Mục tiêu sản xuất lúa năm 2014 ở ĐBSCL: Giữ diện tích nhưng sẽ tăng năng suất

Mục tiêu sản xuất lúa năm 2014 ở ĐBSCL: Giữ diện tích nhưng sẽ tăng năng suất
Theo Thứ trưởng Bộ NNPTNT Lê Quốc Doanh, kế hoạch sản xuất lúa năm 2014 của vùng ĐBSCL là giữ ổn định diện tích các vụ nhưng phải tăng năng suất lúa bình quân trong toàn vùng và tăng sản lượng cả năm.
Đi đôi với giữ ổn định diện tích và tăng năng xuất, Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đồng thời gia tăng chất lượng lúa gạo xuất khẩu và xây dựng các mô hình sản xuất lúa theo hướng GAP.

Cần chọn giống lúa tốt

PGS - TS Phạm Văn Dư - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) cho biết: Kế hoạch sản xuất lúa toàn vùng phía Nam năm 2014 sẽ gieo sạ trên 4,742 triệu ha, giảm 3.261ha nhưng phấn đấu đạt sản lượng trên 27,222 triệu tấn, ước tăng 58.739 tấn so với năm 2013. 

Cụ thể vùng ĐBSCL sẽ gieo sạ 4,292 triệu ha, giảm 6.863ha, nhưng đảm bảo sản lượng đạt gần 25 triệu tấn, tăng khoảng 36.000 tấn so với năm 2012; Đông Nam Bộ sẽ gieo sạ khoảng 447.620ha, tăng khoảng 3.600ha, sản lượng phải đảm bảo đạt trên 2,2 triệu tấn, ước tăng hơn 22.642 tấn so với 2013. 

Như vậy, để đảm bảo cho vụ lúa 2014 đạt thắng lợi thì ngay từ bây giờ việc bố trí thời vụ và cơ cấu giống các vụ lúa thu đông và lúa mùa 2013 ở các tỉnh cần phải tính toán kỹ để việc bố trí sản xuất vụ lúa đông xuân 2013 – 2014 ở khu vực Nam Bộ đảm bảo đạt 1,7 triệu ha lúa. 

Trên cơ sở đề ra, Cục Trồng trọt đề nghị các tỉnh bố trí xuống giống chỉ trong 2 đợt. Đợt 1 từ ngày 9 - 26.11.2013 xuống giống 700.000ha; đợt 2 từ ngày 7- 26.12.2013 sẽ xuống giống dứt điểm diện tích còn lại. 

Mục tiêu của sản xuất lúa gạo ở ĐBSCL là tăng năng suất và sản lượng, chất lượng.
Mục tiêu của sản xuất lúa gạo ở ĐBSCL là tăng năng suất và sản lượng, chất lượng.

Đối với cơ cấu giống thì các tỉnh cần chọn các giống thích ứng với tình hình biến đổi khí hậu do xâm nhập mặn, hạn hán và dịch rầy nâu, đạo ôn, vàng lùn - lùn xoắn lá và đặc biệt là phải tăng cường tỷ trọng giống lúa chất lượng cao phục vụ cho chiến lược xuất khẩu. 

Theo ông Trương Thanh Phong - Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam: Năm 2014, gạo cao cấp của Việt Nam còn cơ hội cạnh tranh với các nước xuất khẩu gạo trên thế giới, còn gạo cấp thấp sẽ khó cạnh tranh và giá sẽ khó cao như năm nay. Chính vì vậy, vấn đề cơ cấu giống cho vụ đông xuân 2013 – 2014 là cần phải lựa chọn cho thật sát với nhu cầu thị trường xuất khẩu. 

