Quảng Bình: Phát triển kinh tế từ cây tỏi tía
- Thứ sáu - 01/04/2016 02:49
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Với người dân thôn Cồn Nâm, xã Quảng Minh (thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình), cây tỏi tía được xem là hướng đi thoát nghèo của bà con nơi đây, khi đến gần 90% hộ gia đình đều trồng tỏi và có thu nhập khá từ loại cây gia vị này.
Muốn sang Cồn Nâm, chúng tôi đến bến đò nằm phía sau lưng chợ Quảng Minh và đi đò sang. Đón chúng tôi tại bến giữa bãi bồi, anh Nguyễn Văn Toàn, Trưởng thôn Cồn Nâm nói: “Mùa này đến Cồn Nâm chỉ có tỏi tía thôi, các nhà báo ạ!”. Mà đúng thế thật. Đi một vòng quanh các xóm, chỗ nào cũng là tỏi, tỏi xếp hàng dài ngay ngắn trên sân phơi thơm nồng dưới nắng, tỏi được bó thành ôm to cả trăm củ vắt trên sào ngang ngai ngái mùi lá héo. Với bà con Cồn Nâm, đó là thành quả của mùa tỏi bội thu sau 4 tháng trời ròng rã chăm bẵm cho cây tỏi trên từng thước đất. Tính kinh tế, cứ mỗi sào tỏi, bà con thu lãi 5-6 triệu đồng/vụ, cao gấp 3 lần so với trồng lúa.
Trưởng thôn Toàn cho biết: Đất cồn này hợp với cây tỏi lắm, và cũng nhờ cây tỏi mà đời sống của bà con nơi đây mới khá lên được như thế này. Người Cồn Nâm trồng tỏi từ vài chục năm nay, nhưng từ 15 năm trở lại đây, cây tỏi mới thực sự phát triển và mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho bà con. Qua nhiều năm trồng tỏi, người dân đã tích lũy được kinh nghiệm làm đất, chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh nên cây tỏi phát triển ổn định, cho năng suất cao. Trồng tỏi tía bây giờ trở thành nghề chính của người dân nơi đây. Thôn có 80 hộ thì có 60 hộ trồng tỏi, với diện tích từ 1-3 sào mỗi hộ, tổng diện tích trồng tỏi của cả thôn cũng gần chục ha, chiếm đến 50% diện tích đất nông nghiệp của thôn.
Mùa tháng 3, cây tỏi ở Cồn Nâm đã được bà con thu hoạch gần hết và bắt đầu công đoạn phơi khô dưới nắng. Trên vùng đồng, chỉ còn một số diện tích tỏi chưa thu hoạch do chủ nhà chưa tìm được người nhổ, có khoảnh chỉ độc cây tỏi vươn tăm tắp, có khoảnh cây tỏi xen với cà, với bắp đứng chung vai như bạn bè.
Bác Nguyễn Văn Toán, một lão nông đang chăm chút cho diện tích tỏi còn lại của gia đình chia sẻ: “Tỏi tía Cồn Nâm có vị cay nồng và thơm không phải nơi nào cũng có, bởi nơi đây thời tiết mát mẻ, đất bồi giữa sông Gianh hễ có lụt là có phù sa; lại thêm kinh nghiệm trồng tỏi cả mấy chục năm trời nên tỏi Cồn Nâm luôn được thị trường ưa chuộng. Mùa tỏi tía bắt đầu từ đầu tháng 10 âm lịch là “đúc” giống, giống này được bà con để lại từ vụ trước, lựa củ chắc phơi được nắng liên tục khoảng 2 tháng, sau đó cất giữ trong bì lác lưới thưa nơi thoáng mát; giống được “đúc” trên đất ẩm ướt để mầm cây phát triển tốt. Sau thời gian tỏi phát triển được khoảng 20 ngày, 45 ngày và 90 ngày thì bón phân, làm cỏ và chờ đủ 140 ngày mới thu hoạch, lúc đó củ tỏi đã đủ độ “già” mới có vị cay nồng. Tỏi tía Cồn Nâm hiện đã có thương hiệu với người tiêu dùng ở các địa phương lân cận, thu hoạch đến đâu bán hết đến đó, giá cả cũng ổn định nên bà con rất phấn khởi”.
