Phòng trị bệnh CRD trên gia cầm
- Thứ sáu - 19/01/2018 04:22
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Nguyên nhân
Bệnh gây ra bởi một trong các nhóm sinh vật gây bệnh như viêm phổi - màng phổi (PPLO), nhưng phổ biến là Mycoplasma. Bệnh xảy ra ở các giống gia cầm như gà, gà tây, vịt, ngan, ngỗng và chim ở các lứa tuổi khác nhau.
Tỷ lệ tử vong hoàn toàn do CRD không cao, nhưng việc kiểm soát CRD là rất quan trọng vì nó tạo cơ hội cho các vi sinh vật gây bệnh khác phát triển và gây bệnh trên gia cầm như thường xuyên kết hợp với E.coli và các virus gây bệnh trên đường hô hấp khác (Newcastle, IB…). Bệnh làm giảm năng suất chăn nuôi, thời gian điều trị kéo dài, tăng chi phí điều trị, ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả kinh tế.
Đường lây truyền
Bệnh chủ yếu lây truyền qua đường hô hấp, gia cầm bệnh sang gia cầm khỏe, gia cầm hít phải mầm bệnh trong không khí bị ô nhiễm và có thể truyền từ mẹ sang con thông qua trứng.
Triệu chứng
CRD có thời gian ủ bệnh lâu, khoảng 5 - 10 ngày. Bệnh phát triển nhanh khi thể trạng gà giảm, thời tiết bất lợi, không khí chuồng nuôi nhiễm nhiều khí độc hại... hoặc kết hợp với các bệnh khác có cùng mục tiêu đường hô hấp.
Triệu chứng bao gồm thở khò khè, hắt hơi và chảy nước mũi. Ở gà tây, xoang mặt, xoang mắt thường bị sưng lên. Khi mổ khám bệnh tích trên gà, khí quản có thể bị viêm, xuất huyết, tích dịch, túi khí dày lên và có mủ.
Đối với gà thịt: Bệnh hay xảy ra lúc đàn gà được 4 - 8 tuần. Triệu chứng thường nặng hơn so với các loại gà khác do sự phụ nhiễm các loại vi trùng khác mà thông thường nhất là E.coli. Vì vậy, trên gà thịt người ta còn gọi là thể kết hợp E.coli - CRD (C-CRD) với các triệu chứng giảm ăn, chảy nước mũi, khó thở trầm trọng hơn, viêm kết mạc mắt, chảy nước mắt, sưng đầu, viêm túi khí nặng. Gà ủ rũ và chết sau khi mắc bệnh 3 - 4 ngày. Tỷ lệ tử vong có thể lên đến 30%, số còn lại chậm lớn và còi cọc.
Bệnh kết hợp với E.coli - CCRD: Khi gà bị CRD có kết hợp với E.coli thì tình trạng hen khó thở tăng, gà bị đi ỉa nhiều hơn và có hiện tượng kéo màng ở bao tim, gan, màng treo ruột. Đối với gà đẻ và gà trưởng thành: Bệnh phát ra khi thay đổi thời tiết, tiêm phòng, chuyển chuồng, cắt mỏ…. Các triệu chứng chính vẫn là chảy nước mũi, thở khò khè, ăn ít, gà trở nên gầy ốm, gà đẻ giảm sản lượng trứng, tỷ lệ ấp nở kém, trứng ấp nở cho ra gà con yếu ớt.
Phòng ngừa và kiểm soát
Cần bảo vệ gia cầm khỏi vi khuẩn Mycoplasma và các tác nhân gây bệnh thứ phát làm trầm trọng thêm bệnh CRD ở gia cầm.
Thực hiện tiêm phòng vaccine đầy đủ đối với gà nuôi.
Vệ sinh chuồng trại, máy ấp thật tốt.
Đảm bảo chuồng thông thoáng, sạch, khô ráo, đủ ấm về mùa đông, mát về mùa hè. Định kỳ phun sát trùng.
Nuôi gà với mật độ vừa phải, cần lưu ý đảm bảo sự thoáng mát.
Trên đàn gà giống, thường xuyên tiến hành kiểm tra máu để loại thải các gà dương tính với CRD. Chỉ mua gia cầm từ những cơ sở giống tốt, đảm bảo từ đàn bố mẹ không bị bệnh.
Có chế độ dinh dưỡng hợp lý, đúng mức đối với sức sản xuất của đàn gà, cần chú ý cung cấp đầy đủ các loại vitamin, các chất điện giải nhằm tăng cường sức đề kháng của đàn gà.
Điều trị
Hiện nay, có một số nhóm thuốc đang được sử dụng phổ biến trong điều trị CRD (Bảng 1).
Lưu ý nên bắt đầu dùng thuốc ngay khi phát hiện triệu chứng, thời gian điều trị có thể kéo dài trong 5 - 6 ngày.
Nguồn: nguoichannuoi.com