Nhiều mô hình, sản phẩm nông sản an toàn

Thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông dân các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh thực hiện nhiều mô hình, sản phẩm nông sản an toàn cho người tiêu dùng.
Sản xuất nông sản an toàn

Chợ Mới có diện tích trồng rau màu lớn nhất tỉnh, kế đến là Châu Phú, An Phú, Phú Tân, TP. Long Xuyên, TX. Tân Châu... Tỉnh đang khuyến khích nông dân trồng rau, màu hữu cơ, tổ chức các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong trồng rau, màu. Kết quả cho thấy, rau trồng trong nhà lưới phát triển tốt hơn so với rau trồng bên ngoài. Hiện nay tỉnh đang tiến hành củng cố và nâng cao chất lượng sản xuất rau an toàn theo hướng VietGAP tại xã Mỹ Hòa Hưng (TP. Long Xuyên), TP. Châu Đốc, Chợ Mới để cung cấp rau an toàn cho siêu thị Tứ Sơn (TP. Châu Đốc), Công ty TNHH MTV TMDV Phan Nam, siêu thị Co.opmart, chợ Mỹ Bình, chợ Mỹ Long  (TP. Long Xuyên) sản lượng từ 300 - 500kg rau các loại.

Huyện Chợ Mới được mệnh danh là vương quốc xoài 3 màu. Thời gian qua, chính quyền và nông dân tích cực thực hiện tạo sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP. Cùng với sự hỗ trợ của Sở Khoa học và Công nghệ, 47,5 héc-ta được chứng nhận VietGAP, nay diện tích được chứng nhận nhân lên 127 héc-ta. Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Tầng Phú An cho biết: “Để tiếp tục phát triển các sản phẩm rau quả đạt tiêu chuẩn VietGAP, sở đã hỗ trợ thực hiện dự án xây dựng mô hình sản xuất xoài 3 màu 500 héc-ta đạt tiêu chuẩn VietGAP gắn với chuỗi tiêu thụ sản phẩm, đồng thời đào tạo cho 750 nông dân”.

Tại Phú Tân, toàn huyện phát triển được 14 nhà lưới giá rẻ với tổng diện tích 13.300m2. Rau phát triển tốt, do trồng trong nhà lưới nên ít bị ảnh hưởng bởi thời tiết và sâu bệnh. Giá bán rau an toàn cho thương lái từ 15.000 - 16.000 đồng/kg, bán tại chợ 20.000 đồng/kg. Phú Tân còn nhân rộng mô hình sản xuất rau màu an toàn đã được Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật An Giang cấp giấy chứng nhận vùng sản xuất rau an toàn. Mô hình được nông dân và các ngành, các cấp đánh giá cao về hiệu quả kinh tế - xã hội và khuyến khích nhân rộng. Địa phương đang hỗ trợ nông dân tự nguyện đăng ký xây dựng nhà lưới sản xuất rau màu an toàn 30 triệu đồng/1.000m2. Nếu nhà lưới lớn hơn 1.000m2 sẽ tăng mức hỗ trợ nhưng nông dân phải đối ứng, nhằm tạo điều kiện cho nông dân nhân rộng mô hình trồng rau trong nhà lưới theo hướng an toàn, thúc đẩy việc phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Thử nghiệm các mô hình nông sản an toàn hiệu quả để khuyến cáo nông dân nhân rộng là nhiệm vụ quan trọng của ngành Nông nghiệp, Khoa học và Công nghệ. Kỹ sư Nguyễn Phước Thanh, cán bộ kỹ thuật xã Tân Trung (Phú Tân) vừa nghiên cứu thành công mô hình khảo sát và xây dựng quy trình trồng rau nhút an toàn và hiệu quả. Mô hình thực hiện tại ấp Tân Thạnh, Tân Trung (Phú Tân) với diện tích 2.000m2, được bố trí ngẫu nhiên 4 lần lặp lại, kết quả thu được quy trình trồng rau nhút an toàn và hiệu quả. Năng suất đạt 1.664kg/1.000m2 cao hơn ruộng đối chứng 278kg.

Thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, xã Bình Thạnh (Châu Thành) đã xây dựng 6 nhà lưới sản xuất rau màu với quy mô 5.400m2 và đẩy mạnh chuyển dịch giống cây trồng đem lại hiệu quả kinh tế cao. Kỹ sư Cao Hồng Châu, cán bộ Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Châu Thành vừa nghiên cứu thành công mô hình thử nghiệm “Trồng cây dưa leo bằng hệ thống tưới nhỏ giọt kết hợp nuôi ong thụ phấn trong nhà lưới tại xã Bình Thạnh, Châu Thành”, mục đích tăng năng suất dưa leo trồng trong nhà lưới, góp phần bảo vệ thiên địch, không gây ô nhiễm môi trường, an toàn với sức khỏe người tiêu dùng hướng tới nền nông nghiệp xanh và bền vững. Theo kỹ sư Châu: “Để phát triển sản xuất vùng rau an toàn nói chung và của xã Bình Thạnh nói riêng nhất thiết rau màu phải sản xuất trong nhà lưới. Sản xuất rau trong nhà lưới nhằm hạn chế và giảm áp lực sâu hại, hạn chế thuốc bảo vệ thực vật, an toàn đối với người tiêu dùng”.

Nguồn: http://www.baoangiang.com.vn