Phòng bệnh - giải pháp căn cốt, bền vững cho tôm nuôi

Phòng bệnh - giải pháp căn cốt, bền vững cho tôm nuôi
Khi tôm nuôi “dính” bệnh thì rất khó chữa trị do loài thủy sản này không có hệ miễn dịch đặc hiệu. Bởi vậy, người nuôi tôm Hà Tĩnh phải thực hiện tốt công tác phòng bệnh, xem đây là giải pháp bền vững để mang lại những vụ tôm thắng lợi.

Tháo cạn nước, phơi khô đáy ao... để hạn chế dịch bệnh xâm nhập và phát triển trong ao nuôi

Nghề nuôi tôm ở Hà Tĩnh thời gian qua luôn phải đối mặt với dịch bệnh hoại tử gan tụy cấp và đốm trắng. Kỹ sư thủy sản Nguyễn Quỳnh Nga – Chi cục Chăn nuôi – Thú y cho rằng: Tôm mắc phải bệnh thường bỏ ăn nên không thể đưa được thuốc vào cơ thể, đồng thời, do tôm sống trong môi trường nước nên khi bị bệnh rất khó phát hiện và khó điều trị.

Bệnh tôm lây lan qua cả hai con đường, từ bố mẹ sang theo chiều dọc và lây nhiễm qua môi trường, qua vật chủ trung gian truyền bệnh. Bởi vậy, việc cải tạo ao đầm phải đảm bảo nền đáy sạch; chất lượng nước thích hợp và ổn định nhằm ngăn ngừa, hạn chế dịch bệnh xâm nhập và phát triển trong ao nuôi.

Người dân nuôi tôm cần chú trọng đến hệ thống ao lắng và nguồn cấp thoát nước riêng biệt nhằm đảm bảo các yếu tố môi trường ở mức tối ưu cho sự phát triển của tôm

Thời điểm này, người nuôi tôm đang chuẩn bị bước vào vụ nuôi đầu tiên trong năm. Tại vùng nuôi tôm tập trung Phúc Lộc xã Thạch Khê – Thạch Hà có 15 ha của 31 hộ nuôi được các hộ dân thực hiện nghiêm túc quy trình cải tạo ao đầm.

Ông Đào Viết Thi nuôi 1,2 ha tại đây cho biết: Sau khi thu hoạch, ông đã tháo cạn nước, hút bùn, phơi khô đáy ao, không thải bùn ra sông, kênh rạch... Bởi qua mỗi vụ nuôi tôm, lượng thức ăn dư thừa và các chất cặn bã tích tụ ở đáy ao khá nhiều. Nếu không cải tạo ao, diệt tạp mà tiếp tục thả nuôi thì nguy cơ tôm bị dịch bệnh là rất cao.

Lựa chọn con giống chất lượng

Tại xã Hộ Độ (Lộc Hà) - một trong những vùng trọng điểm nuôi tôm của tỉnh, người dân tuân thủ các quy trình kỹ thuật về cải tạo ao đầm. Hàng chục km đường giao thông được đắp lại, kênh tiêu thoát được khơi thông, ao đầm nuôi tôm được vệ sinh, tiêu độc khử trùng làm sạch bằng hóa chất cloraminB và vôi bột.

Ông Phan Đình Hinh - Chủ tịch UBND xã Hộ Độ cho biết: Nhờ hướng dẫn của cán bộ Chi cục Chăn nuôi – Thú y, vụ tôm đầu năm nay, người nuôi tôm Hộ Độ chú trọng đến hệ thống ao lắng và nguồn cấp thoát nước riêng biệt nhằm đảm bảo các yếu tố môi trường ở mức tối ưu cho sự phát triển của tôm. Lựa chọn con giống thả nuôi cũng được các hộ dân tìm mua tại các cơ sở có uy tín, thương hiệu lớn trên thị trường...

Thường xuyên kiểm tra ao nuôi để có biện pháp phòng ngừa thích hợp

Theo Kỹ sư Đặng Thị Thu Hoàn – Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y, để vụ tôm đầu năm thắng lợi, người nuôi tôm cần theo dõi diễn biến về dịch bệnh để có biện pháp phòng ngừa thích hợp như thay nước, tăng tần suất kiểm tra tôm nuôi. Khi phát hiện tôm có dấu hiệu không bình thường phải báo ngay với cán bộ khuyến ngư nơi gần nhất để lấy mẫu xét nghiệm, nhằm xác định nguyên nhân gây bệnh và xử lý kịp thời.

Thời gian tới, dự báo tình hình thời tiết có những diễn biến phức tạp, do đó, công tác phòng, chống dịch bệnh trên tôm nuôi cần được tăng cường hơn nữa. Ngoài ra, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khuyến cáo nâng cao ý thức cho các hộ nuôi tôm về công tác phòng chống dịch.

Khi tôm có dấu hiệu bất thường phải báo ngay cho cán bộ chuyên môn để lấy mẫu xét nghiệm, nhằm xác định nguyên nhân gây bệnh và xử lý kịp thời.

Nhìn chung, công tác phòng, chống dịch bệnh thủy sản trên địa bàn Hà Tĩnh vẫn còn nhiều bất cập do thiếu nguồn lực, hạ tầng ao nuôi chưa đồng bộ. Bởi vậy, chính quyền địa phương và các hộ nuôi cần tập trung cao ngay từ những vụ nuôi đầu năm. Mặt khác, các ngành chuyên môn chủ động kiểm soát lưu thông giống, sản phẩm thủy sản trên địa bàn; tăng cường kiểm tra, kiểm soát hoạt động kinh doanh, sử dụng thuốc thú y... để hạn chế dịch bệnh xẩy ra trên tôm nuôi.

Hữu Trung/ Báo Hà Tĩnh