Nắng như nung, người nuôi tôm Hà Tĩnh 'mất ăn, mất ngủ"!
- Chủ nhật - 16/06/2019 23:48
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Mới thả 5 triệu con tôm giống cho vụ nuôi thứ 2 trong năm được hơn một tuần thì đầm tôm của anh Nguyễn Việt Khánh – ở xã Xuân Đan (Nghi Xuân) gặp phải đợt nắng nóng gay gắt kéo dài, ảnh hưởng đến sức khỏe của con tôm.
Anh Khánh chia sẻ: Vụ tôm đầu tiên trong năm bị dịch bệnh, thất bát nên vụ này “mạnh tay” đầu tư với hi vọng cứu vớt. Thế nhưng, tôm vừa thả thì gặp phải đợt nắng nóng khủng khiếp kéo dài, nguy cơ dịch bệnh rất cao. Gần 2 tuần nay anh phải bám trụ tại đầm, ăn ngủ cùng con tôm để theo dõi, xử lý kịp thời khi có dấu hiệu bất thường.
“Thời tiết khắc nghiệt làm cho con tôm không chỉ chậm lớn mà còn có hiện tượng bị bệnh phấn trắng làm tôi đứng ngồi không yên. Hàng ngày, tôi phải theo dõi, kiểm tra tất cả các ao nuôi, sục khí thường xuyên để chống nóng cho tôm và cấp nước để bù vào lượng nước bốc hơi. Mỗi lần khoảng 20-30% lượng nước trong ao, cấp vào lúc trời mát, khoảng sau 19h. Đồng thời, sử dụng chế phẩm sinh học định kỳ giúp ổn định môi trường, hạn chế khí độc trong ao nuôi” – anh Khánh cho biết thêm.
Cùng tâm trạng lo lắng, anh Trần Công Huyến – chủ đầm tôm ở xã Cẩm Hòa (Cẩm Xuyên) cho biết: Tôm vụ 2 anh thả 3 đợt, hiện giờ có lứa đã đạt kích cỡ 100 con/kg, chuẩn bị cho thu hoạch. Bỏ hàng trăm triệu đồng xuống ao nuôi mà nắng nóng hiện vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt nên trong người lúc nào cũng bất an.
Nắng nóng không chỉ lo tôm nuôi “dính” bệnh mà còn kéo theo chi phí tăng cao. Thời điểm này giá điện tăng, trong khi đó, 10 cái quạt khí và sục khí của anh chạy liên tục để điều hòa nhiệt độ nước phù hợp hơn, hạn chế việc phân tầng nhiệt độ trong hồ nuôi, khống chế sự sinh sôi và phát triển của các loại tảo. Bởi vậy, chi phí tăng lên khá nhiều so với các vụ tôm trước đây.
Hơn 2 tuần nay, nắng nóng kéo dài làm môi trường ao nuôi tôm biến đổi đột ngột, nhất là yếu tố pH và nhiệt độ nước. Đây là những nguyên nhân chính làm ảnh hưởng đến quá trình phát triển của con tôm. Theo dự báo, thời gian tới, trên địa bàn Hà Tĩnh sẽ tiếp tục "đối mặt" với nắng nóng kéo dài, nhiệt độ vẫn có thể lên đến 40oC. Có nghĩa là, hiểm nguy cho tôm nuôi càng lớn.
Theo bà Đặng Thị Thu Hoàn – Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi – Thú y Hà Tĩnh, nắng nóng kéo dài làm thay đổi đột ngột các yếu tố môi trường nước trong ao nuôi thủy sản như nhiệt độ, oxy hòa tan… dẫn đến động vật thủy sản (tôm, cá…) bị sốc, phát sinh bệnh hoặc có thể gây chết hàng loạt làm ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng nuôi.
“Thời gian tới, các hộ nuôi tôm cần phải kiểm tra bờ, cống ao tránh rò rỉ mất nước, đảm bảo mực nước trong ao nuôi từ 1,5m trở lên, đồng thời quản lý tốt các yếu tố môi trường nước trong ngưỡng thích hợp là các yếu tố giúp tôm phát triển tốt. Quản lý lượng thức ăn cho phù hợp, tránh dư thừa gây ô nhiễm nguồn nước; giảm lượng thức ăn khi nhiệt độ nước cao; ngừng cho tôm ăn khi nhiệt độ môi trường trên 40 độ C. Đặc biệt, tăng cường sử dụng các loại máy quạt nước, máy phun mưa… cả ban ngày lẫn ban đêm để đảo nước tạo oxy cho ao, đảm bảo oxy cho tôm, tránh hiện tượng ngạt khí...” - bà Đặng Thị Thu Hoàn khuyến cáo.
Theo Hữu Trung/baohatinh.vn