Phòng chống dịch tả lợn Châu Phi - Sức khỏe & niềm tin khoa học GS Jeroen Dewulf - Đại học Ghent Bỉ: Đừng chờ vacxin mà hãy nâng cao an toàn sinh học

Phòng chống dịch tả lợn Châu Phi - Sức khỏe & niềm tin khoa học GS Jeroen Dewulf - Đại học Ghent Bỉ: Đừng chờ vacxin mà hãy nâng cao an toàn sinh học
GS Jeroen Dewulf khẳng định, các doanh nghiệp trên thế giới đã đổ hàng tỷ USD để nghiên cứu vacxin ASF từ nhiều thập niên qua, song cho đến nay kết quả thu được chưa là bao, nếu có ra được vacxin thì thời gian ngắn nhất cũng phải tính bằng năm.
17-16-09_gs_jeroen_dewulf
Giáo sư Jeroen Dewulf, Đại học Ghent Bỉ khẳng định, ASF chưa có vacxin, không có thuốc chữa (cả Tây y cho đến Đông y) nên chỉ còn giải pháp duy nhất là an toàn sinh học

Chia sẻ tại Hội nghị tổng kết dự án các giải pháp mới về an toàn sinh học diễn ra sáng 26/3 tại Viện Chăn nuôi, Giáo sư Jeroen Dewulf, đến từ Đại học Ghent Bỉ cho rằng, thay vì hy vọng và mong chờ sớm có vacxin dịch tả lợn Châu Phi (ASF) các trang trại chăn nuôi tại Việt Nam trước tiên hãy tập trung nâng cao an toàn sinh học.

GS Jeroen Dewulf khẳng định, các doanh nghiệp trên thế giới đã đổ hàng tỷ USD để nghiên cứu vacxin ASF từ nhiều thập niên qua, song cho đến nay kết quả thu được chưa là bao, nếu có ra được vacxin thì thời gian ngắn nhất cũng phải tính bằng năm nên cần phải xác định luôn quan điểm, tư tưởng là "sống chung với dịch".

Bên cạnh đó, các nghiên cứu mới nhất và gần đây của các nhà khoa học trên thế giới đã chứng minh, virus ASF không lây truyền qua không khí mà chủ yếu lây truyền do tiếp xúc giữa lợn khỏe với lợn chết hoặc mầm bệnh từ lợn chết qua vật chủ, con người hoặc dụng cụ, xe cộ trung gian. Do đó, giải pháp duy nhất để ngăn chặn ASF lây lan hiện nay là áp dụng an toàn sinh học.

GS Jeroen Dewulf chia sẻ, mặc dù ASF xuất hiện tại Châu Âu đầu tiên tại Ukraina, sau đó lây lan sang Nga, Phần Lan, Bỉ… từ nhiều năm nay nhưng chủ yếu xảy ra trên lợn rừng, lợn hoang. Các trang trại lợn lớn tuân thủ nghiêm ngặt an toàn sinh học tại các nước Châu Âu vẫn chăn nuôi bình thường và rất hiếm trại bị nhiễm ASF nên người chăn nuôi không nên quá lo lắng sợ hãi nếu tuân thủ và áp dụng đúng quy trình sinh học trong chăn nuôi.

Theo GS Jeroen Dewulf, an toàn sinh học là việc kết hợp đồng bộ nhiều giải pháp, quy trình, kỹ thuật nhằm hạn chế thấp nhất việc xâm nhập, phát tán, lây lan mầm bệnh từ bên ngoài vào trang trại. Trong an toàn sinh học có an toàn sinh học vòng ngoài và an toàn sinh học vòng trong và an toàn sinh học bên ngoài được xác định là chốt chặn quan trọng ưu tiên hàng đầu để ngăn mầm bệnh không xâm nhập vào trại.

