Nhân rộng mô hình cánh đồng lúa một giống
- Thứ năm - 12/01/2017 20:53
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Tháng 7/2016, Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Phú Thiện phối hợp với các ngành chức năng liên quan tiến hành gieo trồng thí điểm giống lúa OM 4900 trên diện tích gần 80ha tại 2 xã Ia Ke và Ia Sol; trong đó, đáng chú ý là khoảng 40 ha thuộc Hợp tác xã Nông nghiệp Chư A Thai, xã Ia Ke quản lý, với hơn 40% là các hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Thay đổi lớn nhất của mô hình này, là giảm cách thức gieo sạ từ 200 - 250 kg/1ha xuống còn 150 kg/1ha, nhờ đó giảm chi phí đầu tư giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, đồng thời giúp nông dân nâng cao kiến thức về kỹ thuật canh tác, chăm sóc cho cây lúa để mang lại năng suất cao hơn.
Ông Ksor Pôl, Hợp tác xã Chư A Thai, xã Ia Ke cho biết, những năm trước, bà con thường xuyên gieo sạ 25 kg/sào, thậm chí có nhà sạ 30 kg/sào. Tuy nhiên từ vụ mùa này, gia đình ông cũng như nhiều bà con khác đã gieo sạ 15 kg/sào theo đúng hướng dẫn của Phòng Nông nghiệp huyện. “So với những năm trước, năm nay gia đình tôi đã giảm được chi phí đầu từ giống. Không những vậy, lúa OM 4900 còn có nhiều ưu điểm là lúa cứng, lá đẹp, cho năng suất cao hơn”, ông Ksor Pôl tâm sự.
Giống lúa OM 4900 có thời gian sinh trưởng khoảng 105 - 107 ngày, năng suất thu hoạch ước đạt 7,5 - 8 tấn/ha (tăng khoảng 1 tấn/ha so với phương pháp trồng đại trà trước đây). Với việc áp dụng đúng mô hình cánh đồng lúa một giống, theo quy trình sản xuất “3 giảm, 3 tăng” (giảm về giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; tăng về năng suất, chất lượng sản phẩm, hiệu quả kinh tế của cây trồng), mỗi một héc ta trong đợt trồng thí điểm của huyện Phú Thiện đã tăng lợi nhuận trên 2,5 triệu đồng so với phương pháp trồng đại trà. Không những vậy, nhờ chất lượng đồng đều, nên sản phẩm từ mô hình cánh đồng lúa một giống dễ được các doanh nghiệp thu mua nông sản lựa chọn.
Những dấu hiệu tích cực mà mô hình cánh đồng lúa một giống mang lại từ đợt trồng thí điểm đã giúp huyện Phú Thiện quyết định gieo trồng đại trà theo mô hình này tại vụ Đông Xuân 2016 - 2017, trên diện tích hơn 600 ha tại 8 xã, thị trấn trên địa bàn huyện, với mong muốn tiếp tục giúp nông dân nâng cao về năng suất, chất lượng, tăng thu nhập và thuận tiện trong sản xuất. Đồng thời, thu hút các doanh nghiệp liên kết để đầu tư về giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho nông dân và bao tiêu sản phẩm để sản xuất ổn định, bền vững.
Ông Bùi Trọng Thành, Phó Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai cho biết, thông qua việc triển khai mô hình cánh đồng lúa một giống, huyện đã hỗ trợ cho các hợp tác xã nông nghiệp liên kết để cung ứng các dịch vụ đầu vào và đồng thời đại diện cho các hộ để liên kết với doanh nghiệp, bao tiêu đầu ra cho nông dân. Thời gian tới, huyện Phú Thiện sẽ tiếp tục nhân rộng triển khai mô hình cánh đồng lúa một giống, quy hoạch lại những vùng chuyên canh cây lúa, tăng cường công tác đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu gắn với thị trường tiêu thụ ổn định và lâu dài cho mặt hàng nông sản lúa gạo, góp phần mục tiêu xây dựng thương hiệu lúa gạo Phú Thiện trong giai đoạn 2015 - 2020./.
Theo Mard.gov.vn