Nhiều tỉnh, thành hết ổ dịch tả lợn Châu Phi

Nhiều tỉnh, thành hết ổ dịch tả lợn Châu Phi
Ngoài Hòa Bình, Bắc Kạn đã đủ điều kiện công bố hết dịch, theo Cục Thú y (Bộ NN-PTNT), nhiều địa phương khác có ổ dịch tả lợn Châu Phi đã qua hơn 20 ngày nhưng không phát sinh thêm.

Từ thực tế Hòa Bình, Bắc Kạn

16-24-09_1
Dùng vôi tiêu độc khử trùng tại một ổ DTLCP

Điều kiện để một địa phương công bố hết dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) là đủ 30 ngày kể từ ngày tiêu hủy con lợn bệnh cuối cùng không phát sinh thêm ổ dịch mới. 

Hai ổ DTLCP của Hòa Bình tại hai xã là Hợp Thanh và Thanh Lương của huyện Lương Sơn, xuất hiện vào ngày 5/3. Đến nay đều đã qua 30 ngày và không phát sinh thêm ổ dịch mới nào. Hòa Bình cũng trở thành tỉnh đầu tiên công bố hết DTLCP đến thời điểm này. Đến hôm qua (10/4), tỉnh Bắc Kạn là địa phương tiếp theo trên cả nước đủ điều kiện công bố hết dịch.

Như vậy, cả nước chỉ còn 21 tỉnh có DTLCP. Nhờ những tín hiệu tích cực trong công tác phòng, chống dịch, thị trường thịt lợn cũng đã có những tín hiệu khởi sắc trở lại về giá cũng như sản lượng thịt tiêu thụ.

Theo ông Phạm Thành Nhương – Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi Thú y tỉnh Thái Bình, hiện nay, có 2 ổ DTLCP xuất hiện tại các xã Quỳnh Minh (huyện Quỳnh Phụ) và xã Vũ Tiến (huyện Vũ Thư) đã qua 30 ngày nhưng chưa phát sinh thêm ổ dịch mới.

Đối với xã Đông Đô, huyện Hưng Hà - địa phương đầu tiên phát hiện có ổ DTLCP trên địa bàn tỉnh, hiện nay chính quyền địa phương và các ngành chức năng đã quyết liệt triển khai các giải pháp dập dịch, tiêu độc khử trùng, kiểm soát chặt mọi hoạt động vận chuyển động vật… nhưng vẫn phát sinh thêm ổ dịch lẻ tẻ trên diện hẹp (chưa qua 30 ngày).

16-24-09_2
Tại các ổ dịch chưa qua 30 ngày, các chốt kiểm dịch vẫn được duy trì

Xã Quỳnh Minh, huyện Vũ Thư là một trong những địa phương chăn nuôi lợn khá sôi động. Tổng đàn lợn trên địa bàn xã trên 11.000 con. Kể từ khi gia đình ông Tạc có 80 con lợn bị tiêu hủy vào ngày 5/3 vì nghi nhiễm DTLCP, chính quyền và các hộ chăn nuôi đã siết chặt kiểm soát dịch bệnh (không cho người lạ, phương tiện lạ vào khu vực chăn nuôi, rắc vôi, phun thuốc khử trùng…), nhờ đó đến nay chưa phát hiện thêm ổ dịch mới. Đến này 9/4, giá lợn hơi cân tại chuồng là 39.000 - 40.000 đồng/kg.

Ông Nguyễn Đình Triệu, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Quỳnh Phụ cho biết: Nguyên nhân khiến hộ gia đình ông Tạc bị nhiễm DTLCP là do nhập con giống từ địa phương khác về nuôi. Bởi vậy, nếu kiểm soát tốt được quá trình lưu thông, vận chuyển lợn giữa các địa phương, tôi tin rằng chúng ta sẽ khống chế được DTLCP trong thời gian tới.

