Phú Yên: Thực hiện nhiều giải pháp đảm bảo nghề nuôi tôm hùm phát triển bền vững

Phú Yên: Thực hiện nhiều giải pháp đảm bảo nghề nuôi tôm hùm phát triển bền vững
Thời gian qua, tại thị xã Sông Cầu (Phú Yên) đã diễn ra hiện tượng tôm chết hàng loạt, gây thiệt hại rất lớn cho người nuôi. Ngoài nguyên nhân khách quan do thời tiết, thì nguyên nhân chủ quan là do trách nhiệm quản lý của các cơ quan nhà nước và ý thức của người nuôi tôm hùm...

Trách nhiệm thuộc về cơ quan quản lý

Nghề nuôi tôm hùm của thị xã Sông Cầu có từ những năm 1990, đến nay đã phát triển rộng khắp và là một trong những loài thủy sản chủ lực của địa phương. Toàn thị xã hiện có 2.142 hộ trực tiếp nuôi tôm hùm với khoảng 16.000 lồng nuôi tôm hùm thương phẩm, sản lượng đạt 600 tấn/năm. Doanh thu từ nghề nuôi tôm hùm đóng góp đáng kể vào nền kinh tế - xã hội ở thị xã với khoảng 500-600 tỷ đồng/năm, tạo việc làm ổn định và giúp phần lớn cư dân ven biển vươn lên làm giàu.

Nghề nuôi tôm hùm tạo việc làm ổn định và giúp phần lớn cư dân ven biển vươn lên làm giàu

Trong thời gian qua, nghề nuôi tôm hùm đã được UBND thị xã quan tâm chỉ đạo và đưa ra nhiều giải pháp nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững, như quy hoạch phân vùng các vùng nuôi tôm hùm trọng điểm gắn với thành lập Ban quản lý vùng nuôi và các Tổ quản lý cộng đồng nuôi trồng thủy sản để sắp xếp, bố trí và quản lý số lượng lồng nuôi; định kỳ hàng tháng thông báo kết quả quan trắc môi trường và hướng dẫn nuôi trồng thủy sản; hướng dẫn, triển khai hoàn thành công tác đăng ký, đánh số lồng, bè nuôi trồng thủy sản mặt nước biển; thường xuyên tổ chức tập huấn kỹ thuật nuôi trồng thủy sản cho người nuôi...

Ông Phạm Kiên, Chủ tịch UBND thị xã Sông Cầu, cho biết, mặc dù địa phương đã có nhiều nỗ lực nhưng công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực nuôi trồng thủy sản mặt nước biển trên địa bàn thị xã còn nhiều tồn tại, yếu kém; nhất là công tác quản lý, sắp xếp lồng, bè nuôi trồng thủy sản gặp nhiều khó khăn. Các cơ quan chức năng của thị xã chưa có giải pháp hiệu quả để kiểm soát sự gia tăng số lượng lồng nuôi, dẫn đến tình trạng thả nuôi tràn lan, mật độ lồng bè một số vùng nuôi dày đặc, thả nuôi ngoài vùng quy hoạch, số lượng lồng nuôi vượt gấp nhiều lần so với quy định của phương án phân vùng đã được phê duyệt, ô nhiễm môi trường tại các vùng nuôi ngày càng nghiêm trọng... Đây là nguyên nhân chính dẫn đến tình hình dịch bệnh trên tôm hùm nuôi xảy ra thường xuyên trong thời gian qua, đặc biệt là sự cố tôm hùm nuôi chết hàng loạt từ cuối tháng 5/2017 tại các vùng nuôi xã Xuân phương và phường Xuân Yên gây thất thoát cho người dân hơn 700 tỷ đồng.

Ý thức của người dân chưa cao

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thị xã Sông Cầu, hiện ý thức của người dân trong công tác bảo vệ môi trường vùng nuôi vẫn còn nhiều yếu kém. Hầu hết các hộ nuôi trồng thủy sản mặt nước biển chỉ tập trung vào việc đầu tư nuôi trồng mà chưa quan tâm thích đáng đến công tác bảo vệ môi trường. Chất thải (xác tôm, cá, vỏ tôm, thức ăn thừa, vỏ sò, ốc, bao ny lông...) do người dân bỏ lại ngay vùng nuôi là nguyên nhân cơ bản gây nên tình hình dịch bệnh trên các vật nuôi thủy sản trong những năm qua. Ngoài ra, người nuôi cũng chưa tuân thủ các quy định về nuôi trồng thuỷ sản; nhất là công tác quản lý số lượng lồng nuôi, mật độ nuôi, làm gia tăng nhanh số lượng lồng nuôi thời gian qua.

