Nạn sâu róm đỏ 'ken đặc' tấn công vườn bơ

Nạn sâu róm đỏ 'ken đặc' tấn công vườn bơ
Đang thời điểm thay lá, chuẩn bị ra hoa vụ mới nhưng nhiều vườn bơ ở huyện Ea H’leo (Đắk Lắk) bị sâu róm đỏ tấn công ăn trụi lá, cắn đứt các chồi non.
15-36-06_su_rom_do_n_het_phn_l_non
Sâu róm đỏ ăn hết phần lá non.

Dẫn chúng tôi đi thăm những cây bơ bị sâu róm đỏ tấn công, ông Nguyễn Văn Triển (tổ dân phố 5, thị trấn Ea Đrăng, huyện Ea H’leo) gom nhặt lại những tổ kén còn lại dưới gốc cây.

Gia đình ông có 40 cây bơ trồng xen hồ tiêu. Cuối tháng 11/2019, vườn cây xuất hiện loài sâu róm đỏ ăn trụi cây bơ đang chuẩn bị ra hoa. Loại sâu này có màu vàng nhạt, đỏ, đen và nâu; dài bằng ngón tay, thân nhiều gai, trên lưng có đường màu trắng chạy dọc từ đầu đến đuôi.

Sâu này chỉ đi ăn vào lúc sáng sớm hoặc chiều tối, còn trời nắng chúng bò xuống thân hoặc ẩn nấp dưới mặt lá nên khó phát hiện. Khi thấy cây bơ sát nhà bất ngờ bị trụi hết lá, ông kiểm tra thì đàn sâu đã ăn hết 5 cây bơ. Ông Triển cấp tốc phun thuốc trừ sâu hết cả vườn để tránh lây lan sang cây khác.

Sâu róm đỏ rất khoái ăn phần lá non và chồi non, lá già chúng thường kết thành tổ kén nuôi nhộng, chờ ngày hóa bướm để tiếp tục vòng đời sinh trưởng. Sâu róm đỏ ăn rất khỏe và sinh sản siêu nhanh, trên một cây có tới cả ngàn con sâu “ken đặc” và chỉ trong một đêm chúng có thể ăn trụi hết lá cây của cây bơ cao to.

Ngoài phun thuốc, ông Triển còn cắt bỏ, thu gom hết tổ kén, ngăn chặn triệt để loài sâu tái sinh gây hại vườn bơ. Mấy năm trước, vườn bơ nhà ông cũng bị sâu đóm đỏ tấn công, cây nào bị sâu ăn đúng thời điểm ra hoa thì tuyệt nhiên không đậu quả. Ông Triển lo lắng khi những cây bơ bị sâu ăn không ra hoa, những cây khác thì đậu hoa bình thường.

Trước đó, vườn bơ của nhà anh Bùi Thanh Tú (tổ dân phố 9, thị trấn Ea Đrăng, huyện Ea H’leo) cũng bị sâu róm đỏ phá hoại. Nhà anh Tú có hơn 30 cây bơ thì có 8 cây bị sâu ăn trụi lá; số còn lại bị sâu ăn ít hơn nhưng anh cũng phun thuốc đồng loạt để diệt tận gốc.

15-36-06_ken_su_rom_do_qun_dy_phn_l_gi_cu_cy_bo
Kén sâu róm đỏ quấn đầy phần lá già của cây bơ.

Năm trước, rẫy bơ nhà anh Tú cũng bị sâu róm tấn công nhưng không nhiều như năm nay. Sâu nằm “ken đặc” dưới mặt lá và ít di chuyển, đêm xuống chúng mới bò ra phá hoại hết cành này sang cành khác. Sau khi phun thuốc, một số ít sâu còn sống sót tiếp tục sinh trưởng tấn công qua cây điều.

Anh Tú để ý và phát hiện, thời điểm sâu róm đỏ xuất hiện nhiều nhất là lúc giao mùa cuối mùa mưa, đầu mùa khô, thời tiết ẩm nóng rất thuận lợi cho sâu hại tấn công vườn bơ. Tuy loại sâu này không gây chết cây như những bệnh khác nhưng việc chúng ăn hết phần chồi non, cắt đứt cuống hoa đã ảnh hưởng nhiều đến sinh trưởng, năng suất cây bơ. Những cây bơ bị sâu ăn cho lá non có hoa kết quả hay không thì chờ thời gian.

Theo ông Nguyễn Ngọc Hòa, Trưởng Trạm Trồng trọt và BVTV huyện Ea H’leo (Đắk Lắk): Nạn sâu róm đỏ tấn công vườn bơ cơ bản đã được khống chế. Việc sâu ăn trụi lá ít nhiều ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng và năng suất của cây, nhất là vào thời điểm cây bơ hoa đậu quả. Đã có khoảng 50 ha bơ bị sâu róm đỏ tấn công, chủ yếu là bơ truyền thống. Số lượng cây bị sâu ăn chiếm khoảng 50 % diện tích, tỷ lệ gây hại từ 5-20%.

15-36-06_ong_trien_thu_gom_to_ken_su_rom_do
Ông Triển thu gom tổ kén sâu róm đỏ.

Ngay khi sâu róm đỏ xuất hiện, Trạm đã có thông báo sâu bệnh hại và biện pháp phòng ngừa cho người dân biết đồng thời có báo cáo lên Chi cục Trồng trọt và BVTV Đắk Lắk. Chuyên gia Trường Đại học Tây Nguyên cũng về địa phương lấy mẫu kén sâu róm đỏ để nghiên cứu.

HUỲNH QUANG/ https://nongnghiep.vn/