Theo Cục Thú y, đến hết ngày 10/4, đã có 12 ổ dịch (xã Đức Hợp, huyện Kim Động, xã Hồng Nam thuộc TP Hưng Yên, xã Giai Phạm thuộc huyện Yên Mỹ của tỉnh Hưng Yên; phường Ngọc Thụy, quận Long Biên, Hà Nội; xã Đại Đồng, Tứ Kỳ, Hải Dương; xã Quỳnh Minh, huyện Quỳnh Phụ và xã Vũ Tiến của huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình; xã Hợp Thanh và xã Thanh Lương, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình; xã Chính Lý, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam; xã Ta Ma, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên; xã Ninh Khang, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình) đã qua 30 ngày không phát sinh thêm lợn mắc bệnh.

“Nếu kiểm soát tốt dịch bệnh, không để phát sinh thêm ổ dịch mới, thì trong vòng 5 ngày tới, sẽ có thêm 4-5 tỉnh đủ điều kiện công bố hết dịch tả lợn Châu Phi”, một lãnh đạo Cục Thú y thông tin đến Báo NNVN.

MINH PHÚC - PHẠM HIẾU

 

Các hộ dân tại Long Biên đã nhận được tiền hỗ trợ

Chiều 10/4, trao đổi với NNVN, bà Lê Thị Bích Hoài, Phó Chủ tịch UBND phường Ngọc Thụy, quận Long Biên, Hà Nội cho biết, 2 hộ dân tại ổ DTLCP trên địa bàn đã nhận được tiền hỗ trợ. Tổng mức hỗ trợ cho 2 hộ chăn nuôi bị thiệt hại là hơn 105 triệu đồng.

16-24-09_3
Phường Ngọc Thụy đã công bố hết DTLCP

Theo bà Hoài, điểm dịch đầu tiên được phát hiện và công bố trên địa bàn thuộc khu vực Đầm Nấm, tổ 17, trên đàn lợn rừng 24 con của hộ gia đình ông Nguyễn Thái Sơn. Tuy nhiên, sau đó có thêm một hộ chăn nuôi sát nhà ông Sơn tự nguyện đăng ký tiêu hủy đàn lợn của gia đình. UBND quận Long Biên đã yêu cầu phường Ngọc Thụy hoàn thiện hồ sơ, hỗ trợ các hộ chăn nuôi bị thiệt hại trong vòng 15 ngày.

“Ngay khi dịch bệnh xảy ra, chúng tôi đã thành lập ngay 3 chốt trực, chia làm 3 ca, trực 24/7. Đồng thời phường cũng tổ chức tuyên truyền cho người dân những kiến thức cơ bản về DTLCP. Từ đó không để người dân hoang mang, tẩy chay hay quay lưng với thịt lợn. Trên toàn phường, chúng tôi tổ chức ra quân tổng vệ sinh, tiêu độc khử trùng thứ bảy hằng tuần”, bà Hoài cho hay.

Như vậy, tính tới ngày 26/3, tại phường Ngọc Thụy đã qua 30 ngày không phát sinh ổ dịch mới. Theo bà Hoài, cả người dân và chính quyền sở tại như thở phào nhẹ nhõm. Tuy nhiên, không lơ là chủ quan công tác phòng chống dịch trong thời điểm này.

Dù là địa bàn phường, cách trung tâm Thủ đô chừng 3km, tuy nhiên tại Ngọc Thụy việc chăn nuôi của người dân vẫn theo hình thức nhỏ lẻ, tận dụng thức ăn thừa để sản xuất. Riêng đàn lợn, toàn phường Ngọc Thụy có 652 với 57 hộ chăn nuôi. “Rất may là phường vẫn còn khu vực Đầm Nấm - nơi xảy ra, cách xa khu dân cư, là nơi một số hộ tập chung chăn nuôi lợn. Nếu như dịch xảy ra tại những hộ nhỏ lẻ khác trong khu vực dân cư thì rất khó để khống chế dịch vì mật độ, lượng người qua lại rất lớn”, bà Hoài chia sẻ.

