Nỗi lo thắt lòng của người trồng mía
- Chủ nhật - 25/11/2018 09:29
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Thời điểm này, chạy dọc theo các tuyến đường nông thôn ở huyện Mỹ Tú dễ dàng bắt gặp cảnh người dân đang thu hoạch mía, với không khí vô cùng trầm lắng, bởi giá mía được thương lái thu mua tại ruộng chỉ được từ 450 – 500 đồng/kg, trong khi đó bước vào vụ thu hoạch rộ thì vấn đề thuê nhân công lại càng khó khăn. Bà Trần Thị Ni ở ấp Mỹ Khánh B, xã Long Hưng cho biết: “Nếu như năm rồi, giá mía được 950 đồng/kg thì hiện nay, thương lái đến mua xô cao nhất chỉ được giá 500 đồng/kg. Tôi có 2ha mía đang chuẩn bị thu hoạch, ruộng mía phát triển rất tốt nhưng nếu giá mía vẫn không tăng thì vụ này chắc sẽ bị thua lỗ…”
Đứng ngồi không yên, bà Nguyễn Thị Hà ở xã Mỹ Phước thở dài cho biết: “Mọi năm, thời điểm này đã bắt đầu thu hoạch mía rộ, nhưng năm nay nhiều bà con cố gắng neo lại để chờ giá. Giá mía mà không tăng thì tiền bán mía chắc không đủ để trả cho nhân công”.
Cũng theo bà Hà, mặc dù năm nay ruộng mía không bị ảnh hưởng của triều cường, nhưng bước vào thu hoạch rộ, giá thuê nhân công đốn mía tăng từng ngày, hiện từ 180.000 đến 200.000 đồng/tấn mía cây (tùy đường vận chuyển mía xa hay gần), tăng 20.000 – 30.000 đồng/tấn so cùng kỳ năm trước.
“Chưa bao giờ cảm nhận được “mía đắng” như lúc này, vụ này mười nhà tin chắc cả mười đều lỗ nặng, năm vừa rồi bán giá cũng đỡ nhưng năng suất không cao. Năm nay, coi như từ lỗ đến lỗ chứ không thể nào huề vốn được. Cứ cái đà như vậy, bà con trồng mía không biết lấy gì để sống…” - bà Hà ngậm ngùi chia sẻ thêm.
Niên vụ mía 2018 – 2019, huyện Mỹ Tú xuống giống được 1.360ha, đến nay đã thu hoạch được khoảng 30% diện tích, tập trung ở các xã Long Hưng, Mỹ Phước, Mỹ Tú. Theo ngành Nông nghiệp huyện Mỹ Tú, huyện sẽ rà soát lại những vùng sản xuất mía tập trung để đề xuất đầu tư cơ sở hạ tầng; hướng dẫn nông dân ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật nhằm giảm chi phí đầu tư, tăng lợi nhuận; đồng thời, đối với các vùng trồng mía rải rác, khuyến khích bà con chuyển đổi sang cây trồng phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng cũng như có giá trị kinh tế hơn.
Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mỹ Tú Võ Minh Quân cho biết: “Để đảm bảo cho việc trồng mía cũng như hạn chế rủi ro cho bà con trồng mía, trong thời gian tới ngành Nông nghiệp huyện có kế hoạch phối hợp với các đơn vị ở địa phương xác định vùng trồng tập trung, theo đó có hướng kết hợp trồng mía với nuôi thủy sản hoặc một số cây trồng khác nhằm tận dụng được thu nhập trên cùng diện tích…”.