Hai “sát thủ" vô hình ở đầm tôm
- Thứ tư - 30/05/2018 03:09
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Lây lan dịch bệnh do ý thức kém
Từ đầu năm đến nay, dịch bệnh đốm trắng và hoại tử gan tụy cấp đã được phát hiện ở nhiều vùng nuôi tôm trên khắp cả nước, gây thiệt hại không nhỏ cho nông dân. Đơn cử như tại Kiên Giang, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 76 ổ dịch đốm trắng, hoại tử gan tụy cấp trên tôm nuôi tại 21 ấp, 15 xã thuộc 7 huyện, tổng diện tích bị thiệt hại lên đến 150ha và đang có xu hướng gia tăng. Trong đó, dịch bệnh xảy ra tập trung ở các huyện vùng U Minh Thượng, nhất là 2 huyện An Biên và An Minh một số ít ao nuôi công nghiệp – bán công nghiệp thuộc vùng Tứ giác Long Xuyên.
Nhiều vùng nuôi tôm trên cả nước phát hiện tôm bị bệnh đốm trắng và hoại tử gan tụy cấp. Ảnh: IT.
Theo Chi cục Chăn nuôi – Thú y Kiên Giang, một trong những nguyên nhân khiến dịch bệnh bùng phát là do thời tiết nắng nóng. Ngoài ra, việc người dân xả nguồn nước có chứa mầm bệnh chưa qua xử lý ra môi trường cũng khiến dịch bệnh có nguy cơ lây lan.
Dịch bệnh cũng đang hoành hành tại nhiều vùng nuôi tôm của tỉnh Cà Mau, trong đó huyện Trần Văn Thời là địa phương có diện tích tôm nuôi bị thiệt hại nhiều nhất.
Theo ghi nhận của ngành chức năng, diện tích bị thiệt hại do bệnh đốm trắng và gan tuỵ trên tôm nuôi tại xã Phong Lạc, huyện Trần Văn Thời đến thời điểm này đã lên đến 250ha, ước thiệt hại lên đến 70%. Đáng lo ngại hơn bệnh đốm trắng, gan tuỵ không chỉ xuất hiện trên loại hình nuôi tôm quảng canh truyền thống, quảng canh cải tiến mà còn xuất hiện cả trên tôm nuôi thâm canh và siêu thâm canh.
Điều đáng lo ngại là, bệnh đốm trắng, hoại tử gan tuỵ trên tôm vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại, đồng thời mức độ thiệt hại ngày càng cao. “Để phòng ngừa bệnh gan tuỵ, đốm trắng trên tôm, người dân cần duy trì mực nước trong vuông nuôi từ 4-5 tấc trở lên, ở ao nuôi công nghiệp độ sâu đạt 1,5 m và phải bố trí ao lắng cho phù hợp. Khi phát hiện tôm có dấu hiệu đỏ thân, tấp mé, người dân cần báo ngay cho cán bộ thú y cơ sở để dập dịch kịp thời nhằm hạn chế sự lây lan mầm bệnh”, Trung tâm Khuyến nông Cà Mau đưa ra khuyến cáo.
Tỉnh Trà Vinh cũng đã ghi nhận có trên 144 hộ nuôi tôm sú thiệt hại hơn 56ha và 382 hộ nuôi tôm thẻ chân trắng thiệt hại trên diện tích 148ha, thủ phạm là do hai loại dịch bệnh trên gây ra.
Tôm bị bệnh chết hàng loạt ở nhiều địa phương. Ảnh: IT.
Không chỉ tại các tỉnh ĐBSCL, một số địa phương miền Bắc cũng đang phải đối mặt với sự bùng phát của bệnh hoại tử gan tủy trên tôm nuôi. Vụ nuôi xuân hè năm nay, TP.Móng Cái (Quảng Ninh) đã thả nuôi 1.010ha tôm thẻ chân trắng. Tính đến thời điểm này, trên địa bàn thành phố đã có 41ha ao đầm nuôi tôm bị mắc bệnh, chết hàng loạt; đã có 4/12 xã, phường nuôi tôm có tôm chết, trong đó nhiều nhất là xã Vạn Ninh và phường Hải Hòa. Riêng xã Vạn Ninh có 26/126ha tôm chết với 91/176 hộ nuôi có tôm chết. Phường Hải Hòa có gần 15ha nuôi tôm bị chết hoàn toàn.
