Nông dân Hà Tĩnh rộn ràng xuống giống vụ xuân
- Thứ sáu - 27/12/2019 03:36
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Bà con xã Thạch Sơn (Thạch Hà) bắt tay vào phá bỏ bờ thửa để mở cánh đồng lớn
Thời điểm này, khắp các địa phương trên địa bàn huyện Thạch Hà đang tập trung xuống đồng phá bờ vùng, bờ thửa, khởi tạo cánh đồng lớn.
Không còn thưa thớt, phân tán như trước đây, những cánh đồng từ Thạch Sơn, Thạch Kênh đến những xã vùng bãi ngang Thạch Hội, Thạch Khê, Thạch Văn… rậm rịt người, đứng xếp thành hàng dài đào đắp, dỡ bỏ bờ thửa.
Vừa đón thớ đất của người đứng cạnh, ông Nguyễn Hữu Nhân (thôn Đình Hàn, xã Thạch Sơn) cho biết: “Đây là những khâu đầu tiên, chúng tôi phải đào phá bờ nhỏ, tiếp đến sẽ san phẳng mặt ruộng để tạo đồng đều cho cánh đồng. Công phu ban đầu nhưng ít hôm nữa máy chạy băng băng, giống ngâm ủ xong chỉ có gieo nữa thôi”.
Ông Nhân bảo, từ năm ngoái, khi thấy bà con ở các xã Thạch Hội, Thạch Khê, Thạch Xuân… thành công với mô hình này, bản thân đã háo hức lắm. Khi cả cánh đồng sản xuất cùng một quy trình, cùng một loại giống, máy móc sẽ được vận dụng tối đa. Vì thế mà công sức của người nông dân cũng được giảm bớt.
Sát ngay cạnh ruộng của ông Nhân là 3 sào ruộng của gia đình ông Nguyễn Tiến Tuấn (cùng thôn), nhưng bây giờ đã chẳng còn chia cắt.
“Sau khi phá bờ thửa, hai nhà chỉ giữ lại chiếc cọc tre làm mốc phân định ranh giới, cuối năm cứ “căn” vào đó mà thu hoạch thôi. Vùng đồng này, nhà từ 2 thửa thì chỉ còn 1 thửa chung trong cánh đồng lớn”, ông Nguyễn Tiến Tuấn cho biết.
Vụ xuân 2020, Thạch Hà và Cẩm Xuyên có 800 ha thực hiện mô hình cánh đồng lớn
Đồng ruộng Cẩm Xuyên đã bắt tay vào vụ sản xuất quan trọng nhất trong năm. Bà con nông dân tranh thủ khơi thông kênh mương, làm sạch cỏ bờ.
Năm nay, huyện có 12 xã tham gia phá bờ thửa nhỏ, những mảnh chắp ghép của cánh đồng nhỏ đang dần dần phá mở, bà con như thể tham gia vào một cuộc cách mạng mới.
Ở những vùng lúa Đức Thọ, Can Lộc, Lộc Hà đã quen thuộc với hình ảnh những nương mạ che phủ ni lông hình xoắn ốc chạy khắp cánh đồng.
Lúa xuân Hà Tĩnh đã quen thuộc với hình ảnh những nương mạ hình xoắn ốc được che phủ ni lông
Nhiều năm nay, cách ứng phó với thời tiết mưa rét đặc thù của vùng đất Hà Tĩnh đã giúp người nông dân giảm được thiệt hại đầu vụ.
Chị Phan Thị Thắm (xã Đức Thịnh, huyện Đức Thọ) cho biết: “Nhà tôi chủ yếu là giống P6, số giống này đã gieo được hơn tuần lễ rồi. Nhờ che phủ nilong mà mạ có môi trường ổn định để sinh trưởng, không còn bị chết như trước đây”.
Nương mạ đã sẵn sàng, đồng trên xóm dưới, hàng chục chiếc máy làm đất gia tăng tiến độ, tranh thủ thời vụ để chuẩn bị tốt nhất cho vụ lúa sắp sửa.
Toàn tỉnh đã hoàn thành 83,8% khâu làm đất
Theo Chi cục Trồng trọt & BVTV Hà Tĩnh, đến nay, toàn tỉnh đã gieo 256,3 ha mạ (tương đương trên 3.300 ha diện tích lúa cấy); hoàn thành 83,8% công tác làm đất.
Các địa phương đang tập trung cao nhất cho thời vụ xuống giống đảm bảo khung lịch thời vụ. Không khí khẩn trương, nhộn nhịp đang rộn vang khắp các cánh đồng các vùng miền Hà Tĩnh.
Theo Song Oanh/baohatinh.vn