Nuôi tôm thắng đậm nhờ giống tốt

Nuôi tôm thắng đậm nhờ giống tốt
Thời tiết thất thường, dịch bệnh đeo bám dai dẳng đã khiến nhiều người nuôi tôm tại miền Bắc trắng tay, “treo” ao đầm, tuy nhiên, vẫn có người gặt hái thành công liên tiếp. Đó là ông Phan Văn Cư ở khối Tân Hải, phường Quỳnh Phương, TX Hoàng Mai, Nghệ An. Chia sẻ bí quyết, ông Cư cho biết, là do ông "trông trời, trông đất" tốt và có được con giống chuẩn.

Cuối tháng 1/2016, ông Phan Văn Cư tiến hành thu hoạch tôm thẻ chân trắng, nhiều người không khỏi ngạc nhiên bởi từng mẻ tôm to bằng ngón trỏ bật tanh tách đang lần lượt được đưa ra Hà Nội.

Ông Cư phấn khởi cho biết, vụ đông 2015 dự đoán thời tiết sẽ ấm như năm trước nên ông mạnh dạn thả 60 vạn tôm giống. Đến nay mới nuôi được gần 90 ngày mà tôm đã đạt trọng lượng bình quân 70 con/kg. Nếu không bị đợt rét kéo dài gần 10 ngày qua thì đến thời điểm này tôm sẽ đạt 60 con/kg. Vừa rồi ông bán 3 tấn, giá bình quân 200.000 đồng/kg, thu 600 triệu đồng. Hiện trong đầm còn trên 5 tấn nữa. Tôm vụ đông mà được như vậy là thắng lớn. Nếu trừ chi phí đầu tư hết khoảng 450 triệu (thức ăn, chế phẩm sinh học, tiền điện và công) lãi ròng đạt khoảng 1,1 tỷ đồng.

nuôi tôm thắng đậm nhờ giống tốt

Ông Cư vui mừng khi ao tôm được mùa

Ông Hồ Ngọc Phương, một người nuôi tôm ở phường Quỳnh Phương cho biết: Đầm tôm của ông Cư chưa đầy 7.000 m2 nhưng năm nào, vụ nào cũng thu lãi khủng. Vụ xuân 2015, ông Cư thả 70 vạn con (mật độ trên 100 con/m2) hết 90 triệu đồng tiền giống và chi phí tiền thức ăn, chế phẩm sinh học, tiền công hết khoảng 500 triệu. Cuối vụ thu được 12 tấn tôm thương phẩm (trọng lượng 65 con/kg). Riêng vụ xuân 2015, giá chỉ 190.000 đồng/kg nhưng cũng đã thu gần 2,3 tỷ đồng. Lãi ròng 1,7 tỷ đồng".

Hỏi bí quyết thành công, ông Phan Văn Cư chia sẻ, trước hết phải đầu tư tốt cơ sở hạ tầng. “Để nuôi tôm thẻ chân trắng thành công trên diện tích đầm chật hẹp và ít ỏi này, năm 2011 - 2012 tôi đầu tư vào xây dựng cơ bản hết 2,7 tỷ đồng", ông Cư cho biết thêm.

Cùng đó, để nuôi tôm luôn thắng đậm cần: Thứ nhất, chủ động được nguồn nước đầu vào. Ông lấy cả hai nguồn nước mặn và ngọt từ lòng đất, sau đó xử lý bằng chế phẩm sinh học và điều chỉnh độ mặn hợp lý nhằm tạo điều kiện cho tôm phát triển tốt. Thứ hai, con giống phải đạt chuẩn. Mấy năm nay ngành nuôi trồng thủy sản Nghệ An khuyến cáo người nuôi tôm nên sử dụng con giống có thương hiệu. Năm nay, ông Cư tiếp tục lựa chọn con giống của Công ty TNHH Đầu tư Thủy sản Nam Miền Trung (Vĩnh Tân, Tuy Phong, Bình Thuận) và thắng đậm. Từ vụ xuân 2014 đến nay ông chỉ mua giống tôm của thương hiệu này.

Thứ ba, công tác xử lý môi trường để con tôm phát triển nhanh cũng hết sức quan trọng. Đặc biệt, đầm tôm của ông Cư luôn thắng lớn nhờ ông lặn lội vào miền Nam, tìm đến các nhà khoa học để học hỏi cách sản xuất, sử dụng chế phẩm sinh học (từ chế phẩm EM gốc) để áp dụng cho từng loại dịch bệnh. Kèm theo đó chế độ cho ăn cũng phải khoa học, không được cho thừa thức ăn trong đầm. Nguồn thức ăn nếu tôm không sử dụng hết sẽ là một yếu tố gây ra tình trạng ô nhiễm nguồn nước...

Điều này có thể cho thấy rằng, mặc dù là loài nuôi rất "đỏng đảnh", phụ thuộc khá nhiều vào điều kiện khách quan, nhưng nếu người nuôi có sự đầu tư chỉn chu, có lựa chọn chính xác và làm thật thì thất bại khó gõ cửa.

Thu Thảo (ghi) 
Nguồn: thủy sản việt nam