Nghệ An bùng phát bệnh vàng rụi trên lúa
- Thứ ba - 03/04/2018 03:42
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Trong khi cơ quan chức năng chưa tìm ra nguyên nhân và giải pháp khắc phục thì nông dân như ngồi trên đống lửa, vì đây không phải là vụ đầu tiên xảy ra hiện tượng này.
Nông dân Hưng Hòa lo lắng vì “bệnh lạ” trên lúa |
Vụ xuân 2018, ông Chu Sỹ Dũng, xóm Khánh Hậu, xã Hưng Hoà gieo sạ trên 1ha lúa VTNA2. Sau 1,5 tháng, cây lúa đang đẻ nhánh mạnh thì xuất hiện bệnh lạ trên diện tích 0,75ha. Ông Dũng đã thử phun nhiều loại thuốc như đạo ôn, nghẹt rễ, tuyến trùng rễ nhưng bệnh vẫn không giảm.
“Đến nay, tôi đã đổi thuốc, phun 4 lần nhưng bệnh vẫn không giảm mà ngày càng nặng hơn. 0,75 ha lúa đã bị vàng lá, cháy khô, rễ thâm đen, nóng ruột lắm mà không biết làm thế nào. Nếu cứ tình hình này nguy cơ mất trắng vụ xuân là rất cao”, ông Dũng lo lắng.
Ông Dũng cũng cho biết, vụ xuân 2017, bệnh cũng xuất hiện trên giống lúa VTNA2 khiến năng suất chỉ còn 50 - 70kg/sào. Tuy nhiên diện tích bị bệnh không nhiều nên năm nay, ông tiếp tục sử dụng giống lúa này để SX trên hầu hết diện tích của gia đình.
Theo thống kê, HTX Khánh Hậu hiện có 15ha lúa xuân nhiễm “bệnh lạ”. Những chân ruộng cao, đất phèn, thiếu nước bị cháy vàng trước, diện tích tăng rất nhanh, cạn nước đến đâu lúa bị bệnh đến đó. Bệnh xuất hiện từ ngoài rằm tháng giêng, khi lúa đã gieo được hơn 1 tháng.
Biểu hiện của bệnh là xuất hiện nốt sần ở rễ, có chỗ bị thối đen, người dân đã phun trừ thuốc tuyến trùng rễ nhưng lúa vẫn tiếp tục vàng lá. Vụ xuân 2017 là lần đầu tiên bệnh xuất hiện trên diện tích lúa của HTX nhưng chỉ ở quy mô vài ha giai đoạn đứng cái làm đòng, năng suất giảm còn 50 - 70kg/sào (500m2).
Bệnh lạ khiến cây lúa vàng rụi |
Ông Nguyễn Xuân Minh, Giám đốc HTXNN Khánh Hậu cho biết: “Chúng tôi đưa giống lúa VTNA2 vào SX trên diện rộng từ năm 2015 để thay thế giống lúa IR1820. Vụ xuân năm nay, lúa VTNA2 chiếm trên 50% diện tích. Bệnh chỉ xuất hiện trên những ruộng gieo cấy lúa VTNA2, đến nay các ngành chức năng vẫn chưa xác định được nguyên nhân gây bệnh nên HTX đang khuyến cáo người dân phun các loại dưỡng chất để lúa phát triển, tăng sức đề kháng chống lại bệnh”.
Ông Dương Xuân Thám, Trưởng ban Nông nghiệp xã Hưng Hòa lo ngại: “Hiện chỉ còn diện tích lúa gieo muộn hơn, phải gieo lại do rét là chưa bị bệnh. VTNA2 là giống lúa nằm trong nhóm giống định hướng của thành phố nên vụ xuân 2018 chúng tôi vẫn tiếp tục sử dụng, với trên 200ha trong tổng số 402ha lúa của Hưng Hoà. Đến nay, toàn xã có 35ha bị bệnh nhưng chưa có loại thuốc nào đặc trị nên nông dân rất lo lắng”.
Theo ông Nguyễn Tiến Đức, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt & BVTV Nghệ An, đây là lần thứ 2 trên địa bàn Nghệ An xuất hiện loại “bệnh lạ” này. Vụ xuân 2017, bệnh cũng đã xuất hiện tại xã Hưng Hoà nhưng diện tích và mức độ thiệt hại không đáng kể. Thời điểm hiện tại, chỉ có lúa của xã Hưng Hoà bị bệnh và bệnh cũng chỉ xuất hiện trên những ruộng lúa sử dụng giống VTNA2.
“Hiện chúng tôi chưa xác định được nguyên nhân nhưng loại trừ các nguyên nhân vi sinh vật gây bệnh truyền nhiễm vì không có các triệu chứng điển hình. Có thể đây là phản ứng sinh lý của cây lúa với điều kiện thời tiết nhưng điều khó hiểu là bệnh chủ yếu xuất hiện trên giống lúa VTNA2. Hiện Chi cục đã lấy mẫu lúa bị bệnh về trồng lại để theo dõi, nghiên cứu.
Chúng tôi đang chỉ đạo Trạm Trồng trọt & BVTV Vinh tiếp tục theo dõi diễn biến của bệnh, đồng thời hướng dẫn bà con tăng cường bón và phun lân qua lá để cây lúa phát triển, tăng sức đề kháng, chống chịu với bệnh, phun trừ một số loại sâu bệnh hại thông thường như đạo ôn, tuyến trùng rễ…”, ông Đức cho biết.
Trên cùng một chân ruộng nhưng giống Trân Châu Hương (trái) và VTNA2 (phải) trái ngược hẳn |
Theo Chi cục Trồng trọt & BVTV, ngoài “bệnh lạ” xuất hiện trên 35ha lúa tại xã Hưng Hòa, SX lúa tại Nghệ An đang có nhiều đối tượng sâu bệnh phát sinh, gây hại. Đến nay, diện tích lúa bị đạo ôn lá là 2.271,2ha, trong đó có 249,6ha nhiễm nặng, tỷ lệ lá bị bệnh nơi cao 20 - 30%, cá biệt 50 - 70%. Ốc bươu vàng gây hại trên 587,1ha, trong đó 96,3ha nhiễm nặng; mật độ nơi cao 5 - 7 con/m2, cục bộ 10 - 15 con/m2. Chuột phát sinh gây hại trên 898,2ha trong đó 67,8ha nhiễm nặng với tỷ lệ hại nơi cao 15 - 20%, cá biệt 30 - 40% dảnh bị hại. Bạc lá vi khuẩn phát sinh gây hại trên 4ha với tỷ lệ bệnh nơi cao 15 - 20%, cục bộ 30 - 50% số lá. Bệnh khô vằn phát sinh gây hại trên 5ha với tỷ lệ dảnh bị hại nơi cao 3 - 5%, cục bộ 10 - 15%... |