y tế chỉ đạo các đơn vị chuyên môn chủ động triển khai các hoạt động giám sát, phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh viêm đường hô hấp có tiền sử tiếp xúc với gia cầm để cách ly, điều trị và quản lý kịp thời, tránh lây nhiễm cho cộng đồng; đảm bảo đủ cơ số trang bị y tế, thuốc và hóa chất thiết yếu phục vụ công tác phòng, chống dịch ở các tuyến; khuyến cáo người dân về các biện pháp phòng, chống dịch cúm lây từ gia cầm sang người.
Công an tỉnh chủ động nghiệp vụ điều tra ngăn chặn và thực hiện bắt giữ, xử lý nghiêm khắc các đối tượng buôn lậu gia cầm, sản phẩm gia cầm không đảm bảo an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật.
Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Cục Hải quan phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện kiểm soát và xử lý nghiêm các vụ nhập khẩu trái phép gia cầm và sản phẩm gia cầm. Tổ chức tuyên truyền cho nhân dân khu vực biên giới về sự nguy hiểm của bệnh cúm gia cầm và tác hại khi buôn bán, vận chuyển gia cầm không được kiểm dịch, không rõ nguồn gốc.
Sở Tài chính tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí đủ kinh phí phục vụ công tác phòng chống dịch cúm A (H5N1) trên gia cầm và ở người; bảo đảm kinh phí để tổ chức triển khai kịp thời, có hiệu quả các nội dung theo quy định của Chính phủ và của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Các sở, ngành liên quan theo chức năng, nhiệm vụ phối hợp với ngành chuyên môn, chính quyền các địa phương theo dõi, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định.
Cúm gia cầm là bệnh truyền nhiễm do virus có thể lây nhiễm không chỉ cho gia cầm, mà cả con người và các động vật khác; theo Tổ chức Y tế Thế giới, H5N1 được phát hiện lần đầu tiên ở người vào năm 1997 và đã làm chết gần 60% số người mắc bệnh. H5N1 là dạng cúm gia cầm phổ biến nhất, nó có thể gây chết cho gia cầm và dễ dàng ảnh hưởng đến con người, đặc biệt trong điều kiện dịch bệnh viêm phối cấp do chủng virus mới Corona gây ra. |