Nước tưới vụ hè thu: “Nín thở”… chờ trời!

Nước tưới vụ hè thu: “Nín thở”… chờ trời!
Theo dự báo thời tiết của Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh, Hà Tĩnh tiếp tục đợt nắng nóng mới và ít nhất trong 10 ngày tới gần như không có mưa. Đồng ruộng dù đã được cung cấp một lượng nước sau cơn mưa khá lớn vào tối 16/6 nhưng theo đánh giá của các nhà chuyên môn thì nó chỉ mang tính “giải nhiệt”. Trong khi các hồ đập trên địa bàn mực nước không mấy “nhích” lên, thì nước tưới hè thu vẫn trong tình trạng… “nín thở” trông trời!...


Hồ Vực Trống (Can Lộc) chỉ đáp ứng được 3/6 đợt tưới cho sản xuất vụ hè thu.

Hạn hán rình rập

Ông Nguyễn Hữu Phúc - Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Thủy lợi Bắc Hà Tĩnh cho biết: “Trận mưa vào tối 16/6 chỉ có tác dụng giải nhiệt, giảm áp lực về độ bốc hơi của nước trên đồng ruộng, kênh tưới. Trên thực tế, nguồn nước dự trữ từ các hồ chứa bổ sung không đáng kể, những “điểm nóng” về hạn hán vẫn ở mức báo động “đỏ”. Nếu thời tiết nắng nóng kéo dài thì nguy cơ thiếu nước vụ sản xuất hè thu vẫn rất cao”.

Trong số 22 hồ, đập do công ty quản lý thì có đến gần một nửa mực nước chỉ còn lại 50% dung tích thiết kế sau lượt tưới đầu tiên này. Còn hai tuyến sông lớn là sông La và sông Nghèn, mực nước lúc xuống thấp nhất cũng thấp hơn năm đỉnh điểm hạn hán 2015 từ 40 - 50 cm. Tại Trạm bơm Linh Cảm, gần như ngày nào máy cũng phải nghỉ 1 - 2 tiếng đồng hồ vì không đủ nước bơm lên.

Nắng nóng cực độ, nước chưa đủ tráng kênh đã bốc hơi càng buộc công ty thủy nông phải kéo dài giờ tưới. Chẳng hạn như hồ Vực Trống (Can Lộc) cung cấp nước cho 800 ha thuộc 4 xã: Vĩnh Lộc, Phú Lộc, Thường Nga và Thượng Lộc, hàng năm, tình trạng thiếu nước vẫn diễn ra. Tuy nhiên, ít nhất hồ vẫn đáp ứng được 4-5 đợt tưới, trong khi đó mực nước ở thời điểm hiện tại đạt 30,1m (đạt khoảng 30% dung tích thiết kế), giỏi lắm chỉ đáp ứng được 3 lượt tưới. Số còn lại đành phải… ngửa mặt trông trời!

Hệ thống tưới của Công ty TNHH MTV Thủy lợi Nam Hà Tĩnh đã phải “dè xẻn” từ cuối vụ xuân 2016. Dù thế, sau đợt mở nước đầu tiên, mực nước hồ Kẻ Gỗ hiện tại là 22,54m/32,5m. Ông Lê Hồng Sơn - Giám đốc công ty cho biết: “Dù đã tưới với lưu lượng lớn nhưng nhiều vùng cao, xa vẫn không tiếp nhận được kịp thời. Một phần do nắng nóng cực điểm, nhiệt độ thường xuyên duy trì 39-40oC đã làm tiêu hao lớn nguồn nước chuyển tải trên mặt kênh, mặt khác, do nhu cầu quá lớn, đồng thời cùng một lúc trong khi hệ thống không thể tưới đồng loạt”.

Chẳng thế mà, những vùng như: Cẩm Thăng, Cẩm Lộc (Cẩm Xuyên); Thạch Đồng, Thạch Môn (TP Hà Tĩnh) hay Thạch Trị, Thạch Lâm, Thạch Hương (Thạch Hà) chỉ mới có thể bắt tay vào vụ sản xuất hè thu cách đây ít ngày. Chị Trần Thị Thương (Thạch Lâm) cho biết: “Cả mấy chục ngày ép nước mãi, may có trận mưa mà tôi mới làm đất được để gieo cấy. Có điều, chúng tôi vẫn lo lắm, nếu cứ nắng nóng thế này thì đợt tưới dưỡng tiếp theo sẽ rất khó khăn”.

nuoc tuoi vu he thu nin tho cho troi

Công ty TNHH MTV Thuỷ lợi Bắc Hà Tĩnh điều tiết nguồn nước hợp lý, tiết kiệm nhằm đảm bảo khung thời vụ gieo cấy của các địa phương

Chuyển đổi cơ cấu - bài toán khó

Để “ép” thời vụ, trong những ngày tới, nước vẫn được bơm tối đa về chân ruộng. Các công ty thủy nông kêu gọi sự đồng hành của địa phương bằng việc chỉ đạo thời vụ, gieo cấy đồng đều diện tích canh tác để không gây lãng phí nguồn nước. Song, bài toán nào cho vụ hè thu lại không hề đơn giản. Không ít những cánh đồng vẫn trơ gốc rạ của mùa lúa cũ mặc cho nước đã ngập chân ruộng. Diện tích bỏ hoang vẫn hiện hữu mặc dù trước đó, căn cứ vào trữ lượng nước đầu vụ, ngành nông nghiệp đã cơ cấu diện tích hè thu còn 42.135 ha (thay vì trên 44.000 ha như những năm trước). Phần lớn việc chuyển đổi chủ yếu là các cây trồng: đậu, vừng, ngô sinh khối, cỏ, đưa lại những kết quả bước đầu, có điều quy mô mới chỉ ở dạng mô hình là chủ yếu. Số còn lại thì rơi vào tình trạng “tiến thoái lưỡng nan”.

Ông Phạm Đức Hướng - Chủ tịch UBND xã Vĩnh Lộc (Can Lộc) cho biết: “Nguồn nước từ Vực Trống không cung cấp đủ, trước 15/6, xã có 50% diện tích (trong tổng số 297 ha) không có nước để gieo cấy”. Kể cả những địa phương có quy mô chuyển đổi lớn như Đức Thọ, Hương Sơn (300-500 ha) thì cũng không loại trừ việc tồn tại diện tích bỏ hoang do làm lúa không được, làm màu không xong.

Ông Ngô Đức Hợi - Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi cho biết: “Ở đợt tưới đầu tiên, cơ bản tất cả các hồ đập trên địa bàn đều đáp ứng đủ. Sau đợt tưới này, chi cục sẽ khảo sát, đánh giá lại trữ lượng nước trên địa bàn. Nếu nắng nóng kéo dài thì nhiều nguồn nước tưới sẽ “căng”, nhất là hồ đập nhỏ. Vì vậy, các đơn vị, địa phương cần có sự chủ động, linh hoạt trong điều tiết nước; sử dụng nước tiết kiệm và hạn chế lãng phí nguồn nước do thiếu đồng bộ, thiếu tập trung”.

Theo Nguyễn Oanh - Hữu Trung/baohatinh.vn