Về kinh nghiệm xử lý khoanh vùng dập dịch khi có lợn bị nhiễm ASF, GS Jeroen Dewulf cho biết, kinh nghiệm tại Bỉ và các nước EU là tiêu hủy toàn bộ lợn cùng chuồng với đàn lợn nhiễm bệnh. Với lợn tại các chuồng khác cũng như trang trại xung quanh sẽ được kiểm soát, theo dõi, lấy mẫu nghiêm ngặt nếu xét thấy không có nguy cơ hay nguồn lây nhiễm chung thì không nhất thiết phải tiêu hủy.

Thực tế, theo thống kê của Cục Thú y (Bộ NN-PTNT), cho đến thới điểm hiện tại cho thấy, đa phần ASF bùng phát và xảy ra tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, nông hộ, chỉ có vài trang trại quy mô lớn tại Thái Bình, Hưng Yên vừa xuất hiện dịch ASF, song qua rà soát đánh giá lại nguyên nhân đã phát hiện ra các trang trại này có sự lơ là chủ quan trong việc tuân thủ tuyệt đối an toàn sinh học.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, các doanh nghiệp chăn nuôi lợn lớn tại Việt Nam hiện nay như: C.P, Dabaco, Mavin, Masan, Hòa Phát… đang áp dụng rất tốt an toàn sinh học và đến thời điểm hiện tại chưa doanh nghiệp nào có trang trại bị ASF. Từ đó có thể khẳng định, việc tuân thủ tuyệt đối an toàn sinh học là giải pháp duy nhất và hàng đầu để ngăn chặn và sống chung với ASF.

Cũng theo GS Jeroen Dewulf, một nghiên cứu mới đây tại Bỉ cho thấy, trên xác một con lợn rừng chết do ASF đã 6 tháng khi đem phân tích vẫn phát hiện virus ASF trong nội tạng hay bộ phận còn sót lại của lợn. Do đó, GS Jeroen Dewulf lưu ý, trong quá trình tiến hành chôn và tiêu hủy lợn nhiễm bệnh, cơ quan chức năng của Việt Nam cần làm thật kỹ, thật chuẩn, chặt chẽ theo khuyến cáo của OIE và FAO để các khu vực tiêu hủy đó không gây hại đến trang trại khác xung quanh cũng như sau này lại biến thành chính nơi phát tán mầm bệnh.

Khi được phóng viên NNVN hỏi về kinh nghiệm xử lý khủng hoảng do người tiêu dùng lo ngại tẩy chay thịt lợn tại Bỉ nói riêng và các nước Châu Âu nói chung, GS Jeroen Dewulf cho rằng, vấn đề này thuộc tâm lý chung của con người nên rất khó thay đổi ngay lập tức, bản thân các nước Châu Âu khi mới công bố dịch cũng xảy ra hiện tượng người tiêu dùng giảm hay hạn chế ăn thịt lợn. Và theo GS Jeroen Dewulf, cách tốt nhất để lấy được lòng của người dân là phải minh bạch toàn bộ quy trình xử lý lợn bệnh, quy trình chăn nuôi, giết mổ lợn khỏe mạnh để người tiêu dùng có căn cứ thuyết phục tin rằng sản phẩm thịt họ mua thực sự đã an toàn.

GS Jeroen Dewulf chia sẻ, đúc kết kinh nghiệm từ các nước đã trải qua ASF cho thấy, ASF lây lan qua ba nguồn chính. Đầu tiên là tiếp xúc trực tiếp giữa lợn khỏe với lợn bệnh thông qua máu, dãi, thịt, nội tạng… Thứ hai, thông qua vật chủ trung gian như con người, chuột, muỗi, bọ, ve và các vật nuôi khác. Thứ ba, thông qua phương tiện vận chuyển thức ăn chăn nuôi, vận chuyển chất thải, dụng cụ chăn nuôi, bảo hộ. Thứ tư, do việc sử dụng các nguồn nước mặt ao, hồ, sông, suối, không đảm bảo có nhiễm mầm bệnh và một nguyên nhân khác do tập quán chăn nuôi tận dụng thức ăn thừa nhà hàng khách sạn.
NGUYÊN HUÂN/ Nông nghiệp