Mùa mưa, bão năm 2012 sẽ diễn biến phức tạp
- Thứ tư - 30/05/2012 05:25
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Ở Bắc bộ, có khả năng các đợt mưa lớn tập trung từ tháng 5-7/2012 |
Ngày 30/5, tại Hà Nội, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương (Bộ Tài Nguyên và Môi trường) đã tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai công tác cảnh báo, dự báo thiên tai năm 2012.
Chủ trì Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà nhấn mạnh: Năm 2012, tình hình thời tiết, thủy văn đã có những dấu hiệu bất thường như vào cuối tháng 3/2012, trên biển Đông cơn bão đầu tiên đã xuất hiện sớm hơn so với trung bình nhiều năm và khu vực đổ bộ không theo quy luật. Thứ trưởng đề nghị các cơ quan nghiên cứu, cơ quan quản lý trên cơ sở phân tích số liệu lịch sử, tình hình, diễn biến thời tiết và thông qua trao đổi với quốc tế để đưa ra xu thế thời tiết năm 2012. Đồng thời các đơn vị, địa phương cần tìm ra những giải pháp khắc phục những khó khăn, tồn tại của những năm trước, nhằm nâng cao chất lượng công tác dự báo, cảnh báo thiên tai năm 2012.
Nhận định xu thế thời tiết, thủy văn mùa mưa, bão, lũ năm 2012, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương Bùi Minh Tăng cho biết, năm 2012, bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên khu vực Biển Đông có khả năng nhiều hơn trung bình nhiều năm và xuất hiện sớm hơn so với quy luật hàng năm (bình thường vào khoảng giữa tháng 5). Số cơn bão và áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng trực tiếp đến Việt Nam có khả năng từ 6-7 cơn (cao hơn trung bình nhiều năm) và nhiều hơn so với năm 2011.
Về nền nhiệt, ông Bùi Minh Tăng nhận định, trên phạm vi cả nước, nền nhiệt độ toàn mùa phổ biến ở mức xấp xỉ với trung bình nhiều năm, riêng khu vực Bắc bộ và khu vực từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế các tháng nửa đầu mùa có nền nhiệt độ cao hơn hoặc xấp xỉ giá trị trung bình nhiều năm, các tháng nửa cuối mùa ở mức xấp xỉ so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.
Trong mùa mưa, bão, lũ năm 2012, đỉnh lũ cao nhất trên các sông chính ở Bắc bộ có khả năng xuất hiện sớm hơn trung bình nhiều năm (giữa tháng 7 đến đầu tháng 8).
Tại Trung bộ và Tây Nguyên, từ tháng 6-8/2012, dòng chảy trên các sông từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh, Bình Thuận và khu vực Tây Nguyên tăng dần, các sông từ Quảng Bình đến Ninh Thuận tiếp tục giảm và có khả năng thấp hơn trung bình cùng kỳ nhiều năm từ 15-60%; cần đề phòng xảy ra tình trạng khô hạn, thiếu nước cục bộ ở các tỉnh Trung và Nam Trung bộ.
Trong mùa lũ 2012, đỉnh lũ trên các sông ở Thanh Hóa có khả năng ở mức báo động (BĐ)1- BĐ2; các sông từ Nghệ An đến Hà Tĩnh và khu vực Tây Nguyên có khả năng ở mức BĐ2- BĐ3, có nơi trên BĐ3 và cao hơn trung bình nhiều năm; các sông từ Quảng Bình đến Bình Thuận có khả năng ở mức BĐ3, có nơi trên BĐ3. Cần đề phòng khả năng xuất hiện lũ lớn, cục bộ trên một số sông suối.
Tại Nam bộ, đến cuối tháng 7, đầu tháng 8, trên sông Cửu Long có khả năng xuất hiện lũ sớm với mực nước đỉnh lũ vùng đầu nguồn cao hơn trung bình nhiều năm nhưng còn thấp hơn BĐ1. Trong mùa lũ năm 2012, trên sông Cửu Long có khả năng xuất hiện lũ khá cao với đỉnh lũ ở vùng đầu nguồn ở mức BĐ3, có khả năng thấp hơn năm 2011.
Theo ông Bùi Minh Tăng do tình hình thời thiết, thủy văn trên phạm vi cả nước sẽ có diễn biến phức tạp nên cần chủ động đề phòng bão mạnh, lũ lớn, lũ quét, sạt lở đất ở các khu vực, đặc biệt tại các khu vực miền núi thuộc Bắc bộ, Trung bộ và Tây Nguyên.
Để tăng cường công tác cảnh báo, dự báo thiên tai 2012, ông Bùi Minh Tăng kiến nghị, cần đưa mạng lưới radar thời tiết vào hoạt động thường xuyên hơn bởi thực tế các trạm radar thời tiết hiện nay đều hoạt động đơn lẻ, không ổn định. Ông cũng kiến nghị nâng cấp băng thông truyền tải dữ liệu thời tiết đến các Đài khí tượng, các địa phương.
PGS.TS Trần Hồng Thái – Phó Viện trưởng Viện Khoa học Khí tượng thủy văn Trung ương và Môi trường cũng cho rằng cần nâng cao năng lực dự báo bão, dự báo lũ tại các khu vực. Bên cạnh đó là nâng cao năng lực hệ thống truyền tin, tăng cường cơ sở vật chất cho các trạm quan trắc.
Đại điện các đài khí tượng cũng đã kiến nghị nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng công tác cảnh báo, dự báo thiên tai năm 2012, trong đó tập trung vào những vấn đề như: nâng cao chất lượng bản tin cảnh báo, dự báo thiên tai; đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất kỹ thuật và đào tạo nguồn nhân lực cho các đơn vị làm công tác cảnh báo, dự báo thiên tai theo hướng hiện đại và đồng bộ…/.
Theo cpv.org.vn