Nghệ An: Nuôi tôm "4 an"
- Thứ ba - 03/11/2015 19:53
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Mô hình nuôi tôm theo VietGAP của ông Ngô Xuân Đại ở xóm 4, xã Diễn Trung (Diễn Châu).
Hiện nay nuôi tôm nói riêng và nuôi trồng thủy sản nói chung theo VietGAP được gói gọn trong “4 an” là an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh, an toàn lao động trong quá trình nuôi, an toàn và an sinh xã hội. Khác với nuôi tôm thông thường, nuôi tôm theo VietGAP có lợi thế là quy trình nuôi được quản lý, kiểm soát từ khâu lấy nước vào - ra, xử lý ao đầm cho đến khi thả giống; cung cấp thức ăn cho tôm và xử lý các dịch bệnh phát sinh đều được tiến hành theo quy trình rất chặt chẽ và nghiêm ngặt...
Toàn tỉnh hiện có 7 vùng đang nuôi tôm theo VietGAP với tổng diện tích 240 ha. Theo kế hoạch, từ nay đến năm 2020, Nghệ An phấn đấu để đưa diện tích nuôi tôm VietGAP chiếm trên 50% diện tích (trên 1.000 ha), trong đó một số vùng đang triển khai sẽ được kiểm tra để công nhận vào năm 2016 - 2017 và tiếp tục trở thành hạt nhân để nhân rộng diện tích trong thời gian tới…
Tuy nhiên, để mở rộng diện tích nuôi tôm theo VietGAP một cách bền vững, vẫn còn có những hạn chế, trở ngại cần tháo gỡ. Hiện nay một số vùng nuôi VietGAP có tư tưởng trông chờ dự án nhà nước mới tiến hành mà chưa có sự chủ động. Để đảm bảo an toàn cho mô hình nuôi, mặc dù nhiều người nuôi đã học hỏi, áp dụng một số công đoạn, quy phạm của VietGAP nhưng vẫn có tâm lý chấp hành nửa vời; chưa tuân thủ đầy đủ theo khuyến cáo của nhà kỹ thuật như thả giống quá dày, không làm ao lắng lọc, sử dụng các chế phẩm sinh học, hóa chất ngoài danh mục hoặc sử dụng không đúng quy định…
Để nuôi tôm theo VietGAP thành công, ngoài quy hoạch chung tổng thể, mỗi mô hình phải có vị trí độc lập tương đối. Sở dĩ các mô hình nuôi VietGAP ở tỉnh ta đạt chuẩn và nuôi thành công là do có vùng nuôi độc lập để từ đó có giải pháp xử lý nước và thực hiện quy trình nuôi một cách chủ động. Để thay đổi thói quen, theo ông Ngô Xuân Đại, ở xóm 4, xã Diễn Trung (Diễn Châu) thì: Người nuôi tôm theo VietGAP không nên đặt nặng vấn đề năng suất và đòi giá tôm phải bán giá cao hơn nuôi thông thường. Mục đích lớn nhất của nuôi tôm theo VietGAP là đảm bảo an toàn, giảm được dịch bệnh và giữ môi trường nuôi bền vững.
Ông Đại có gần 10 năm nuôi tôm theo phương pháp thông thường, thất bại nhiều hơn thành công, nhưng từ khi chuyển sang nuôi tôm theo VietGAP, rủi ro rất ít; mấy năm lại đây tôm chỉ có 1 loại bệnh là phân trắng nên ông chủ động xử lý được. Không những vậy, nếu biết tính toán, nuôi vụ 2 kéo dài thì tôm thẻ có thể đạt 30 - 40 con/kg, giá không thua kém gì tôm sú (250 ngàn đồng/kg). Với phương pháp trên, chỉ với 4 ha đầm, trong đó 1 ha dành làm ao lắng, mỗi năm, ông Đại thu trên 40 tấn tôm, lãi khoảng 2-3 tỷ đồng.
Tại hội thảo về nuôi tôm theo VietGAP 9 tỉnh phía Bắc diễn ra tại Nghệ An mới đây, đại diện Tổng cục Thủy sản cho biết: Sắp tới, cùng với hoàn chỉnh thêm bộ tiêu chí VietGAP, Bộ NN&PTNT sẽ quy định chặt chẽ hơn về quy trình sử dụng các loại hóa chất sử dụng trong nuôi trồng thủy sản, vật nuôi, chấn chỉnh tình trạng cung cấp và sử dụng thiếu kiểm soát như hiện nay. Hy vọng với các giải pháp trên, mục tiêu nhân rộng diện tích nuôi tôm theo VietGAP của tỉnh ta sẽ mau chóng được thực hiện; đưa sản phẩm tôm của Nghệ An đến với thị trường rộng lớn hơn, mang lại lợi ích cho người nuôi và góp phần an toàn cho cộng đồng.