"Lận đận" với chăn nuôi
- Thứ tư - 08/03/2017 02:57
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
RỚT GIÁ LIÊN TỤC
Sau khoảng thời gian chìm trong “khủng hoảng”, giá heo có dấu hiệu phục hồi. Tuy nhiên, những ngày qua, giá heo lại tiếp tục giảm khiến người nuôi như “ngồi trên đống lửa”. Trại heo của anh Trần Minh Hiền (xã Bình Nhì, huyện Gò Công Tây) có 700 con heo thịt cùng hơn 100 con heo nái. Bình quân mỗi tháng, trại heo của anh Hiền xuất ra thị trường khoảng 200 con heo thịt. Từ tết đến nay, trại heo của anh liên tục thua lỗ do giá heo nằm ở mức thấp. Anh Hiền bày tỏ: “Cách đây khoảng 3 ngày, giá heo hơi lại tiếp tục giảm. Hiện tại, heo hơi nằm ở mức giá từ 28.000 - 31.000 đồng/kg. Với mức giá này, mỗi con heo xuất chuồng tôi lỗ khoảng 400.000 - 500.000 đồng”.
Không chỉ có heo giảm giá, giá các loại gia cầm cũng đang giảm sâu khiến người nuôi lâm vào cảnh khó khăn. Hiện tại, giá gà tam hoàng được các thương lái thu mua từ 20.000 - 25.000 đồng/kg, gà ta Bình Định có giá 37.000 - 38.000 đồng/kg… Theo một số hộ chăn nuôi, giá gà vẫn đang giảm và chưa có dấu hiệu dừng lại. Theo tính toán, mỗi ký gà thương phẩm, người nuôi lỗ từ 8.000 - 13.000 đồng/kg. Anh Nguyễn Văn Cường (xã Mỹ Phong, TP. Mỹ Tho) cho biết, 2.000 con gà giống tam hoàng đang xuất chuồng với giá 25.000 đồng/kg, chi phí cho mỗi ký gà thịt khoảng 33.000 đồng, anh lỗ khoảng 20 triệu đồng.
Giá gà giảm sâu đã kéo giá trứng giảm theo. Qua ghi nhận, trứng gà loại 1 có giá 1.250 đồng/trứng, loại 2 có giá 1.150 đồng/trứng, loại 3 có giá 1.050 đồng/trứng. Giá các loại trứng gà bắt đầu giảm khoảng 1 tháng nay, giảm khoảng 300 đồng/trứng so với thời điểm trước tết. Với mức giá như hiện tại, cộng thêm nhiều khoản chi phí khác, người nuôi gà đẻ lấy trứng đang gặp phải tình cảnh khó khăn. Ngoài ra, theo ghi nhận của chúng tôi, giá vịt và trứng vịt cũng đang ở mức thấp gây khó khăn cho người chăn nuôi.
CẦN KIỂM SOÁT SỐ LƯỢNG ĐÀN VẬT NUÔI
Theo các hộ chăn nuôi, có nhiều nguyên nhân dẫn đến giá gia súc, gia cầm giảm sâu như hiện nay, trong đó phải kể đến cung vượt quá cầu. Người dân từ trước đến nay vẫn chăn nuôi theo kiểu tự phát, thấy giá cao là cứ “ùn ùn” tái đàn, ít quan tâm đến mối quan hệ cung - cầu. Từ đó dẫn đến cung vượt cầu, đẩy giá xuống mức thấp, khi đó người chịu thiệt vẫn là người nuôi. Nói về những khó khăn của ngành chăn nuôi hiện nay, ông Nguyễn Minh Thuần, Chủ tịch Hội Chăn nuôi tỉnh cho biết, giá cả gia súc, gia cầm đang chịu tác động của nhiều nguyên nhân. Trong đó, mất cân đối giữa cung và cầu là một trong những nguyên nhân. Để giải quyết tình trạng này, Nhà nước cần kiểm soát chặt chẽ số lượng đàn vật nuôi, không để xảy ra mất cân đối giữa cung - cầu.
Cùng với đó, tác động của dịch cúm gia cầm H7N9 càng đẩy giá gia cầm “lao dốc”. Người tiêu dùng cũng bắt đầu thận trọng hơn với các sản phẩm gia cầm trước thông tin dịch cúm đang bùng phát. Theo một số thương lái, hiện tại, sức mua các sản phẩm gia cầm ngoài chợ đã giảm khoảng 30% dẫn đến việc tiêu thụ gặp rất nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, có một vấn đề đã tồn tại nhiều năm qua mà cho đến bây giờ vẫn chưa có lời giải. Đó là giá thành sản xuất các sản phẩm chăn nuôi cao khiến người nuôi khó có lãi và đặc biệt trong thời điểm giá cả xuống thấp như hiện nay. Ngoài ra, việc các loại thịt như gà, bò nhập khẩu vào nước ta ngày càng nhiều, cạnh tranh mạnh với sản phẩm chăn nuôi trong nước ngay trên thị trường nội địa. Trong bối cảnh ngành chăn nuôi đang gặp cơn “khủng hoảng”, việc nhập khẩu thịt ngoại vào thị trường trong nước càng làm cho người chăn nuôi điêu đứng.
Ông Nguyễn Minh Thuần bày tỏ: “Nhà nước cần kiểm soát việc nhập khẩu các loại thịt ngoại, phải khảo sát xem mức cung - cầu ở thị trường nội địa, từ đó mới đưa quyết định nhập khẩu”.
Nguồn: baoapbac.vn