Ngăn ngừa bệnh dại trên gia súc

Ngăn ngừa bệnh dại trên gia súc
Bệnh dại là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus gây ra. Làm rối loạn hệ thần kinh trung ương, gây nguy hiểm cho nhiều loại gia súc và con người, tỷ lệ tử vong lên tới 100%.

Nguyên nhân

Virus gây bệnh là loại virus dại thuộc họ Rhabdovirus, có cấu tạo ARN và có bao ngoài. Chúng có thể tồn tại trong cơ thể từ 2 - 8 tuần trước khi có biểu hiện phát bệnh ra ngoài. Tuy nhiên, nếu virus được truyền từ nước bọt qua vết cắn thì thời gian phát bệnh có thể rút ngắn lại còn 10 ngày. Ở nhiệt độ 560C, virus dại bị vô hoạt trong 30 phút, ở 800C trong 2 phút. Virus mất độc lực dưới ánh sáng và các chất sát trùng ở nồng độ 2 - 5%. Các chất tẩy rửa như xà phòng (bột giặt) có thể tiêu hủy virus dại ở vết thương. 

Đặc điểm

Bệnh dại là bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm chung cho nhiều loại động vật (chó, mèo…) và người. Bệnh do virus có hướng thần kinh gây ra. Đặc điểm của bệnh là virus tác động vào hệ thống thần kinh gây rối loạn thần kinh trung ương tạo trạng thái hoảng loạn (điên dại) cho vật nuôi. 

  

Nguồn bệnh

Ổ chứa virus dại trong thiên nhiên thường là loài động vật có vú hoang dã máu nóng như: chó sói, chó rừng, cáo trắng, cáo xám, chồn, dơi.  Ở Việt Nam, chó là nguồn truyền bệnh dại chủ yếu (97%), ngoài ra có thể thấy ở mèo và một số loài động vật khác (3%). Bệnh thường có nguy cơ lây nhiễm cao ở thú chưa được tiêm phòng, hay đi lang thang ra bên ngoài nhiều và tiếp xúc với động vật hoang dã hay con vật bị nhiễm bệnh. Bệnh lây chủ yếu qua vết cắn, virus dại được truyền trực tiếp từ con dại sang khỏe qua nước bọt tại vết cắn. 

  

Đường truyền lây

Virus từ động vật bị bệnh thường truyền trực tiếp sang người hay động vật khác qua vết cắn. Hoặc có khi do tay, chân gia súc bị tổn thương cơ giới, rồi vết thương đó bị nhiễm virus do nước bọt của chó dại bài thải ra môi trường. Ngoài ra, virus cũng có thể xâm nhập qua niêm mạc mắt không bị tổn thương (nguyên lành). 

  

Cơ chế phát sinh bệnh

Virus sau khi xâm nhập vào cơ thể người hay động vật (qua vết cắn), thì khu trú tại đó một thời gian để thích nghi, sau đó virus theo dây thần kinh về hạch rồi vào thần kinh trung ương. Khi vào đến thần kinh trung ương, chúng sinh sản rất nhanh, rồi theo dây thần kinh ra tuyến nước bọt. Tại thời điểm này, cơ năng thần kinh chưa bị tổn thương đáng kể nên bề ngoài con vật vẫn bình thường, nhưng ở nước bọt đã có virus (trước khi có triệu chứng khoảng 2 - 14 ngày). Sau đó virus phá hủy dần các tế bào thần kinh, lúc đầu con vật bị kích thích rồi xuất hiện những biến loạn tâm lý, hung dữ hay sợ sệt rồi chuyển thành bại liệt và sau đó sẽ chết. 

  

Triệu chứng

Thời kỳ ủ bệnh: Ở động vật thường khoảng 21 - 30 ngày sau khi con vật bị nhiễm virus, cá biệt có thể sớm từ 7 ngày và muộn có thể nhiều tháng tùy thuộc loài, độc lực của virus và vị trí vết cắn. Ở chó thời gian này trung bình là 10 ngày. 

Thời kỳ phát bệnh: Thường được chia làm 2 thể là thể dại điên cuồng và thể dại câm (bại liệt). 

