Nuôi trồng thủy sản trên địa bàn Hà Nội: Tích cực chuẩn bị vào vụ mới

Nuôi trồng thủy sản trên địa bàn Hà Nội: Tích cực chuẩn bị vào vụ mới
Thời điểm này, tại các vùng chuyên canh thủy sản trên địa bàn TP, người nông dân đang bước vào cuối vụ thu hoạch và chuẩn bị ao nuôi lứa mới. Năm nay, giá các loại cá sau Tết đều tăng nên bà con nông dân rất phấn khởi.
Được giá
 
Chọn thời điểm sau Tết để thu hoạch, từ mùng 6 Tết, gia đình anh Nguyễn Quang Tuấn, thôn Từ Châu, xã Liên Châu, huyện Thanh Oai bắt đầu thu hoạch cá. Với diện tích ao nuôi thủy sản 2,7 mẫu, anh Tuấn thu hoạch được khoảng 3 tấn cá. Anh cho biết, thời điểm ra Tết, giá bán cá cao hơn trong Tết 10.000 đồng/kg. Cụ thể, giá cá trắm là 61.000 đồng/kg, cá trôi 37.000 đồng/kg. Chỉ tính riêng vụ thu hoạch sau Tết, anh Tuấn thu về trên 100 triệu đồng. Đặc biệt, đầu ra cho sản phẩm khá thuận lợi bởi thương lái đến tận ao để thu mua.
 
 
Nuôi trồng thủy sản xã Liên Châu, huyện Thanh Oai. Ảnh: Quang Thiện
 
 
Tại vùng nuôi trồng thủy sản xã Tráng Việt, huyện Mê Linh, nhiều hộ nông dân cũng mới hoàn thành việc thu hoạch cá. Anh Nguyễn Văn Thành, một hộ nuôi trồng thủy sản thôn Tráng Việt, xã Tráng Việt cho biết, gia đình anh vừa thu "xổi", tức là chỉ đánh những con cá to để xuất bán, còn cá nhỡ, cá nhỏ để thu tiếp vào những lứa sau. Anh Thành cho biết, thời điểm trước Tết, giá cá trôi chỉ khoảng 30.000 - 35.000 đồng/kg, cá trắm 55.000 đồng/kg. Tuy nhiên, ra Tết giá cá tăng rõ rệt, như cá trắm trên 60.000 đồng/kg, trôi 40.000 đồng/kg, rô phi 45.000 đồng/kg... Lứa cá này, gia đình anh Thành thu về trên 45 triệu đồng.
 
Theo ông Nguyễn Văn Nguyên, Phó Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp xã Tráng Việt, toàn xã có khoảng 70ha nuôi trồng thủy sản và 30ha nuôi cá lồng ven sông Hồng. Đến nay, hầu hết các hộ dân đều đã thu hoạch cá xong. "Điều đáng mừng là thời điểm đầu năm, giá các loại cá đều cao nên thu nhập từ nuôi trồng thủy sản của người nông dân cũng khá" - ông Nguyên cho biết.
 
Chuẩn bị kỹ cho vụ mới
 
Sau khi thu hoạch, các hộ nuôi trồng thủy sản đang chuẩn bị bước vào vụ mới. Tại xã Tráng Việt, huyện Mê Linh, trong số 70ha nuôi trồng thủy sản có 30ha nuôi theo mô hình cá - lúa. Đến nay, người dân đang tiến hành cấy lúa xuân, còn với các ao, đầm chuyên canh thủy sản, bà con cũng tích cực chuẩn bị thả lứa cá mới. Các hộ dân mong mỏi, thời gian tới được tham gia học các lớp tập huấn kỹ thuật nuôi trồng thủy sản, bởi hiện nay chủ yếu người dân vẫn làm theo hướng tự phát và kinh nghiệm cá nhân. 
 
Nhiều hộ nuôi trồng thủy sản cũng kiến nghị, được hỗ trợ vay vốn phát triển mô hình trang trại tổng hợp, kết hợp thả cá với chăn nuôi để tận dụng nguồn phân thải từ chăn nuôi làm thức ăn cho cá. Ngoài ra, TP, huyện cần quan tâm giải quyết vấn đề nguồn nước cho các vùng chuyên canh thủy sản. Ông Nguyễn Thành Biên, Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp xã Liên Châu, huyện Thanh Oai cho biết, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản của xã khoảng 100ha. Hiện nay người dân đang vào vụ mới nhưng vẫn còn nỗi lo về nguồn nước, bởi nước lấy từ sông Nhuệ khá ô nhiễm, ảnh hưởng tới sản xuất.
 
Theo ông Nguyễn Khắc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Giống thủy sản Hà Nội, việc chuẩn bị ao nuôi là một trong những khâu quan trọng nhất quyết định đến chất lượng và phòng trị bệnh trong quá trình nuôi trồng thủy sản. Trước khi thả cá giống, bà con nông dân cần tháo cạn, phơi khô và dọn sạch đáy ao, khử trùng bằng vôi bột với liều lượng 10 - 12kg/100m2 ao. Đặc biệt, nguồn nước đưa vào ao nuôi hiện nay thường phụ thuộc khá nhiều vào nguồn nước phục vụ cho tưới tiêu trong nông nghiệp và nước mưa. Do vậy, việc chuẩn bị nguồn nước cho ao nuôi gặp không ít khó khăn. Nguồn nước lấy vào ao phải đảm bảo chất lượng và được lọc kỹ bằng lưới với kích cỡ mắt lưới nhỏ hơn 1mm để lọc cá tạp và cá bột ngoài môi trường ao.
 
 Thiện Quang (ktdt.com.vn)