Không nên nản chí

"Khó khăn khi gieo cấy/Gặt lấy mùa bội thu". Đó là lời truyền khẩu của các bậc lão nông tri điền, những người cả đời gắn bó với củ khoai, cây lúa trên đồng đất quê hương Thái Bình.

Các cụ đã dạy rằng, kinh nghiệm hàng trăm năm, vụ chiêm hay vụ mùa đều thế. Thời tiết đầu vụ khắt khe, gieo hạt thóc giống, cấy cây mạ xuống ruộng mà vất vả, cấy đi cấy lại mãi mới được thì đừng nản chí, chắc chắn vụ đó đại thắng lợi. Con người chịu khó kiên trì, chống chọi với thiên tai, người không phụ tình đất thì nhất thiết đất sẽ trả ơn người".

Lại còn có cả câu ca "trời làm mất, bắt đất phải đền", mà muốn đất phải đền thì người nông dân không nên chùn bước! Những câu nói ấy, những kinh nghiệm ấy, chẳng biết đến ngày nay có còn "thiêng" nữa hay không?

Xuân Giáp Ngọ 2014, tỉnh, huyện, xã ở quê lúa Thái Bình đều khuyến khích nông dân tăng cường mở rộng diện tích gieo sạ, gieo vãi. Nhiều nơi gieo vãi đạt 100% diện tích là do có chương trình nông thôn mới, hệ thống điều tiết thủy lợi nội đồng đã hoàn thiện, mương tiêu, máng cứng trên các cánh đồng đủ khả năng cấp nước, tiêu nước trên ruộng theo kế hoạch chỉ đạo chung.

Gieo sạ, gieo vãi đạt được nhiều lợi ích lắm. Vừa không lo về dược để gieo hạt giống, vừa đỡ tốn công chăm sóc mạ, nhất là giảm nhiều công cấy cây mạ xuống ruộng, lại tranh thủ được thời vụ thích hợp nhất cho cây lúa sinh trưởng. Cũng có nơi, chỉ thực hiện gieo vãi, gieo sạ được 70 - 80% diện tích, hoặc xấp xỉ con số đó, bởi hệ thống thủ nông còn đôi chỗ chưa thể đáp ứng được yêu cầu.

Một số gia đình nông dân vẫn gieo mạ dược và nhiều nhà gieo trên nền đất cứng. Trong mỗi cái sân, cái vườn của nhà nông ở các thôn hoặc hành lang giao thông đường trục xã... có những vạt mạ gieo theo luống, được che chắn bắng nilon trong suốt. Cái rét đứng bên ngoài gào thét, chim, chuột cũng đứng bên ngoài... mà khóc. Mạ gieo trên nền đất cứng, đúng quy trình kĩ thuật, được người nông dân tận tình chăm sóc nên phát triển rất nhanh. Dẫu là ngày Tết, nông dân vẫn không quên công việc của mình. Đấy chính là nét đẹp lâu bền của nhà nông.

Thời tiết đầu vụ lúa xuân 2014 có vẻ khác thường hơn các năm trước. "Giời già" hình như muốn giở trò thách thức nông dân? Vài ngày âm ấm, ngay sau đó là nhiều ngày rét đậm, rét hại. Nông dân nghe đài thông báo về thời tiết, thấy có thể cấy được, gieo sạ được là họ đem mạ, đem thóc giống ra ruộng... Nông dân bỏ cả hội đình, hội chùa, tập trung cao độ cho công việc gieo trồng cây lúa. Chưa làm xong công việc, đâu đã nghĩ đến vui chơi?

Hạt thóc, cây mạ đã được đưa xuống ruộng rồi, ai cũng thở phào nhẹ nhõm. Niềm vui ngắn lắm, đài lại thông tin ngày mai có đợt rét đậm, rét hại bổ sung. Rét kéo dài nhiều ngày, ai mà chống đỡ được? Cứ ấm rét đan xen như cài răng lược thì nông dân biết xử trí ra sao? Nhất nhất tuân theo chỉ đạo của các chuyên gia: Điều tiết đủ nước để giữ ấm cho lúa đã gieo cấy.

Hết đợt rét, ra thăm đồng, nhìn mầm lúa thấy xanh mừng lắm, nhưng nhổ thử cây lúa non ấy lên, rễ đã đen như hắc ín. Không xong rồi. Mầm lúa xanh đấy nhưng rễ cây đen thối, để lại phỏng có ích gì? Phải thuê người bừa đi, gieo lại. Cũng may thóc giống dự phòng vẫn còn. Nhiều gia đình lại quay vòng theo phương pháp gieo sạ và gieo vãi. Một số người lại lội xuống ao, lấy bùn đổ lên sân, gieo mạ trên nền đất cứng.

Bất luận thế nào, nông dân không bỏ ruộng hoang, quyết bám ruộng đến cùng, không chịu để thiên nhiên đánh gục. Kỳ công, ki cóp, nhất định nông dân sẽ thắng thiên tai. Tuy nhiên cũng có một số người e ngại: "Của đồng quyến của nhà, công lao có bỏ ra cũng đều là công cốc". Có người thở dài: "Phen này em xin bỏ thẳng".

Nghe thông tin từ ban chỉ đạo SX thông báo trên hệ thống truyền thanh xã: "Thời vụ gieo cấy lúa vụ này còn cho phép kéo dài, bà con nông dân không nên nản chí". Những lời khuyến cáo ấy đã nhắc nhở chúng ta nhớ lại kinh nghiệm làm ruộng của ông cha: "Vất vả khó khăn nào rồi cũng có cách vượt qua. Khó khăn khi gieo cấy, sẽ đến ngày gặt lấy một mùa vàng bội thu". 
 

nguồn: nongnghiep.vn