Hiệu quả thiết thực của dự án phát triển kinh tế vườn phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Vĩnh Long

Hiệu quả thiết thực của dự án phát triển kinh tế vườn phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Vĩnh Long
Cây ăn trái là thế mạnh thứ 2 sau cây lúa trong lĩnh vực trồng trọt của tỉnh Vĩnh Long. Vì thế, thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, những năm qua, ngành nông nghiệp địa phương quan tâm xây dựng và triển khai nhiều nội dung về đối tượng cây trồng này. Dự án Phát triển kinh tế vườn do Trung tâm Khuyến nông tỉnh Vĩnh Long xây dựng và triển khai từ năm 2012-2015 là một điển hình.

Dự án Phát triển kinh tế vườn được thực hiện với mục tiêu hỗ trợ địa phương, nông dân xây dựng, khôi phục để phát triển các vùng chuyên canh cây ăn trái có giá trị kinh tế cao, đồng thời thành lập, củng cố nâng cao năng lực hoạt động của các hợp tác xã/tổ hợp tác sản xuất nông nghiệp tại các vùng chuyên canh nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, phát triển vườn ổn định, bền vững.

Dự án có 04 hợp phần là 04 loại cây ăn trái có thế mạnh để phát triển: bưởi Năm roi thực hiện tại thị xã Bình Minh, bưởi da xanh thực hiện tại huyện Mang Thít, cam Sành và xoài Tứ quý thực hiện tại huyện Tam Bình. Hình thức và nội dung đầu tư: Nhà nước và nhân dân cùng thực hiện, trong đó Nhà nước hỗ trợ toàn bộ chi phí giống, chi phí tư vấn và chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn GAP (VietGAP, GlobalGAP) hoặc đủ điều kiện an toàn thực phẩm, chi phí tập huấn chuyển giao kỹ thuật và một phần chi phí vật tư thiết yếu khác. Theo đó, Trung tâm Khuyến nông Vĩnh Long hỗ trợ nhà vườn canh tác theo 03 tiêu chuẩn: thực hành nông nghiệp tốt quốc tế (GlobalGAP) đối với bưởi Năm roi Mỹ Hòa – thị xã Bình Minh, thực hành nông nghiệp tốt trong nước (VietGAP) đối với cam Sành Bình Ninh và xoài Tứ quý Tân Phú – huyện Tam Bình, an toàn thực phẩm đối với bưởi da xanh ở xã Mỹ An, Mỹ Phước, An Phước, Long Mỹ, Chánh An – huyện Mang Thít.

Sau thời gian triển khai, mới đây, Trung tâm Khuyến nông tổ chức tổng kết dự án đánh giá kết quả thực hiện. Báo cáo tổng kết cho thấy, dự án đã mang lại nhiều hiệu quả thiết thực, góp phần tăng lợi nhuận cho nông dân, từng bước giúp địa phương phát triển, mở rộng thành vùng nguyên liệu an toàn phục vụ cho nhu cầu tiêu thụ nội địa và xuất khẩu, hình thành mô hình canh tác cây ăn trái bền vững trong phát triển kinh tế vườn hiện nay. Trung tâm Khuyến nông đã tư vấn địa phương thành lập 09 tổ hợp tác sản xuất: 05 tổ bưởi da xanh ở Mang Thít, 02 tổ bưởi Năm roi ở Bình Minh, 01 tổ trồng cam Sành, 01 tổ trồng xoài ở Tam Bình. Đáng kể dự án đã hỗ trợ nông dân xây dựng thành công 04 mô hình thâm canh cây ăn trái theo tiêu chuẩn an toàn, đáp ứng nhu cầu thị trường: GlobalGAP/bưởi Năm roi (tổng diện tích 64,91 ha), VietGAP/cam Sành (diện tích 05 ha), xoài Tứ quý (diện tích 5,7 ha), an toàn thực phẩm/bưởi da xanh (diện tích 24,4 ha).

Ở cả 04 mô hình, nông dân đều được cấp chứng nhận sản xuất đạt tiêu chuẩn đăng ký. Vườn cho thu nhập cao hơn hẳn so trước khi chưa tham gia dự án. Bưởi Năm roi, nhờ ứng dụng các kỹ thuật tiến bộ như tỉa cành, tạo tán, tỉa trái, bón phân vô cơ cân đối, bổ sung phân hữu cơ, phòng trừ sâu bệnh hợp lý… nên cây phát triển tốt, năng suất và chất lượng trái tăng, cụ thể trái loại 1 từ 17-22% tăng lên 34-38%, dẫn đến thu lợi nhuận bình quân 406.500.000 đồng/ha/năm. Cam Sành, xoài Tứ quý canh tác theo VietGAP, chi phí sản xuất (phân, thuốc BVTV) giảm nhưng vẫn đảm bảo năng suất, đồng thời tăng chất lượng sản phẩm, nâng giá trị kinh tế, cụ thể: cam thu lợi nhuận 178.870.000 đồng/ha, xoài: 145.400.000 đồng/ha. Riêng bưởi Da xanh do được trồng mới nên hiệu quả rõ nét là cây sinh trưởng, phát triển tốt, tán cây đẹp, ít bị nhiễm sâu bệnh hại.

Hiệu quả đạt được đã tác động đến nhận thức của nông dân trong vùng nên nhiều hộ ngoài mô hình đã mạnh dạn cải tạo vườn, ứng dụng theo kỹ thuật mới cán bộ khuyến nông đã chuyển giao. Một hiệu quả thiết thực nữa là với sản phẩm được chứng nhận, chất lượng được nâng lên, và thông qua hoạt động xúc tiến thương mại, nhiều doanh nghiệp đã đến các mô hình đặt vấn đề thu mua, bao tiêu sản phẩm với nông dân. Trung tâm đã làm cầu nối hình thành liên kết sản xuất – tiêu thụ giữa nông dân và doanh nghiệp.

Tại buổi tổng kết, đại diện công ty TNHH MTV Hương bưởi Mỹ Hòa – một doanh nghiệp tại địa phương đã ký hợp đồng liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm bưởi Năm roi hàng hóa với 2 tổ hợp tác sản xuất bưởi ấp Mỹ An và Mỹ Thới 1, xã Mỹ Hòa, thị xã Bình Minh trong năm 2016. Thực hiện được hợp đồng liên kết sản xuất - tiêu thụ là một điều kiện thuận lợi để nông dân yên tâm đầu tư phát triển sản xuất, khai thác tối ưu tiềm năng kinh tế của vườn, đồng thời doanh nghiệp cũng có nguồn nguyên liệu ổn định chủ động trong kinh doanh. Đây là tiền đề để địaphương xây dựng cánh đồng lớn trong sản xuất cây ăn trái giai đoạn 2015-2020.

 

Đại diện doanh nghiệp và tổ HTSX  ký hợp đồng liên kết sản xuất - tiêu thụ bưởi Năm roi. 

Nguồn: khuyennongvn.gov.vn