Nhiều mô hình thích ứng biến đổi khí hậu

Nhiều mô hình thích ứng biến đổi khí hậu
Thị xã Ngã Năm (Sóc Trăng) là vùng thường xuyên chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu (BĐKH).

Nhiều mô hình thích ứng biến đổi khí hậu
Cây màu đem lại nguồn thu ổn định cho vùng đất thường xuyên ngập mặn Ngã Năm


Tình trạng lốc xoáy gây thiệt hại nhà cửa của người dân và ngập úng vẫn thường xuyên xảy ra.

Vì vậy, việc phát triển mô hình sinh kế thích ứng với BĐKH đang được ngành chức năng địa phương triển khai tích cực. Trong đó, tập trung vào các mô hình thiết thực, gắn với đời sống của người dân để dễ dàng triển khai thực hiện và mang lại hiệu quả bền vững.

Mô hình sinh kế thích ứng với BĐKH được TX Ngã Năm chọn là nuôi cá lóc trong vèo. Anh Huỳnh Văn Thanh, khóm Mỹ Thanh, phường 3 mỗi năm nuôi khoảng 2 - 3 đợt, mỗi đợt 500 - 800 con cá giống. Anh Thanh cho biết: “Nuôi cá lóc trong vèo là lấy công làm lời, vì tận dụng nguồn thức ăn sẵn có tại địa phương như cá tạp, tép, ốc bươu vàng… Bình quân thu nhập cũng lời từ 3 - 5 triệu đ/vụ”.

Người dân nuôi cá lóc trong vèo không lo lắng vì rất chủ động được nguồn nước. Nước lên tới đâu thì đưa mùng lưới lên theo, bởi vậy nuôi trong vèo thuận tiện hơn nuôi cá trong ao và phù hợp với điều kiện đặc điểm tự nhiên của vùng trũng Ngã Năm. Không chỉ có mô hình nuôi cá trong vèo, TX Ngã Năm còn có nhiều mô hình thích ứng BĐKH mang lại nhiều hiệu quả.

Tình hình BĐKH ngày càng trở nên gay gắt, không chỉ ảnh hưởng đến SX, đời sống mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển KT-XH ở nhiều địa phương. Mô hình thích ứng BĐKH ở TX Ngã Năm đang được quan tâm nhân rộng, góp phần tăng thu nhập cho nông hộ, sớm về đích xây dựng NTM.

Điển hình như mô hình trồng màu của ông Quách Văn Xù ở khóm Vĩnh Tiền, phường 3. Gia đình ông Xù chỉ có 3 công đất ruộng trồng lúa, thường xuyên chịu ảnh hưởng xâm nhập mặn. Đầu năm 2013 ông Xù mạnh dạn chuyển đổi 3 công đất SX kém hiệu quả sang trồng màu.

Ông Xù chia sẻ: “Ở vùng đất này, mùa khô thì nước mặn, mùa mưa thì ngập úng nên bà con chọn mô hình trồng màu. SX không phụ thuộc vào nước trời vì tưới bằng cây nước (giếng khoan) nên cây màu vẫn phát triển tốt.

Trồng màu ngắn ngày, chỉ tốn công chăm sóc nên dù trời nắng hay mưa cũng không ảnh hưởng nhiều, lợi nhuận cao gấp đôi so với trồng lúa, tiết kiệm được nguồn nước tưới nên rất phù hợp với địa phương. Nhờ cây màu, cuộc sống của tôi mới khá lên”.

Với điều kiện tự nhiên là vùng trũng thường xuyên chịu ảnh hưởng của xâm nhập mặn ở mùa nắng và ngập úng cục bộ vào mùa mưa, do đó việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp từng vùng đang được TX Ngã Năm quan tâm thực hiện.

Thời gian qua, Phòng Tài nguyên - Môi trường TX Ngã Năm đã triển khai nhiều mô hình thích ứng BĐKH như nuôi lươn trong mùng lưới, trồng gừng trên giàn, ủ phân hữu cơ và trồng rau trên bè… Theo đó, người dân được tập huấn, chuyển giao TBKT áp dụng vào SX.

Theo ông Cao Hữu Lượng, cán bộ Phòng TN-MT Ngã Năm, sắp tới phòng sẽ đẩy mạnh công tác truyền thông để bà con nâng cao nhận thức SX thích ứng với BĐKH; đồng thời phối hợp với Viện Nghiên cứu BĐKH (Trường ĐH Cần Thơ) tổ chức các lớp tập huấn và giao lưu để nâng cao kiến thức cho nông dân.

Nguồn: nongnghiep.vn