Kinh tế vườn, vị thế được khẳng định
- Thứ hai - 19/02/2018 08:15
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Có thể thấy, vị thế của kinh tế vườn ngày càng được khẳng định khi có nhiều sản phẩm rau, quả được thị trường chấp nhận, cơ hội xuất khẩu rộng mở. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?
Năm 2017 đánh dấu thành công vượt trội của kinh tế vườn khi lần đầu tiên kim ngạch xuất khẩu rau, củ, quả - sản phẩm chính của kinh tế vườn đã đạt mức 3,6 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay, vượt cả kim ngạch xuất khẩu của dầu thô và lúa gạo, vốn là hai sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Lần đầu tiên kinh tế vườn được các ngành chức năng và các địa phương quan tâm một cách đặc biệt, có những chính sách kịp thời để thúc đẩy người dân phát triển kinh tế vườn. Ví như, trong năm qua, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tổ chức hẳn 3 diễn đàn Khuyến nông @ nông nghiệp chuyên về kinh tế vườn ở 3 vùng sinh thái: Mộc Châu (Sơn La), Thừa Thiên - Huế và Đồng bằng sông Cửu Long. Tại các diễn đàn, nhiều khuyến nghị chính sách đã được gợi mở, những kinh nghiệm hay, kỹ thuật mới được chia sẻ để người dân áp dụng vào thực tiễn sản xuất.
Tôi cho rằng, một trong những động lực giúp kinh tế vườn phát triển là do Nhà nước và các địa phương đã có những chính sách thiết thực, tạo hành lang cho kinh tế vườn phát triển. Cụ thể, nhiều địa phương đã mạnh dạn cho nông dân chuyển đổi những diện tích đất lúa năng suất thấp sang trồng rau màu, cây ăn quả, mang lại hiệu quả kinh tế vượt trội.
Đặc biệt, ngành nông nghiệp đã có hành động thiết thực để mở rộng, khơi thông thị trường. Cụ thể, sau khi Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và PTNT) làm việc cụ thể với các nước về vấn đề xuất - nhập khẩu, nhiều thị trường đã chấp nhận các sản phẩm trái cây của Việt Nam, như xoài, chuối đã lên đường sang Nhật, thanh long có mặt tại Australia, mới đây nhất, sản phẩm chanh leo đã vượt đại dương sang Pháp,... Thống kê đến cuối năm 2017 cho thấy, đã có khoảng 40 loại rau quả của Việt Nam được xuất sang 60 quốc gia và vùng lãnh thổ. Bên cạnh những thị trường truyền thống, trái cây Việt đã từng bước khẳng định chất lượng, chinh phục được những thị trường khó tính như Mỹ, EU, Nhật Bản, Canada, Australia, New Zealand...
Điều đáng nói là, quan hệ sản xuất ở nông thôn đã có sự thay đổi đáng kể, thay vì sản xuất nhỏ lẻ, hộ gia đình, nhiều hộ đã biết tập hợp với nhau theo các tổ hợp tác, hợp tác xã, đẩy mạnh liên kết với các doanh nghiệp để nâng cao sức cạnh tranh, mở rộng thị trường tiêu thụ. Đây cũng là tiền đề giúp kinh tế vườn và các sản phẩm của kinh tế vườn phát triển và vươn xa.
Trong bối cảnh kinh tế vườn ngày càng phát triển, các cấp Hội Làm vườn (HLV) đã có những thay đổi gì trong hoạt động để khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của từng vùng, từng địa phương, thưa ông?
Tôi vừa có chuyến thị sát hoạt động của các đơn vị Hội ở nhiều vùng sinh thái. Trong chuyến đi này, tôi nhận thấy, đơn vị nào tích cực đổi mới hoạt động, thực hiện các dự án, chương trình bám sát chủ trương, định hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương thì sẽ thành công. Và xu hướng HLV là cầu nối liên kết nông dân - doanh nghiệp đang được nhiều đơn vị triển khai hiệu quả.
Ví như, HLV Đồng Tháp đã xác định phát triển mô hình kinh tế hợp tác là yếu tố cốt lõi giúp nhà vườn thoát khỏi tư duy sản xuất tiểu nông, là chìa khóa để hội nhập và thành công trong cơ chế kinh tế mới. Thời gian qua, ngoài chuyển giao kỹ thuật mới đến bà con nông dân, HLV Đồng Tháp còn phối hợp với các ngành liên quan xây dựng và phát triển mạnh mô hình kinh tế tập thể rộng khắp trên toàn tỉnh. Năm 2017-2018, tỉnh Đồng Tháp đã đặt hàng cho Hội lập và thực hiện việc kết nối giữa doanh nghiệp với nông dân để tiêu thụ sản phẩm. Thực hiện nhiệm vụ này, HLV tỉnh Đồng Tháp đã vận động lập ra 64 tổ HTX xã nông nghiệp cây ăn quả, 7 HTX kiểu mới và lập ra 1 tổ HTX dịch vụ tiêu thụ cho nông dân. Nhiều đơn vị hoạt động rất hiệu quả.
