Một số lưu ý kỹ thuật chăm sóc, bảo vệ tôm cá trong mùa mưa lũ.

Một số lưu ý kỹ thuật chăm sóc, bảo vệ tôm cá trong mùa mưa lũ.
1. Chăm sóc tôm Tôm là loài động vật có máu lạnh, nhiệt độ cơ thể của tôm có thể thay đổi trong một khoảng nhiệt độ giới hạn; tôm sẽ bị yếu, sốc và có thể chết hàng loạt nếu các yếu tố môi trường thay đổi đột ngột vượt khỏi giới hạn cho phép. Khi trời mưa, nhiệt độ môi trường, độ mặn, pH giảm đột ngột; giảm oxy hoà tan trong nước. Nước mưa có tính axit, mưa cũng làm rửa trôi phèn từ bờ ao nên sẽ làm cho pH trong ao nuôi tôm giảm đáng kể. Để hạn chế các ảnh hưởng bất lợi cho tôm nuôi trong mùa mưa, cần phối hợp các phương pháp sau:

          - Không nuôi tôm với mực nước quá cạn; khuấy động nước trong ao (ví dụ chạy quạt) để giảm phân tầng nước.
          - Trước khi trời mưa, cần bón vôi nung (CaO) bờ ao liều lượng 20kg/1000m2.
          - Sau mưa lớn, rút nước tầng mặt ao. Sau đó bón vôi CaCO3 hoặc Dolomite 15-20 kg/1000 m3 nước để ổn định lại pH và độ kiềm. Bón liên tục 2-3 ngày kết hợp quạt khí cho đến khi pH và độ kiềm ổn định.
          - Khi sắp đến giờ cho tôm ăn cần theo dõi thời tiết, nếu thấy trời âm u sắp mưa, cần giảm lượng thức ăn hoặc thậm chí ngừng cho ăn nếu cơn mưa đến gần, chờ đến khi ngớt mưa cho ăn với số lượng giảm 30-50% lượng thức ăn bình thường. - Để bảo đảm sức đề kháng và giảm khả năng mềm vỏ cho tôm, cần trộn vào bữa chính các loại Vitamin tổng hợp + khoáng chất + Vitamin C mỗi ngày.  
            2. Bảo vệ tôm cá nuôi 
          Các giống cá nuôi truyền thống từ trước như cá mè, trôi, trắm cỏ, chép… sống ở ao hồ nước ngọt, có nguồn gốc sinh sản trên sông nên mùa mưa cá thường di cư ngược các dòng sông lên thượng nguồn để đẻ trứng. Từ đặc điểm này, khi mưa bão đến cá thường tìm đường đi, khi gặp nước mới chảy vào cá chui, nhảy theo dòng nước ra ngoài; hay đối với các loại tôm, cá mới nhập về thả nuôi như cá chim trắng, cá rô phi Đài Loan, cá rô phi đơn tính… nuôi trong ao, đầm nước tĩnh khi gặp nước mới rò rỉ vào cá, tôm đều tìm cách chui đi nhanh chóng.

Ảnh: Lưới rào bảo vệ tôm, cá nuôi.
 
- Biện pháp bảo vệ đàn cá nuôi trong mùa mưa bão là củng cố, tu bổ và kiểm tra các bờ ao, bờ cống, ao nuôi, các bờ ao phải đắp cao hơn mức nước mưa ít nhất 0,4-0,5m trở lên. Đồng thời, đầm nện chắc chắn, tránh rò rỉ, nước tràn bờ. Những vùng ruộng nuôi cá, đầm nuôi tôm cũng cần kiểm tra lại bờ vùng, đắp lại những nơi xung yếu, chống nước tràn qua bờ, tôm cá sẽ đi theo ra ngoài. Cống thoát phải dọn sạch và thông để nước thoát nhanh, không ứ đọng gây tắc nước thoát không kịp, nhất là vùng kết hợp nuôi cá với trồng lúa. Đối với nuôi cá bằng lồng bè ở sông, hồ cần kiểm tra lại lồng bè, tu sửa những nơi xung yếu, vệ sinh tẩy dọn lồng sạch sẽ để thoát nước nhanh. Củng cố lại các dây neo, di chuyển lồng, bè vào những nơi kín gió, dòng chảy nhẹ để tránh khi gió bão lớn làm vỡ lồng, bè. 
        - Các cần kiểm tra đàn tôm cá nuôi thường xuyên nếu tôm cá nuôi đạt cở thu hoạch nên thu hoạch trước tháng 10, hạn chế thiệt hại do mưa bão gây ra. Những ao đầm tôm cá còn nhỏ chưa được thu hoạch, ngoài việc củng cố lại bờ vùng, cống thoát, cần phải có lưới, cọc dự trữ khi mưa bão xảy ra, chủ động chắn giữ cả vùng hoặc những nơi xung yếu để bảo vệ đàn cá, tôm nuôi của gia đình và trang trại./.
 
                       Sỹ Công - Chi cục Nuôi trồng thuỷ sản
Nguồn: sonongnghiephatinh.gov.vn