Thể dại điên cuồng: Được chia làm 3 thời kỳ: 

Thời kỳ tiền lâm sàng: Xuất hiện các dấu hiệu khác thường như: trốn vào góc tối, kín đáo, đến gần chủ miễn cưỡng hoặc trái lại, tỏ ra vồn vã thái quá, thỉnh thoảng sủa, tru lên từng hồi hoặc bồn chồn… 

Thời kỳ điên cuồng: Các phản xạ vận động bị kích thích mạnh, cắn sủa người lạ dữ dội, chỉ cần có tiếng động nhẹ cũng nhảy lên sủa từng hồi dài. Vết thương nơi bị cắn ngứa, chó liếm hoặc tự cắn, cào đến rụng lông, chảy máu. Chó bỏ ăn, nuốt khó, sốt, mắt đỏ ngầu, con vật có biểu hiện khát nước, muốn uống nhưng không nuốt được. Chó bắt đầu chảy nước dãi, sùi bọt mép, cảnh giác, sợ sệt, cắn vu vơ hay giật mình, đi lại không có chủ định, trở nên hung dữ, điên cuồng (2 - 3 ngày sau khi phát bệnh). Con vật bỏ nhà đi và thường không trở về, trên đường đi gặp vật gì lạ nó cũng cắn gặm, ăn bừa bãi, tấn công chó khác, kể cả người. 

Thời kỳ bại liệt: Chó bị liệt, không nuốt được thức ăn, nước uống, liệt hàm dưới và lưỡi nên trễ hàm, thè lưỡi ra ngoài, nước dãi chảy ra, chân sau liệt ngày càng rõ. Chó chết sau 3 - 7 ngày từ khi có triệu chứng đầu tiên, do liệt cơ hô hấp và do kiệt sức vì không ăn uống được. 

Thể dại câm: Là dạng bệnh không có các biểu hiện lên cơn dại điên cuồng như thường thấy; chó chỉ có biểu hiện buồn rầu. Con vật có thể bị bại ở một phần cơ thể, nửa người hoặc hai chân sau, nhưng thường là liệt cơ hàm, mồm luôn hé mở, hàm trễ xuống, lưỡi thè ra; nước dãi chảy lòng thòng, con vật không cắn, sủa được, chỉ gầm gừ trong họng. Quá trình này tiến triển trong khoảng 2 - 3 ngày. 

  

Phương pháp chẩn đoán

Chuẩn đoán lâm sàng: Các bác sĩ thú y sẽ tiến hành chẩn đoán lâm sàng kết hợp với theo dõi các triệu chứng, lịch sử thói quen của thú, thái độ của thú đối với chủ nuôi và cả với những động vật khác. 

Phương pháp ELISA: Đây cũng là một phương pháp dùng để chuẩn đoán bệnh dại, tuy nhiên đây lại là phương pháp không được sử dụng nhiều. 

Xét nghiệm kháng thể huỳnh quang trực tiếp là thử nghiệm chính xác nhất để chẩn đoán, tuy nhiên phương pháp này đòi hỏi phải có mô não vì vậy chỉ có thể được thực hiện sau khi con vật đã chết. 

  

Phòng bệnh

Tất cả gia súc nhập khẩu phải cách ly kiểm dịch đủ thời gian phát ra triệu chứng lâm sàng của bệnh dại cho bất cứ gia súc nào ủ virus dại. 

Tiêm phòng dại định kỳ hàng năm cho thú nuôi. Tiêm lần đầu cho chó con được 4 tuần tuổi. Nếu chó con được sinh ra từ chó mẹ đã được tiêm phòng thì tiêm cho chó con vào lúc chó được 3 tháng tuổi và sau đó tiêm nhắc lại mỗi năm một lần. 

Phải thường xuyên xích chó, nuôi chó trong nhà, không được thả rông ngoài đường. Khi dắt chó ra nơi công cộng phải có người dắt và theo dõi, không để chó đi lang thang ngoài đường. 

  

Thực hiện vệ sinh sạch sẽ chuồng nuôi.

Khi phát hiện vật nuôi có những biểu hiện bất thường, bỏ ăn hoặc ăn ít, sốt cao, hung dữ khác thường thì nên đưa tới các cơ sở thú y gần nhất để kiểm tra và chẩn đoán. 

Sử dụng dung dịch thuốc tẩy gia dụng pha loãng với nước theo tỷ lệ 1:32 (150 g/4 lít) để khử trùng những khu vực xung quanh vật nuôi bị nghi bệnh dại (đặc biệt là với nước bọt). 

Khi nghi chó bị mắc bệnh dại phải báo ngay cho cơ quan Thú y. Con vật chết do mắc bệnh dại hoặc nghi mắc bệnh dại phải đem chôn hoặc đốt xác. 

>> Bệnh dại là một căn bệnh cực kỳ nguy hiểm và tiến triển với tốc độ rất nhanh, gây ra nhiều cái chết thương tâm cho thú nuôi. Hiện, Tổ chức Y tế Thế giới xếp bệnh dại vào một trong 12 căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nhất. Việc chữa trị vật nuôi bị nhiễm bệnh là cực kì tốn kém, khó khăn và hầu như điều trị là điều không thể. Do đó phòng bệnh là phương án tối ưu nhất cần áp dụng.

Nguồn: nguoichannuoi.vn