Cũng theo bà Hoài, theo định hướng của quận Long Biên, tới năm 2020, các khu vực như phường Ngọc Thụy sẽ phải giải quyết triệt để vấn đề chăn nuôi nhỏ lẻ trong khu dân cư. Phương án là đưa các chuồng trại chăn nuôi ra khỏi khu vực dân cư, hai là giúp người dân chuyển đổi hình thức phát triển kinh tế khác thay thế chăn nuôi nhỏ lẻ.

KẾ TOẠI - HƯNG GIANG

 

Ba xã ở Hưng Yên thoát khỏi bão dịch

Như thông tin từ Cục Thú y, 3 xã là Đức Hợp (huyện Kim Động), Hồng Nam (thành phố Hưng Yên), Giai Phạm (huyện Yên Mỹ) đã công bố hết DTLCP.

16-24-09_4
Tình hình dịch bệnh tại Hưng Yên vẫn diễn biến phức tạp

Địa phương đầu tiên công bố hết dịch là xã Đức Hợp, ngày 29/3 vừa qua. “DTLCP được phát hiện tại xã Đức Hợp từ cuối tháng 2/2019 khiến hơn 600 con lợn phải đem đi tiêu hủy. Nhờ triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp nên tình hình dịch đã được khống chế. Đến nay, đã qua hơn 30 ngày mà Đức Hợp vẫn chưa phát sinh thêm ổ dịch mới”, Giám đốc Sở NN-PTNT Hưng Yên, ông Đỗ Minh Tuân cho biết.

Một số xã đã trên 20 ngày không phát sinh thêm ổ dịch như Vân Du (huyện Ân Thi) và Thiện Phiến (huyện Tiên Lữ). Tuy nhiên, Chi cục Chăn nuôi Thú y tỉnh Hưng Yên vẫn nhận định, dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp và lây lan ra diện rộng trên địa bàn.

Từ ngày 1/2 đến nay, Hưng Yên đã tổ chức tiêu hủy 32.148 con lợn tại 2.057 hộ, 332 thôn, 98 xã của 10 huyện, thành phố. Tính riêng trong các ngày từ 6 - 9/4, tiếp tục phát hiện lợn ốm, chết nghi mắc bệnh DTLCP và tiến hành tiêu hủy theo quy định: Huyện Yên Mỹ tiêu hủy 449 con; huyện Khoái Châu tiêu hủy 172 con; huyện Mỹ Hào tiêu hủy 720 con; huyện Văn Lâm tiêu hủy 318 con; huyện Ân Thi tiêu hủy 164 con; huyện Tiên Lữ tiêu hủy 44 con; huyện Văn Giang tiêu hủy 61 con; huyện Phù Cừ tiêu hủy 203 con và huyện Kim Động tiêu hủy 384 con.

Chi cục Chăn nuôi Thú y tỉnh Hưng Yên đã lấy 1.397 mẫu huyết thanh, 8 mẫu bệnh phẩm của lợn ốm, chết gửi Trung tâm chẩn đoán Thú y Trung ương để xét nghiệm. Kết quả có 821/1.397 mẫu huyết thanh, 8/8 mẫu bệnh phẩm dương tính với virus DTLCP.

Hưng Yên sẽ tiếp tục tổ chức mọi biện pháp khống chế, hạn chế mức thấp nhất sự lây lan của dịch bệnh. Chi cục Chăn nuôi Thú y tiếp tục cử cán bộ trạm thú y phụ trách địa bàn phối hợp với các địa phương hàng ngày kiểm tra, nắm bắt diễn biến tình hình dịch bệnh trên đàn lợn và báo cáo kịp thời về BCĐ huyện.

Tiếp tục duy trì 10 chốt kiểm dịch động vật liên ngành trên các trục đường giao thông chính tại địa bàn giáp ranh với các tỉnh Hà Nam, Thái Bình, Hải Dương và thành phố Hà Nội; 14 chốt cấp huyện, thành phố tại các huyện Yên Mỹ, Văn Giang và Phù Cừ; 280 chốt tại các xã vùng dịch.

THÀNH NAM - TRẦN HỒ/nongnghiep.vn