Thức ăn thừa, vỏ sò, ốc... do người dân bỏ lại ngay vùng nuôi là nguyên nhân cơ bản gây nên tình hình dịch bệnh trên các vật nuôi thủy sản trong những năm qua

Cụ thể theo quy hoạch Phương án phân vùng được duyệt thì vùng nuôi Phước Lý (phường Xuân Yên) có diện tích 123 ha, với số lượng lồng được phép thả nuôi là 3.600 lồng. Trong khi đó theo thống kê của UBND phường Xuân Yên, số lượng lồng nuôi lên đến 15.840 lồng, gấp 4,4 lần so với quy định. Còn vùng nuôi Phú Mỹ, có diện tích 362 ha, với số lượng lồng được phép thả nuôi là 4.410 lồng, nhưng theo thống kê của xã Xuân Phương số lượng lồng nuôi lên đến 11.695 lồng, gấp 2,65 lần. Ngoài ra, nhiều hộ dân tự phát cắm cọc tre, sừ dụng lốp xe để nuôi vẹm, hầu làm cản trở quả trình lưu thông nước nên cũng góp phần làm ô nhiễm môi trường vùng nuôi...

Ngoài ra, người nuôi cũng chưa tuân thủ các quy định về nuôi trồng thuỷ sản, nhất là làm gia tăng nhanh số lượng lồng nuôi thời gian qua

Ông Phạm Kiên cho biết thêm, trong thời gian đến, để nghề nuôi tôm hùm của thị xã Sông cầu phát triển theo hướng bền vững, địa phương sẽ lập quy hoạch chi tiết nuôi trồng thủy sản mặt nước biển phù hợp với quy hoạch khu du lịch quốc gia Vịnh Xuân Đài; trên cơ sở đó triển khai công tác giao, cho thuê mặt nước biển nuôi trồng thủy sản gắn với việc quản lý chặt chẽ mật độ lồng, bè nuôi và môi trường vùng nuôi. Chỉ đạo triển khai các giải pháp nhằm kiểm soát sự gia tăng về lồng, bè nuôi trồng thủy sản mặt nước biển; trong đó tập trung kiểm soát chặt chẽ nguồn giống tôm hùm từ bên ngoài nhập về thị xã Sông Cầu, nhất là nguồn giống nhập từ nước ngoài, xử lý nghiêm đối với nguồn tôm hùm giống chưa được kiểm dịch, cách ly đúng quy định. Triển khai quyết liệt công tác vận động, tuyên truyền cho người dân nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường trong nuôi trồng thuỷ sản mặt nước biển. Trong đó tập trung xây dựng và triển khai Đề án xã hội hóa trong việc thu gom rác thải, chất thải trong nuôi trồng thủy sản mặt nước biển trên địa bàn thị xã. Vận động, hướng dẫn người nuôi tuân thủ các quy định về nuôi trồng thuỷ sản, nhất là nuôi đúng theo phương án phân vùng đã được phê duyệt, đảm bảo số lượng lồng nuôi và mật độ tôm nuôi theo quy định. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các hoạt động gây ô nhiễm môi trường biển như: nuôi trồng thuỷ sản, các dịch vụ du lịch và một số hoạt động kinh tế có chất thải ảnh hưởng đến môi trường biển, ven biển.

Từ cuối tháng 5/2017, tại các vùng nuôi xã Xuân phương và phường Xuân Yên (thị xã Sông Cầu), tôm hùm chết hàng loạt khiến đời sống các hộ dân đang rất khó khăn và bị áp lực lớn về nợ nần. 

Theo thống kê nhanh của các xã, phường, đợt này đã có gần 770.000 con tôm chết/502 hộ tại các vùng nuôi, trong đó tôm hùm bông 267.155 con/5.342 lồng, chiếm 35%; tôm hùm xanh 502.040 con/3.644 lồng, chiếm 65%, với số lượng từ 350-400 tấn, ước thiệt hại trên 700 tỷ đồng. Trong số các hộ nuôi bị thiệt hại, tỷ lệ số hộ nuôi mất trắng lên đến 70- 80%, số còn lại đều thiệt hại trên 50%. 

Quốc Hùng /kinhtenongthon.com.vn