Hướng dẫn tổ chức diệt chuột đầu vụ sản xuất năm 2017

Hướng dẫn tổ chức diệt chuột đầu vụ sản xuất năm 2017
Năm 2016, tổng diện tích lúa bị chuột gây hại là 318 ha, trong đó 55 ha bị hại nặng, các diện tích lúa bị chuột gây hại tập trung ở những vùng cao cưỡng không chủ động nước, gò đồi, ven làng, vùng bán sơn địa (thị xã Hồng Lĩnh, Can Lộc, Đức Thọ ...).
Trong đợt lũ lụt từ 13-17/10/2016 lợi dụng sự di chuyển và sinh sống co cụm ở những vùng gò đồi, cao cưỡng của chuột, các địa phương đã chỉ đạo và tổ chức chiến dịch toàn dân ra quân diệt chuột, theo thống kê của các trung tâm Ứng dụng khoa học kỹ thuật và Bảo vệ cây trồng vật nuôi các huyện, thành phố, thị xã, sau 5 ngày ra quân diệt chuột (chủ yếu bằng biện pháp thủ công), tổng số chuột được diệt là 505.342con, một số địa phương thực hiện tốt phong trào diệt chuột bảo vệ mùa màng trong đợt này (huyện Can Lộc 248.132 con, Đức Thọ 180.000 con, thị xã Hồng Lĩnh 57.210 con, Nghi Xuân 16.000 con, Kỳ Anh 4.000 con). Tuy nhiên, do đặc điểm sinh học và khả năng sinh sản nhanh của chuột, nên thời gian tới khả năng chuột tiếp tục phát sinh gây hại nặng nếu không tổ chức phòng trừ tốt. Để chủ động trong công tác phòng trừ, giảm thiểu tác hại do chuột gây ra đối với sản xuất, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đề nghị các địa phương phát động phong trào toàn dân tham gia diệt chuột đồng loạt trước khi tiến hành gieo cấy vụ Xuân 2017, bằng các biện pháp kỹ thuật sau:
1. Biện pháp thủ công: Là biện pháp đang được áp dụng phổ biến nhất hiện nay, mang lại hiệu quả cao và không ảnh hưởng đến môi trường, tiến hành diệt chuột với các hình thức như: Đào hang, đổ nước, xông hơi bằng đất đèn để tiêu diệt chuột trong hang hoặc dùng các loại bẩy thủ công như: Bẫy kẹp, bẫy lồng, bẫy dây, bẫy dính… đặt ở các vị trí chuột thường xuyên qua lại.
Kết hợp với việc thu mua đuôi chuột để động viên nhân dân; tuyệt đối không được sử dụng điện để diệt chuột.
2. Biện pháp sinh học
- Khuyến khích người dân nuôi mèo, bảo vệ thiên địch của chuột như: rắn, mèo, các loài chim,...
- Sử dụng chế phẩm sinh học: Biorat, bả diệt chuột sinh học (sử dụng 25-50 gram đặt ở vị trí cách cử ly 2-5m, trên đường mòn chuột qua lại, đặt thuốc vào buổi chiều, không để ánh sáng chiếu trực tiếp vào thuốc (khi mở gói thuốc ra nên dùng hết một lần, không trộn lẫn chế phẩm với các loại bã khác, bảo quản thuốc ở điều kiện nhiệt độ 10-150C). 
3. Biện pháp hóa học
Sử dụng một trong những loại thuốc sau:
- Storm 0.005% blocK bait: Đặt bả Storm trước miệng hang chuột hoặc
trên đường mòn chuột qua lại, đặt 1-2 viên/2-4m, cách 5-7 ngày kiểm tra các điểm đặt bả một lần để bổ sung bả ở các nơi chuột đã ăn.
- Forkeba 20%: Trộn 1 gói (2g) với một phần mồi (cám, gạo, ngô, lạc, tôm, cua nướng...) đặt mồi ở những chổ chuột thường qua lại, đặt mồi lúc chập tối, sáng hôm sau tiến hành chôn xác chuột và mồi còn dư.
Lưu ý: Khi sử dụng thuốc hóa học phải đọc kỹ và tuân thủ nghiêm ngặt quy trình kỹ thuật hướng dẫn trên bao gói.
4. Thời điểm tổ chức các đợt diệt chuột
Phòng chống chuột được tiến hành đồng loạt, thường xuyên, liên tục và tập trung vào những đợt cao điểm:
- Giai đoạn trước khi đổ ải, làm đất: Cần ra quân diệt chuột tập trung, đồng loạt từ 2-3 lần, giai đoạn này diệt chuột có hiệu quả cao do áp dụng được nhiều biện pháp trong đó chú trọng biện pháp đào bắt chuột ở hang.
- Giai đoạn làm đất lần cuối trước khi gieo cấy: Đây là thời điểm diệt chuột có kết quả cao vì ruộng chưa có lúa, chuột thiếu thức ăn, nên sử dụng biện pháp đánh bả thuốc sinh học, bả thuốc hóa học....
- Sau các đợt mưa lũ lớn chuột co cụm tập trung về các khu gò đồi, bờ mương, bờ ruộng lớn nên dễ tiêu diệt.
- Thời điểm cây lúa bước vào giai đoạn đứng cái làm đòng, sử dụng biện pháp đào hang bắt chuột đạt hiệu quả cao vì thời điểm này chuột sinh sản và nuôi con.
Theo Chi cục Bảo vệ thực vật và Trồng trọt/sonongnghiephatinh.gov.vn