Theo đó bộ giống lúa chủ lực đã được nông dân trồng chiếm trên 50.000 ha/năm đang phát triển ổn định và tiếp tục giữ vai trò chủ đạo trong những năm tới là: Các giống OM 6976, 6161, 5451, 2517, 4218, 5472, 4900; OMCS2000; VND95-20; Jasmine 85. Ngoài ra, năm 2013, Bộ NNPTNT đã công nhận thêm một số giống thuộc dòng OM như: 8959, 6961, 6932, 6893, 6904, 11735. 

Phổ biến sản xuất theo VietGAP

Để vụ lúa đông xuân 2013 – 2014 và các vụ lúa trong năm 2014 được thắng lợi, Cục Trồng trọt kiến nghị: Tổng cục Thủy lợi theo dõi diễn biến tình hình mực nước trên các sông trong vụ thu đông tại ĐBSCL để Sở NNPTNT các tỉnh kịp thời có những giải pháp chỉ đạo sản xuất. Cục Bảo vệ thực vật thông báo diễn biến và dự báo tình hình dịch hại, rầy nâu di trú và đề xuất các giải pháp thích hợp để hạn chế sự phát sinh và phát triển của dịch hại để bảo vệ sản xuất kịp thời. 

Về vụ lúa đông xuân 2013 – 2014, Cục Trồng trọt đề nghị các tỉnh bố trí xuống giống chỉ trong 2 đợt. Đợt 1 từ ngày 9- 26.11.2013 xuống giống 700.000ha; Đợt 2 từ ngày 7- 26.12.2013 sẽ xuống giống dứt điểm diện tích còn lại. 


PGS - TS Phạm Văn Dư cũng cho biết, Cục Trồng trọt kiến nghị Trung tâm Khuyến nông quốc gia tăng cường khuyến cáo các tiến bộ KHKT và các chủ trương chính sách hỗ trợ sản xuất đến nông dân. 

Đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến sản xuất theo VietGAP, mô hình cánh đồng mẫu lớn phải đi theo hướng gắn kết từ đầu vào, liên kết sản xuất của nông dân và doanh nghiệp tiêu thụ lúa. 

Hiệp hội Lương thực và doanh nghiệp kinh doanh, xuất khẩu gạo cần hợp tác, đặt hàng và tổ chức thu mua lúa trong mô hình cánh đồng mẫu lớn để tạo điều kiện khuyến khích và thúc đẩy mô hình phát triển trên diện rộng. Cục Trồng trọt sẽ phối hợp với Sở NNPTNT các tỉnh, thành xây dựng kế hoạch sản xuất phù hợp, đảm bảo sản xuất theo từng vùng.

Tại hội nghị sơ kết sản xuất lúa 2013 tại Trà Vinh tổ chức mới đây, Thứ trưởng Bộ NNPTNT – ông Lê Quốc Doanh đã chỉ đạo: Vụ đông xuân 2013 – 2014, các địa phương phải căn cứ thực tiễn mà chỉ đạo cơ cấu thời vụ sao cho ăn chắc và tạo đà cho vụ hè thu 2014. Đối với vụ xuân hè, ĐBSCL vẫn còn 250.000ha thường bị ảnh hưởng của mặn, phèn và là cầu nối cho vấn đề dịch bệnh. Vì vậy, đề nghị các địa phương lựa chọn: Một là đẩy lịch thời vụ xuân hè sớm sao cho trùng vụ đông xuân; hai là lùi thời vụ xuân hè sao cho trùng với vụ hè thu. Nếu trồng lúa vụ xuân hè khó khăn thì các địa phương nên chuyển mạnh sang cây trồng khác để tránh rủi ro của mặn, phèn. 

Về lựa chọn giống, Thứ trưởng Doanh yêu cầu Cục Trồng trọt phải sớm có văn bản gửi các tỉnh trong viêc xác định lại cơ cấu giống, không thể để có quá nhiều giống như hiện nay. Mỗi tỉnh phải có định hướng về cơ cấu giống và phải xác định được giống chủ lực, sản suất theo tiêu chuẩn GAP để làm thương hiệu cho hạt gạo.
Nguồn: danviet.vn