Rét hại kèm mưa liên tục, đến quýt cũng bị rụng lả tả

Rét hại kèm mưa liên tục, đến quýt cũng bị rụng lả tả
Rét hại hiện nay và mưa liên tục trong những ngày qua làm cho các vườn quýt trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn rụng, thối nhiều, khiến nông dân bị thất thu không nhỏ.

ret hai kem mua lien tuc, den quyt cung bi rung la ta hinh anh 1

Quýt rụng nhiều làm nông dân bị thiệt hại nặng.

Những ngày đầu năm 2018, quýt Bắc Kạn vào thời điểm có chất lượng nhất, vỏ chín vàng, nhiều nước, ngọt. Nhiều gia đình muốn để quýt đến cuối vụ với hy vọng giá bán sẽ tăng lên, nhiều vườn quýt chín muộn chưa thu hái thì gặp thời tiết khắc nghiệt, những ngày trước đây là mưa phùn kéo dài, hiện nay đang rét hại làm cho quýt chín rụng đỏ vườn, giá bán giảm làm nhiều gia đình thiệt hại nặng.

Gia đình anh Hoàng Văn Hữu, ở xã Quang Thuận, huyện Bạch Thông có vườn quýt lớn, chưa thu hái kịp thì gặp mưa phùn. Anh Hữu xót xa: “Khi quýt chín mà gặp mưa, rét kéo dài, vỏ quả ngấm nước là rụng. Hằng ngày ra thăm vườn thấy quýt rụng đỏ vườn mà xót xa. Khi trời mưa rét, vườn quýt ở trên đồi trơn, trượt nên khó thu hái, vận chuyển cũng khó khăn. Mặt khác, mưa rét lượng quýt tiêu thụ và giá bán giảm nên thiệt hại càng nặng”.

Gia đình chị Nguyễn Thị Loan trồng được hơn 2 ha quýt cũng ở xã Quang Thuận, năm nay ước lượng sẽ thu được khoảng 50 tấn quả, nhưng mấy ngày qua lượng quýt bị rụng khoảng hơn 3 tấn, thiệt hại khoảng 20 triệu đồng. Chị Loan chia sẻ: Trồng quýt đã nhiều năm, nhưng chưa bao giờ thời tiết khắc nghiệt như năm nay. Bên cạnh đó, lượng quýt quá nhiều nên giá bán từ đầu vụ đến nay cũng giảm hơn so với những năm trước.

Quýt rụng là dập nát, không thể tiêu thụ được, rơi xuống đất sẽ hỏng, nước quýt ngấm xuống đất thì năm sau sẽ mất mùa nên phải thu dọn ngay. Vườn quýt của gia đình ông Triệu Văn Thành, ở xã Dương Phong, huyện Bạch Thông cũng bị rụng nhiều, ông cho biết: “Mới hôm qua, gia đình vừa dọn quýt rụng dưới hàng trăm gốc cây, nhưng sáng hôm sau lên vườn lại thấy quýt rụng đỏ gốc”.

Quýt rụng làm nhiều gia đình đứng ngồi không yên, họ mua những tấm bạt lớn che trên cây, nhưng cũng chỉ hạn chế quýt rụng được một phần. 

Đã từng có phương pháp bảo vệ quýt bằng cách, thu hái về lau sạch rồi tráng bằng nước ozone, sau đó bọc ni-lông thì có thể bảo vệ được một thời gian. Nhưng phương pháp này không thể thực hiện được, vì mất rất nhiều thời gian, trong khi sản lượng quýt lại nhiều.

Điều đó cho thấy, những người trồng quýt ở Bắc Cạn dù đã đầu tư phân bón, công sức chăm sóc vất vả, nhưng thị trường tiêu thụ chưa được mở rộng, thời tiết ngày càng thất thường thì rủi ro là dường như không tránh được.

 
Theo Thế Bình (Báo Nhân dân)