Hạn chế ớt bị bệnh 'nổ trái'

“Nổ trái” (chuyên môn gọi là thán thư) là bệnh rất phổ biến và nguy hiểm trên cây ớt ở nước ta hiện nay...

 

Hỏi: Ớt bị bệnh “nổ trái” rất nặng, xin cho biết có cách nào hạn chế được căn bệnh này?

Trả lời: “Nổ trái” (chuyên môn gọi là thán thư) là bệnh rất phổ biến và nguy hiểm trên cây ớt ở nước ta hiện nay.

Để hạn chế tác hại của bệnh có thể áp dụng một số biện pháp chính sau đây: Không lấy hạt ở những ruộng đã bị bệnh để làm giống cho vụ sau. Phải lên liếp cao và có hệ thống thoát nước tốt để ruộng không bị đọng nước. Sử dụng giống kháng bệnh như giống ớt chỉ thiên. Không trồng qúa dầy. Không bón qúa nhiều phân đạm, tăng cường phân vi sinh, phân hữu cơ ủ mục có trộn với chế phẩm Trichoderma. Không tưới quá nhiều nước, không tưới vào chiều tối tạo ẩm ướt cao vào ban đêm. Thường xuyên thu gom trái bệnh đem tiêu hủy để hạn chế lây lan. Sau vài vụ trồng ớt nên luân canh với cây trồng khác…

Có thể phun phòng trị bệnh bằng một trong những loại thuốc như: Kacie 250EC, Vinomyl 72WP, MAP Rota 50WP, Teamgold 101WP… (đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trên nhãn thuốc).

Theo kinh nghiệm của bà con vùng ớt ở huyện Chợ Gạo (Tiền Giang), huyện Dương Minh Châu (Tây Ninh) nếu phối hợp thuốc Kacie 250EC với thuốc Linacin 40SL phun, không những ruộng không bị bệnh “nổ trái” mà còn hạn chế được cả héo xanh vi khuẩn và chết cây con cũng là hai bệnh khá phổ biến trên cây ớt.


Hỏi: Xin cho biết các chế phẩm sinh học có thể sử dụng cho rau màu để hạn chế bệnh chết rũ và giúp cây phát triển nhanh hơn?

Trả lời: Hiện nay 2 chế phẩm nấm đối kháng Trichodecma và nấm cộng sinh Mycorrhizae được áp dụng rộng rãi trên nhiều loại cây trồng vì có nhiều tác dụng hữu ích. Vì là chế phẩm sinh học nên không được phối trộn với các loại thuốc hóa học. Chế phẩm nấm tốt nhất nên được nhân nhanh trong môi trường đường hoặc đạm (ngâm với đường hoặc đạm trong 24h thành dung dịch rồi tưới cho cây trồng).

Khi tìm mua các sản phẩm trên bà con cần xem kỹ nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ, hạn sử dụng... Nếu nấm được nhập khẩu từ các nước khác thì càng tốt, không được quá hoặc gần hết hạn sử dụng. Nấm cần được bảo quản trong môi trường thoáng mát. Tốt nhất nên sử dụng ngay sau khi mua về.

Với các cây rau màu nấm có thể tưới vào đất, phun lên lá, tưới bầu cây con, trộn hạt giống, hiệu quả nhất là nấm này được ủ với phân chuồng. Tùy theo TGST của mỗi cây và từng thời kỳ phát triển, mẫn cảm đối với bệnh chết rũ mà người trồng có thể sử dụng nhiều hay ít lần định kỳ cho cây trồng.

Để giảm thiểu hiện tượng chết rũ trên rau màu bà con cần sử dụng các nấm có ích trên theo quy trình phòng bệnh (bổ sung chế phẩm nấm vào vùng rễ cây trước trồng và định kỳ trong cả vụ) mới cho hiệu quả.


Hỏi: Xin cho biết các biện pháp kỹ thuật nhằm ngăn chặn sâu hại hiệu quả nhất để chúng không nhờn thuốc (kháng thuốc)?

Trả lời:

- Vệ sinh đồng ruộng: Nhằm phá hủy kí chủ phụ và tàn dư cây trồng sẽ làm mất thức ăn, nơi qua đông của sâu hại, giảm nguồn sâu hại cho vụ sau.

- Luân canh cây trồng: Mỗi cây trồng thường có một tập hợp dịch hại riêng, khi luân canh cây trồng sẽ cắt đứt nguồn thức ăn của sâu hại đồng nghĩa rằng sâu hại sẽ giảm đáng kể số lượng. Có thể luân canh lúa nước với cây trồng cạn hoặc luân canh các cây rau màu khác họ trên đất chuyên canh.

- Điều tra dịch hại: Cần theo dõi sự phát triển của sâu hại và cân nhắc đến tình trạng thiên địch(côn trùng có ích) trên đồng ruộng để xác định thời điểm cần phòng trừ và chỉ xử lý thuốc ở các điểm nóng.

- Bảo vệ thiên địch và có chiến lược phòng trừ thích hợp: Sử dụng các loại thuốc trừ sâu phổ hẹp khi cần. Thuốc có tác dụng chọn lọc sẽ ít gây hại quần thể sinh vật chân đốt có ích và bảo vệ chúng phát triển…

Theo Khang Thái - Đông Đức/nongnghiep.vn