Khẩn trương phòng chống
Trước những diễn biến thất thường của thời tiết và dịch bệnh, Tổng cục Thủy sản vừa ban hành Công văn số 1805/TCTS-NTTS gửi Sở NNPTNT các tỉnh/thành phố ven biển chỉ đạo tăng cường quản lý trong nuôi tôm nước lợ nhằm hạn chế nguy cơ bùng phát bệnh đốm trắng (WSSV) và hoại tử gan tụy cấp (AHPND) trên tôm nước lợ và giảm thiểu thiệt hại cho người nuôi.
Cụ thể, theo kết quả quan trắc môi trường nguồn nước cấp vùng nuôi tôm nước lợ tại một số tỉnh trọng điểm khu vực phía Bắc, Nam Trung bộ, Đồng bằng sông Cửu Long, trong tháng 4 và tháng 5 đã phát hiện sự có mặt của tác nhân gây bệnh hoại tử gan tụy cấp; kết quả giám sát định kỳ một số yếu tố môi trường nước ao nuôi cũng phát hiện sự có mặt tác nhân gây bệnh hoại tử gan tụy cấp và đốm trắng.
Cán bộ nông nghiệp kiểm tra tình hình dịch bệnh ở Quảng Ninh. Ảnh: IT.
Theo đó, Tổng cục Thủy sản yêu cầu Sở NNPTNT các tỉnh/thành phố ven biển chỉ đạo tăng cường quản lý trong nuôi tôm nước lợ, triển khai một số giải pháp để phòng chống nguy cơ bùng phát dịch bệnh đốm trắng trên tôm. Yêu cầu các địa phương tiếp tục tăng cường chỉ đạo trong quản lý giống tôm nước lợ; thực hiện nghiêm túc về khung lịch thời vụ thả giống tôm nước lợ năm 2018.
Các địa phương cần tiếp tục thực hiện các biện pháp kỹ thuật để hạn chế nguy cơ bùng phát dịch bệnh như: phun khử trùng bờ ao nuôi bằng hoá chất khử trùng; hạn chế người đi vào cơ sở nuôi, người chăm sóc, quản lý cơ sở nuôi hạn chế sang cơ sở bị bệnh hoặc tôm chết chưa rõ nguyên nhân, trường hợp phải vào ao nuôi thì cần thay quần áo và lội qua bể khử trùng. Tuyệt đối không lấy thêm nước từ ngoài hệ thống cấp nước chung vào ao nuôi khi chưa xác định được nguồn nước an toàn.
Bên cạnh đó, định kỳ sử dụng chế phẩm sinh học để cải thiện môi trường nước, kiểm soát mật độ tảo, ổn định độ pH và độ kiềm, giảm hàm lượng khí độc và kiểm soát mật độ vi khuẩn Vibrio. Sử dụng vôi bột rải xung quanh bờ ao, đóng chặt cống cấp và thoát nước; quây lưới quanh bờ ao để ngăn chặn xâm nhập của cua, còng, cá... vào ao, căng dây và lắp hình nộm để chống chim cò vào ao.
Đối với cơ sở, hộ nuôi được cảnh báo về kết quả dương tính với AHPND trong nước ao nuôi và dương tính với mầm bệnh WSSV, AHPND trên tôm nuôi, yêu cầu tuyệt đối không tháo nước ra ngoài môi trường và cần ngừng cho tôm ăn 1-2 ngày, sau đó cho tôm ăn hạn chế bằng 10% định mức hàng ngày, rồi tăng dần đến khi đạt định mức bình thường trong vòng 7-10 ngày. Theo dõi chặt chẽ tình hình sức khoẻ tôm và báo ngay với cơ quan chuyên môn khi tôm có dấu hiệu bất thường.
Đói với ao nuôi có hàm lượng NO2 và vi khuẩn Vibrio tổng số cao vượt giới hạn cho phép, cơ sở nuôi cần tăng cường sục khí oxy, đặc biệt vào thời điểm sáng sớm, đồng thời xác định chính xác khẩu phần thức ăn bằng cách sử dụng sàng để kiểm tra, điều chỉnh lượng thức ăn cho phù hợp; hạn chế dư thừa thức ăn gây ô nhiễm môi trường, đồng thời tăng cường vệ sinh/siphon đáy ao kết hợp sử dụng chế phẩm sinh học để cải thiện môi trường nước, kiểm soát mật độ tảo, ổn định pH và độ kiềm, giảm hàm lượng khí độc, giảm hàm lượng vi khuẩn Vibrio...
Đồng thời, thường xuyên duy trì và ổn định môi trường ao nuôi và nâng cao sức đề kháng cho tôm nuôi theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật.
Theo: Khánh Nguyên/danviet.vn