Hướng dẫn phòng trừ bệnh nứt thân xì mủ, vàng lá thối rễ trên cây ăn quả có múi
- Thứ hai - 13/02/2017 07:46
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Vụ Đông năm 2016 chịu tác động của mưa lũ kéo dài gây ngập úng nhiều diện tích cây ăn quả, nhất là diện tích bưởi Phúc trạch tại huyện Hương Khê làm cho cây sinh trưởng phát triển kém và tạo điều kiện cho bệnh nứt thân xì mủ, vàng lá thối rễ phát sinh gây hại nặng.
Qua báo cáo của Trung tâm Ứng dụng khoa học kỹ thuật và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi các huyện, thành phố, thị xã và kiểm tra của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Tĩnh cụ thể: Tại huyện Hương Khê bệnh phát sinh gây hại nặng trên cây bưởi Phúc Trạch, tỷ lệ bệnh trung bình 5-7%, nơi cao10-30%, cá biệt một số vườn tỷ lệ 70-80%, diện tích nhiễm 200 ha tập trung ở các xã Phúc Trạch, Hương Trạch, Hương Đô, Hương Thủy, Hương Giang, Lộc Yên; các huyện Vũ Quang, Hương Sơn, Can Lộc,... bệnh xuất hiện rãi rác tỷ lệ trung bình 3-4% và có xu thế nặng hơn năm 2016. Dự báo thời gian tới thời tiết tiếp tục mưa ẩm, tạo điều kiện cho bệnh phát sinh gây hại nặng. Để chủ động trong công tác phòng trừ, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Tĩnh hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật phòng trừ như sau:
1. Triệu chứng và tác nhân gây hại
- Bệnh nứt thân xì mủ:
Triệu chứng: Bệnh thường xuất hiện trên thân cây ở phần sát gốc, cổ rễ, nấm xâm nhập vào cây gây ra những vết thối màu nâu trên vỏ, những vết nứt theo chiều dọc của thân để lộ ra phần gỗ, có màu nâu, chảy nhựa (gôm), bệnh nặng làm cho cây suy giảm sức sinh trưởng, còi cọc, chết lụi dần.
Tác nhân gây bệnh: nấm Phytophthora sp
Triệu chứng bệnh nứt thân xì mủ
Triệu chứng bệnh vàng lá thối rễ
- Bệnh vàng lá thối rễ:
Triệu chứng: Lá chuyển màu vàng, dễ rụng khi bị lay nhẹ. Lúc đầu chỉ có vài nhánh biểu hiện lá vàng, cây vẫn sống nhưng ở phần rễ cây bị thối, vỏ rễ tuột khỏi phần gỗ, bên trong có sọc nâu lan dần vào rễ cái. Khi bệnh nặng tất cả các rễ đều bị thối và cây chết.
Tác nhân gây bệnh: nấm Fusarium solani
2. Biện pháp phòng trừ:
- Thường xuyên kiểm tra mức độ phát sinh gây hại của bệnh nứt thân xì mủ, vàng lá thối rễ trên cây cam, bưởi nhất là những vùng bị bệnh gây hại nặng để phát hiện sớm và phòng trừ kịp thời, hiệu quả. Khi phát hiện bệnh sử dụng một trong những loại thuốc hóa học sau: Aliette 80WP, Ridomil Gold 68 WP, Insuran 50WG.
- Kỹ thuật xử lý thuốc:
+ Đối với bệnh nứt thân xì mủ:
Bước 1: Dùng dao cạo sạch phần vỏ đã bị bệnh, vệ sinh sạch.
Bước 2: Dùng vải bố, vải sợi (vải có khả năng thấm nước tốt, hoặc bao tải đay) quấn xunh quanh gốc (quấn xung quanh vùng bệnh).
Bước 3: Sử dụng thuốc Aliette 80WP (pha 25 g thuốc vào bình 10 lít), Ridomil Gold 68 WP (pha 50 g thuốc vào bình 10 lít), Insuran 50WG (pha 50 g thuốc vào bình 10 lít) tưới trực tiếp vào phần vải quấn xung quanh vùng bệnh định kỳ 7-10 ngày/lần hoặc cạo và vệ sinh sạch vết bệnh pha các loại thuốc trên với nồng độ cao hơn 2-3 lần và dùng chổi sơn quét trực tiếp lên vết bệnh định kỳ 7-10 ngày/lần.
Bước 4: Sau tưới hoặc quét thuốc 2-3 lần kiểm tra nếu thấy bệnh vết bệnh đã khô hẳn thì dừng sử dụng thuốc và tiếp tục chăm sóc.
+ Đối với bệnh vàng lá thối rễ.
Sử dụng các loại thuốc trừ nấm như: Aliette 80WP (pha 25 g thuốc vào bình 10 lít), Ridomil Gold 68 WP (pha 50 g thuốc vào bình 10 lít), Insuran 50WG (pha 50 g thuốc vào bình 10 lít) tưới trực tiếp xung quanh gốc với lượng 3-5 lít nước thuốc/cây, tưới 2-3 lần, mỗi lần cách nhau 7-10 ngày/lần.
- Biện pháp bổ trợ: Sau khi xử lý thuốc hóa học, kiểm tra thấy vết bệnh khô và không còn khả năng lây lan (bệnh nứt thân xì mủ) và lá không bị vàng và rụng, nhú lộc mới (bệnh vàng lá thối rễ) tiền hành xử lý chế phẩm sinh học Trico DHCT (500g) trộn với nấm cộng sinh RhizoMyx 2.5G (1kg) dùng rãi cho 25 gốc (nấm Trico hỗ trợ cây phòng trừ nấm gây bệnh, RhizoMyx là nấm cộng sinh với bộ rễ giúp cây nhanh chóng hấp thu được dinh dưỡng). Bên cạnh việc xử lý thuốc cần tiết hành phun bổ sung chế phẩm Boom Flower_n (pha 100 ml thuốc với 50 lít nước) qua lá giúp hỗ trợ cây nhanh chóng phục hồi.
Lưu ý: Trong quá trình phòng trừ bệnh cần tiến hành vệ sinh vườn, cắt tỉa các cành sát mặt đất, dọn sạch tàn dư trong vườn hạn chế mầm bệnh lưu tồn, lây lan; đào mương, vét rãnh để tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiêu thoát nước sau những đợt mưa lớn; bón bổ sung lượng phân lân 0,2-0,4 kg/cây (pha 0,2 kg lân với 10 lít nước tưới xung quanh) để kích thích cây ra rễ mới; những vườn đất ẩm, biểu hiện dí chặt cần xới nhẹ đất phía dưới tán lá để phá váng tạo thông thoáng bộ rễ đồng thời tiến hành chăm bón đúng quy trình kỹ thuật tạo điều kiện thuận lợi cây sinh trưởng phát triển, tăng khả năng kháng bệnh./.
Theo PHÒNG BẢO VỆ THỰC VẬT – CHI CỤC TT&BVTV/sonongnghiephatinh.gov.vn