Ngư dân Đất Mũi trúng mùa cá cơm
- Thứ năm - 18/12/2014 20:03
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Tại Cà Mau, vùng chuyên đánh cá cơm tập trung chủ yếu tại các cửa biển thuộc các huyện U Minh, Trần Văn Thời, Ngọc Hiển…, trong đó cửa biển Sông Đốc (huyện Trần Văn Thời) và cửa biển Khánh Hội (huyện U Minh) là hai điểm được người dân tập trung trao đổi mua bán mặt hàng này.
Theo ông Trần Văn Huyến, ở huyện Trần Văn Thời, cứ đến mùa này, người dân xã Khánh Hải lại cho ghe neo đậu tại cửa biển Sông Đốc để đón nước lên, chờ biển êm để đi “săn” cá cơm. Cũng như mọi ngư dân nơi đây, gia đình ông rẽ sóng biển ra khơi từ 3 – 4 giờ sáng. Theo ông Huyến, nếu trúng luồng cá, một ngày ông có thể đánh bắt được cả tấn cá tươi.
Còn hộ anh Trần Thanh Quang, chuyên đánh bắt cá cơm lâu năm tại thị trấn Sông Đốc chia sẻ: “Năm nay mùa cá cơm đến sớm hơn mọi năm; để bắt loài cá nhỏ này được người dân khai thác bằng hình thức đẩy chủ (công cụ chuyên dụng đánh bắt cá cơm). Trúng mùa, lại được giá cá, nên thu nhập của bà con khá những năm trước. Hiện, giá cá cơm giao động từ 8.000 – 10.000đồng/kg, tùy theo chất lượng, cao hơn năm trước từ 2.000 – 3.000 đồng/kg”.
Theo ngư dân vùng ven biển Tây Cà Mau, cá cơm có 3 loại phổ biến, gồm: Cá cơm bún, có giá khoảng 90.000 đồng/kg, do loại cá loại này hiếm; nhiều nhất là cá cơm đầu nhọn có giá 50.000 đồng/kg và loại cá cơm đầu bằng, ít thịt hơn, nên giá bán chỉ khoảng 35.000 đồng/kg. Còn đối với khô cá cơm, thì theo tính toán của bà con, cứ khoảng 4 kg cá cơm tươi sau khi phơi sẽ được 1kg cá khô. Giá cá cơm khô được thương lái thu mua tại nơi phơi với giá trung bình từ 45.000 – 50.000 đồng/kg.
Ông Phạm Văn Tình, thương lái thu mua cá cơm khô cung cấp cho thị trường Miền Đông Nam Bộ và Tây Nguyên cho biết: Giá cá cơm năm nay được thu mua cao hơn năm trước. Tuy nhiên, thị trường tiêu thụ lại khá kén chọn, các đầu mối chỉ thích mua loại cá cơm bún và cá cơm đầu nhọn. Mùa cá mới vào mùa, nên thị trường rất hút hàng. Đặc biệt, thị trường Tây Nguyên tiêu thụ loại cá này rất mạnh.
Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Trần Văn Thời Đỗ Văn Sử cho biết: “Hàng năm cứ vào độ tháng 9 (âm lịch) ngư dân đánh bắt gần bờ trên địa bàn lại bắt tay vào mùa cá cơm. Tùy theo thời tiết, mùa cá cơm hàng năm dài ngắn khác nhau. Thông thường khoảng gần Tết sẽ hết mùa cá cơm, người dân lại chuyển qua khai thác các đối tượng khác. Năm nay cá cơm được giá, sản lượng đánh bắt tương đối, nên bà con bám biển gần bờ có nguồn thu khá”.
Nguồn: Báo An Giang Online