Nam Trung Bộ cần có phương pháp sản xuất phù hợp với tình hình hạn hán

Các tỉnh Duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên đang trong tình trạng báo động về khô hạn, ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất và sinh hoạt của người dân.
 
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VGP/Quang Thanh

Đây là thông tin được trao đổi nhiều tại Hội nghị “Sơ kết sản xuất trồng trọt vụ Đông Xuân 2015-2016 và triển khai sản xuất vụ Hè Thu, vụ mùa năm 2016 các tỉnh Duyên hải Nam Trung Bộ (DHNTB) và Tây Nguyên” tổ chức ngày 17/3 tại Bình Thuận.

Năm 2016, hạn hán đã xảy ra ngay từ vụ  Đông Xuân ở các tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận, Khánh Hòa và khả năng ở vụ Hè Thu sẽ xảy ra gay gắt, nhất là tại Bình Thuận.

Theo Tổng cục Thủy lợi, mùa khô ở các tỉnh DHNTB đã bắt đầu từ tháng 12/2015 và còn kéo dài đến hết tháng 8/2016, còn khu vực Tây Nguyên sẽ kéo dài đến hết tháng 4/2016. Hiện tại, các hồ chứa thủy điện, thủy lợi ở những khu vực trên có dung trữ thấp, gây ra những khó khăn cho sinh hoạt và sản xuất của người dân.

Theo báo cáo của Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), trong vụ Đông Xuân 2015-2016, tổng diện tích xuống giống toàn vùng là 292.380 ha, giảm 20.344 ha; năng suất ước đạt 61,5 tạ/ha, giảm 0,1 tạ/ha; sản lượng ước đạt 1.798.000 tấn, giảm 129.000 tấn so với vụ Đông Xuân 2014-2015.

Nguyên nhân giảm năng suất do tình hình hạn hán đã ảnh hưởng đến hơn 18.475 ha lúa. Trước tình hình nắng nóng và hạn hán kéo dài, vào đầu vụ, Cục Trồng trọt đã tham mưu Bộ NN&PTNT triển khai chỉ đạo sản xuất vụ Đông Xuân sớm hơn với các giải pháp quyết liệt trong phòng, chống hạn hán. Nhằm phòng tránh những thiệt hại có thể xảy ra do hạn hán, các địa phương đã thống nhất với Cục Trồng trọt dịch chuyển thời vụ sớm hơn, chủ động bố trí thời vụ và lịch xuống giống cho từng tiểu vùng tùy theo tình hình thực tế của địa phương.

Ông Nguyễn Văn Hòa, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết, từ cuối năm 2015, do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino khiến nắng nóng xuất hiện sớm trên diện rộng, lượng mưa thiếu hụt khoảng 15-30% so với trung bình nhiều năm, nhiều nơi khô hạn nặng.

Điều này đã tác động mạnh đến sản xuất trồng trọt các tỉnh DHNTB và Tây Nguyên. Thống kê cho thấy, tổng diện tích cây trồng ở hai khu vực trên bị ảnh hưởng là hơn 177.000 ha. Trong đó các tỉnh DHNTB là trên 10.000 ha và Tây Nguyên là gần 167.000 ha.

Ông Mai Kiều, Giám đốc Sở NN&PTNT Bình Thuận cho biết, tại địa phương này tổng diện tích gieo trồng cây ngắn ngày vụ Đông Xuân 2015-2016 là 33.829 ha (kế hoạch là 29.593 ha), đạt 114,3% so với kế hoạch và bằng 73,59% so với cùng kỳ.

Về kế hoạch sản xuất vụ Hè Thu 2016 tại Bình Thuận, do ảnh hưởng nắng hạn, các huyện Tuy Phong, Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam, Hàm Tân, thị xã La Gi và thành phố Phan Thiết chờ có mưa, đảm bảo nguồn nước mới sản xuất. Nếu đến ngày 15/6 không có mưa thì không bố trí sản xuất vụ Hè Thu 2016. Riêng huyện Tánh Linh và Đức Linh, qua cân đối, sau khi cấp nước tưới vụ Đông Xuân 2015-2016, nguồn nước còn lại tại hồ thủy điện Hàm Thuận-Đa Mi vẫn đáp ứng đủ lượng nước tưới cho cây lúa vụ Hè Thu năm 2016 cho huyện Tánh Linh là 7.000 ha và Đức Linh 5.700 ha.

Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh nhấn mạnh, với dự báo vụ Hè Thu 2016 nắng hạn gay gắt tại các tỉnh DHNTB và Tây Nguyên sẽ ảnh hưởng lớn đến gieo trồng cây lúa và cây màu. Do vậy, các tỉnh cần chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng và qua các cấp chính quyền, đoàn thể, quần chúng để vận động nhân dân sử dụng nước tiết kiệm; nhận thức mức độ khó khăn hiện nay; có phương pháp sản xuất phù hợp với tình hình thực tế như về giống, nguồn nước, nạo vét kênh mương... Thường xuyên thông báo tình hình thời tiết, nguồn nước để điều chỉnh việc cấp nước và sản xuất phù hợp với thực tế; đẩy mạnh chuyển đổi cây màu trên đất lúa. Lãnh đạo Bộ NN&PTNT cũng đề nghị Tổng cục Thủy lợi rà soát, kiểm tra, đánh giá tình hình nguồn nước ở các hồ thủy lợi để có phương án cân đối nguồn nước.

 

Theo Chinhphu.vn