Đơn cử như Tổ hợp tác dịch vụ tiêu thụ sản phẩm của nông dân ở xã Vĩnh Thới (huyện Lai Vung) có 6 thành viên sáng lập liên kết với 100 hộ nông dân. Năm 2017, tổ thu mua được 700 tấn xoài cung ứng cho các siêu thị lớn và các nhà xuất khẩu. Tổ dịch vụ này lập ra 6 tổ thành viên, ngoài tiêu thụ sản phẩm chính là xoài, quýt Lai Vung còn tiêu thụ thanh long, quýt kiểng (quýt hồng) và còn tổ chức tập huấn kỹ thuật sản xuất cho nông dân. Tổ thu mua xoài, cam của nông dân với giá cao hơn thị trường từ 5000 - 10.000 đồng/kg nhưng nếu giá thị trường hạ xuống thì tổ vẫn mua với giá cao hơn. Dù vậy, tổ vẫn thu lãi 1.000 đồng/kg sản phẩm.
HLV Trà Vinh thì vận động kết nối nông dân với nông dân, xây dựng tổ hợp tác, HTX kiểu mới và vận động kết nối doanh nghiệp với nông dân. Hội đã vận động sắp xếp lại 9 HTX cây ăn trái, bình quân mỗi HTX có 67 hộ trồng cây ăn trái.
Tỉnh Trà Vinh có quy hoạch chuyển 2.000ha đất lúa sang trồng cây ăn trái. Từ chủ trương này, Hội đã vận động nông dân áp dụng công nghệ mới để trồng cây ăn trái theo chuyển giao của Viện Nghiên cứu Cây ăn quả miền Nam như trồng thanh long ruột đỏ theo công nghệ Israel. Theo công nghệ này, xuất đầu tư là 35-40 triệu đồng/ha, riêng đầu tư đèn chiếu sáng bình quân 40.000 đồng/m2. Từ khi ra nụ đến thu hoạch khoảng 70 ngày, cần chiếu sáng 12 đêm/chu kỳ. Cần đổ 1 cột xi măng cao 1,2m ở 2 đầu luống và 1 xà đỡ, sau đó căng dây thép 2 tầng để thanh long năm phơi ra ánh sáng và trải đều ra mặt ruộng, tưới nước, phun mưa.
Hay HTX chuyên trồng cây ăn trái ở ấp Long Trị, xã Bình Phú, huyện Càng Long đã thành lập được 10 năm nhưng chỉ làm ăn có lãi được 3 năm nay sau khi chuyển sang hoạt động theo mô hình HTX kiểu mới. Theo đó, HTX tổ chức liên kết cả đầu vào và đầu ra, đầu vào là dịch vụ cung cấp phân bón, thuốc trừ sâu, giống. Giống do HTX tự tuyển chọn, đầu ra có công ty công nghệ cao ở Bình Dương bao tiêu với giá cao hơn thị trường từ 5.000-7.000 đồng/kg. HTX nay không còn hộ nghèo.
Theo ông, đâu là nét mới trong hoạt động Hội năm vừa qua?
Ngoài việc giúp nông dân đẩy mạnh liên kết sản xuất, một nét mới trong hoạt động của các đơn vị Hội là tham gia tích cực vào quá trình xây dựng nông thôn mới ở các địa phương. Ví dụ, HLV và Trang trại Hà Tĩnh được giao nhiệm vụ xây dựng mô hình vườn mẫu, tiêu chí số 20 mà tỉnh Hà Tĩnh đặt ra cho các địa phương trên địa bàn trong xây dựng nông thôn mới. Theo đó, trên 7.000 vườn mẫu đã được xây dựng, trong đó 1.758 vườn đạt chuẩn. Nhiều địa phương đã trở thành điểm tham quan, học tập kinh nghiệm cho các địa phương trong và ngoài tỉnh như: Tượng Sơn, Hương Trà, Vượng Lộc, Cẩm Yên... Nhiều sản phẩm từ các vườn mẫu đã trở thành hàng hóa, thành đặc sản của tỉnh, mang lại thu nhập cao cho nông dân,
Điều đáng ghi nhận là, năm 2017, sau một thời gian dài gián đoạn, HLV Việt Nam đã khôi phục được các hoạt động hợp tác quốc tế. Theo đó, Hội đã tiếp cận được chương trình phối hợp giữa ASEAN và EU nhằm nâng cao năng lực quản lý xã hội cho nông dân. Đây là điều đáng mừng, là cơ hội nâng cao vị thế, hoạt động của tổ chức Hội. Đó là chưa kể, tổ chức Hội phát triển mạnh mẽ từ Trung ương đến cơ sở, nhiều đơn vị được chính quyền các cấp đánh giá cao, được giao những nhiệm vụ quan trọng.
Bước sang năm 2018, hoạt động Hội sẽ chú trọng vào những vấn đề gì, thưa ông?
Bên cạnh việc tiếp tục triển khai các dự án sẵn có, mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế, Trung ương HLV Việt Nam vẫn tiếp tục khuyến khích các đơn vị Hội vận động nông dân cải tạo vườn tạp, phát triển mạnh mẽ mô hình kinh tế vườn theo hướng hàng hóa và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Tôi nghĩ, chính sách đã có, thời cơ đang thuận lợi, lòng người đã sẵn sàng, chắc chắn kinh tế vườn và mô hình kinh tế VAC còn phát triển mạnh mẽ hơn nữa.
Xin chân thành cảm ơn ông!
Khánh Nguyên (thực hiện)/kinhtenonghton.com.vn