Những lưu ý trong công tác phòng chống đói, rét cho trâu bò trong vụ đông – xuân
- Thứ năm - 12/02/2015 02:15
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Tuy nhiên, cũng có nhiều nguyên nhân chủ quan có tác động không nhỏ đến tỉ lệ chết trên đàn trâu bò trong vụ đông – xuân tại các tỉnh miền núi phía Bắc như việc cho trâu bò ăn quá nhiều thức ăn tinh do thức ăn thô xanh khan hiếm, bố trí chuồng trại không đúng kỹ thuật,…. Trên cơ sở những tác động đến tỷ lệ chết trên đàn trâu bò trong vụ đông xuân, xin lưu ý một số điểm sau để vận dụng vào việc phòng chống đói, rét cho trâu bò ở các địa phương.
1. Lưu ý trong chỉ đạo, chính sách hỗ trợ
Thời điểm trâu bò chết đói, rét thường vào dịp Tết Nguyên đán hay vào các dịp lễ hội đầu năm nên ảnh hưởng lớn đến việc chăm sóc đàn trâu bò. Nhiều địa phương đã ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện tuy nhiên nếu không giám sát việc thực hiện thì hiệu quả công tác phòng chống đói rét trên trâu bò ít hiệu quả. Vì vậy trong công tác chỉ đạo cần:
- Gắn trách nhiệm trong việc chỉ đạo công tác phòng chống đói, rét cho trâu, bò đối với chính quyền và cơ quan chuyên môn địa phương (tỉnh, huyện, xã) trong việc để cho trâu bò chết rét trong vụ đông xuân.
- Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện, tổng hợp và đánh giá kết quả, khen thưởng kỉ luật kịp thời.
- Đối với các chính sách hỗ trợ, cần ưu tiên hỗ trợ trồng, chế biến, bảo quản và dự trữ thức ăn thô xanh, không nên chú trọng hỗ trợ trâu bò chết đói, chết rét vì việc hỗ trợ trâu bò chết không có tác động tích cực đến hiệu quả phòng, chống đói rét cho trâu bò, đồng thời nếu không giám sát tốt dễ nảy sinh tiêu cực
2. Chú ý trong Công tác chuyên môn và tuyên truyền
Để nâng cao hiệu quả phòng chống đói, rét cho trâu bò trong vụ đông xuân, các cơ quan chuyên môn cần nắm bắt và quán triệt cụ thể các nguyên nhân gây chết trên trâu bò tại địa phương; tiến hành tuyên truyền đầy đủ, kịp thời và lựa chọn các giải pháp phù hợp.
a. Nguyên nhân gây chết trâu, bò vụ đông xuân
Các nguyên nhân gây chết trên trâu, bò tại các tỉnh miền núi phía Bắc chủ yếu do các nguyên nhân sau:
- Trâu, bò chết do đói lâu ngày: Trời giá rét, sương muối làm cho các loại cây thức ăn thô xanh không phát triển được dẫn đến thiếu thức ăn thô xanh
- Trâu, bò chết do rối loạn tiêu hoá: nguyên nhân do bổ sung thức ăn tinh cho trâu bò ăn không đúng kỹ thuật dẫn đến trâu bò bị các bệnh về tiêu hoá như liệt dạ cỏ, tiêu chảy,… không can thiệp kịp thời dẫn đến chết trâu bò
- Trâu, bò chết do rét: Do thả rông trâu, bò; không đưa trâu, bò về chuồng khi trời mưa rét; chuồng trại không được che chắn tốt, lầy lội tạo điều kiện phát sinh một số bệnh cấp tính gây chết nhanh chóng như tụ huyết trùng; chứng cước chân dẫn đến đổ ngã, suy kiệt và chết hoặc một số nơi thực hiện phòng chống rét cho trâu bò không đúng cách như mặc các loại áo cho trâu bò nhưng lại để trâu bò dầm mưa ngoài bãi chăn lại càng làm cho trâu bò chết nhanh hơn. Thông thường do đặc điểm loài thì trâu chịu rét kém hơn bò nên tỷ lệ chết rét trên trâu thường cao hơn trên bò rất nhiều.
- Trâu, bò chết ngạt do sưởi ấm không đúng cách: Nhiều hộ chăn nuôi nhốt trâu, bò vào chuồng kín gió sau đó dùng các loại chất đốt như vỏ trấu, lõi ngô, mùn cưa hoặc các loại chất đốt sưởi cho trâu, bò ngay trong chuồng suốt đêm không theo dõi, dẫn đến trâu bò chết do ngạt khói.
- Do kế phát các bệnh nhiễm trùng trâu bò nhiễm mầm bệnh từ bãi chăn, đồng cỏ, chuồng trại nguồn nước xâm nhập vào cơ thể và gây bệnh.
b. Các biện pháp giảm thiểu tỉ lệ trâu, bò chết trong vụ đông - xuân.
* Giải pháp thực hiện trước khi vào vụ đông xuân
- Định kỳ tiêu độc chuồng trại, bãi chăn thả bằng các loại thuốc sát trùng.
- Định kỳ tẩy trừ giun sán ký sinh đường tiêu hóa bằng các loại thuốc trị ký sinh trùng mỗi năm 2 lần cách nhau 6 tháng với liều lượng theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
- Tiêm phòng định kỳ các bệnh truyền nhiễm gây hại trên gia súc 1 năm 2 lần như tụ huyết trùng, lở mồm long móng, nhiệt thán.
- Không thả rông hoặc chăn thả gia súc khi trời mưa, gió lạnh; có biện pháp phòng chống giá rét và che mưa cho gia súc khi vận chuyển hoặc chăn thả.
- Thực hiện gia cố, che chắn chuồng nuôi tránh rét, gió lùa và mưa tạt
- Chủ động chế biến, bảo quản và dự trữ thức ăn cho gia súc trước mùa mưa lạnh như dự trữ thức ăn từ nguồn phụ phẩm nông nghiệp (rơm khô, lá ngô khô, lá mía), ủ chua, ủ xanh thức ăn thô xanh, trồng các loại cỏ có sức chống chịu giá rét và khô hạn làm thức ăn cho vụ đông xuân.
- Tuyên truyền các biện pháp phòng tránh đúng kỹ thuật, sử dụng tờ rơi bằng hình ảnh, hướng dẫn cụ thể cho người chăn nuôi
* Giải pháp thực hiện khi thời tiết giá lạnh
- Giữ chân móng khô, sạch, ấm (không để dính bùn, phân ướt)
- Mặc áo ấm cho trâu, bò (bằng bao tải, vải bạt, chăn, chiếu)… khi có rét phải nuôi nhốt trong chuồng.
- Khi nhiệt độ dưới 10oC không chăn thả, đồng thời phải sưởi ấm đúng cách và cung cấp đủ thức ăn cho trâu, bò.
- Không cho trâu, bò gầy yếu cày bừa.
- Cho trâu, bò uống nước ấm pha muối với nồng độ thấp (9/1000).
- Đặc biệt chú ý giữ ấm và cho bê, nghé non ăn uống đầy đủ