Không thể lơ là với hạn, mặn trong mùa khô 2018
- Thứ năm - 08/03/2018 10:13
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Hạn, mặn sẽ khốc liệt hơn năm 2017?
Theo báo cáo tại hội nghị, ở khu vực ĐBSCL, từ đầu mùa khô năm 2017 - 2018 đến nay, tình hình mặn xâm nhập diễn ra ở mức bình thường, nồng độ cao nhất là 4 gam/lít xuất hiện vào cuối tháng 2.2018 với phạm vi ảnh hưởng từ 15-45 km (tuỳ khu vực cửa sông), thấp hơn cùng kỳ năm trước từ 5-10km và thấp hơn từ 20-52km so với đợt hạn mặn mùa khô 2015-2016.
Ngành chức năng và người dân ĐBSCL không nên chủ quan với hạn, mặn trong mùa khô 2018 (Trong ảnh: Cống điều tiết nước ở huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang). Ảnh: H.X
Tuy nhiên, GS - TS Tăng Đức Thắng - Phó Giám đốc Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam lại cho biết: “Bắt đầu từ tháng 3, dự báo độ mặn sẽ gia tăng”. Vì vậy, ông Thắng lưu ý các ngành chức năng và người dân: “Các địa phương ven biển, vùng ven sông Cái Lớn, vùng trồng lúa ven biển ở tỉnh Sóc Trăng, một số địa phương ở Long An… không thể chủ quan về hạn mặn”.
Theo Tổng cục Thuỷ lợi, tuy diễn biến xâm nhập mặn ở khu vực ĐBSCL được dự báo ở mức thấp hơn cùng kỳ mùa khô 2015-2016, tuy nhiên vẫn cần phải đề phòng những thời điểm xuất hiện dòng chảy thấp, biến động khó lường.
Sở NNPTNT tỉnh Long An cho biết, độ mặn cao nhất đo được hiện nay tại các trạm vùng cửa sông như sau: Cầu Nổi sông Vàm Cỏ Tây là 12,2 gam/lít, Bến Lức sông Vàm Cỏ Đông là 0,9 gam/lít, trạm Tân An sông Vàm Cỏ Tây là 0,2 gam/lít. Dự báo trong thời gian tới, độ mặn sẽ tăng do ảnh hưởng của các đợt triều cường.
Còn Sở NNPTNT tỉnh Tiền Giang nhận định, tình hình xâm nhập mặn trong mùa khô năm 2017-2018 sẽ ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất của người dân. Độ mặn 1gam/lít có khả năng xâm nhập tới khu vực Đồng Tâm (huyện Châu Thành), độ mặn cao nhất có thể đạt từ 2-3 gam/lít tại khu vực thành phố Mỹ Tho vào khoảng giữa tháng 3, gây nên tình trạng thiếu nước ngọt.
Không chủ quan trong ứng phó
Sở NNPTNT tỉnh Long An đã yêu cầu các ngành chức năng trong tỉnh theo dõi chặt chẽ tình hình khí tượng thuỷ văn để có sự chủ động trong ứng phó. Kiên quyết chỉ đạo bà con nông dân xuống giống tập trung từng vùng cụ thể và bám theo lịch thời vụ.
Đối với những vùng không chủ động về nguồn nước, ngành chức năng cần phổ biến bà con kiên quyết không gieo sạ khi chưa vào mùa mưa. Đồng thời, vận động người dân sử dụng các giống lúa chịu mặn, tốn ít nước.
Người dân huyện Kiên Lương (Kiên Giang) lo lắng mặn xâm nhập vào nội đồng. Ảnh: H.X
Đến nay, Sở NNPTNT tỉnh Tiền Giang cũng đã ban hành kế hoạch phòng, chống hạn, mặn trong mùa khô này. Theo đó, ngành chức năng sẽ phải thường xuyên quan trắc, thông tin kịp thời đến các địa phương để người dân có kế hoạch bảo vệ. Đồng thời, kiểm tra, sửa chữa kịp thời những công trình cống không đảm bảo việc ngăn mặn.
Các địa phương cần theo dõi chặt chẽ việc sản xuất lúa của người dân trong mùa khô này và có giải pháp ứng phó với các điều kiện khó khăn, diễn biến bất thường của thời tiết nhằm ổn định sản xuất, giúp tăng năng suất, nâng cao sản lượng gieo trồng”. Ông Lê Quốc Doanh - |
Lãnh đạo Tổng cục Thuỷ lợi đề nghị các địa phương ĐBSCL chủ động phòng chống hạn, mặn theo các kịch bản có thể xảy ra, huy động nguồn lực để triển khai các giải pháp phù hợp, đảm bảo cho người dân yên tâm sản xuất. Vận động người dân sử dụng nguồn nước ngọt tiết kiệm.
Ngoài ra, các địa phương phải thực hiện nghiêm túc chỉ đạo, hướng dẫn của Chính phủ, Bộ NNPTNT và các bộ, ngành có liên quan về các giải pháp phòng chóng hạn, mặn. Riêng các đơn vị khai thác công trình thuỷ lợi phải theo dõi sát diễn biến của nguồn nước, để từ đó vận hành điều tiết phù hợp, hiệu quả.
Tổng cục Thuỷ lợi cũng đề nghị Bộ NNPTNT báo cáo Chính phủ tiếp tục hỗ trợ kinh phí phòng chống, khắc phục hạn, mặn cho các địa phương. Đồng thời, bố trí nguồn lực để thực hiện các giải pháp dài hạn để chủ động đối phó với tình trạng này.
Liên quan đến vấn đề hạn, mặn, phát biểu tổng kết hội nghị, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Lê Quốc Doanh đề nghị các địa phương đưa ra lịch thời vụ hợp lý, vận hành điều tiết nước hiệu quả, phù hợp. Ngoài ra, các địa phương phải hỗ trợ người dân, tuyên truyền nâng cao diện tích gieo sạ những giống chịu được hạn mặn, thời gian sinh trưởng ngắn ngày.