Một điểm lạ nữa là bà con Cồn Nâm không bán tỏi theo cân, theo kí mà bán theo bó, mỗi bó 100 củ. Sau khi phơi tỏi, bà con phân loại tỏi rồi bó thành bó 100 củ với các mức giá bán khác nhau. Loại củ to thì giá khoảng 80-100.000 đồng/bó, loại vừa thì 50-70.000 đồng/bó, còn loại củ rẻo nhỏ nhất thì giá khoảng 15-20.000 đồng/bó. Vụ tỏi năm nay bà con Cồn Nâm mất mùa, diện tích bị mất khoảng 50% nên giá tỏi có cao hơn vụ năm trước khoảng 20.000 đồng/bó. Theo bà con, hiệu quả của cây tỏi cao gấp 3 lần so với trồng lúa, kể cả năm mất mùa thì cũng ngang với lúa được mùa. Nhờ phát triển cây tỏi nên đời sống của bà con thôn Cồn Nâm dần được cải thiện, trước đây hộ nghèo chiếm phần lớn, nhưng hiện nay toàn thôn chỉ còn 13% gia đình thuộc diện hộ nghèo. Nhiều người nhờ trúng mùa tỏi nên đã xây dựng được nhà ở khang trang, mua sắm vật dụng gia đình, phương tiện đi lại, có điều kiện cho con cái học hành.
Anh Hoàng Chí Hữu, Chủ tịch Hội Nông dân xã Quảng Minh cho biết: Nghề trồng tỏi ở Cồn Nâm là hướng đi đúng, sáng tạo của bà con nông dân trong việc lựa chọn cây trồng mới mang lại hiệu quả kinh tế cao. Với lợi thế vùng cồn bãi được bồi đắp phù sa của sông Gianh, tỏi tía của Cồn Nâm có chất lượng hơn hẳn các vùng khác nên mang lại thu nhập cao hơn, trở thành nghề chính của nông dân.
Tuy nhiên, nghề trồng tỏi nơi đây vẫn gặp nhiều khó khăn, nhất là nguồn nước tưới, bởi hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn nước trời. Vụ tỏi năm nay ở Cồn Nâm mất mùa, 50% diện tích bị chết do năm trước không có lụt nên không có nước, đất vùng thấp gần triền sông bị nhiễm phèn, mặn. Trên vùng đồng trồng tỏi tập trung khoảng 2 ha cũng có hói nước tự nhiên, nhưng chỉ bơm tưới được 1, 2 lần là cạn đáy, không có nước tưới nữa. Một trăn trở nữa là tỏi tía Cồn Nâm tuy đã được nhiều người biết tiếng là cay, thơm, sạch, nhưng để phát triển thành nghề hàng hóa, có thương hiệu để nâng cao giá thành sản phẩm, mở rộng thị trường cho bà con thì rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước để xây dựng và phát triển thương hiệu “tỏi tía Cồn Nâm”.
Dù không tiện đường giao thương, bởi Cồn Nâm nằm giữa sông Gianh, muốn sang thôn hay về tỉnh đều phải đi đò, nhưng sản phẩm tỏi tía của vùng cồn đã “vang danh” khắp vùng, thậm chí là đến tận các tỉnh xa theo bước chân làm ăn, học hành của những người con quê hương. Điều mong muốn của bà con Cồn Nâm là sớm được Nhà nước hỗ trợ xây dựng hệ thống thủy lợi đảm bảo tưới tiêu để bà con chủ động nguồn nước tưới; đồng thời hỗ trợ xây dựng thương hiệu “Tỏi tía Cồn Nâm” để phát triển cây tỏi theo hướng sản xuất hàng hóa, mang lại thu nhập và góp phần nâng cao đời sống cho bà con.
Nguồn: khuyennongvn.gov