Sản xuất nông nghiệp vẫn gặp khó

Sản xuất nông nghiệp vẫn gặp khó
9 tháng đầu năm thời tiết có phần khắc nghiệt, đã gây ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, ngành nông nghiệp cả nước tiếp tục đề án tái cơ cấu ngành, bước đầu đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu sản phẩm để nâng cao giá trị gia tăng và ứng phó với biến đổi khí hậu nên mặc dù gặp khó khăn nhưng nhìn chung kết quả sản xuất nông nghiệp vẫn đạt khá. Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, giá trị sản xuất toàn ngành nông, lâm nghiệp và thuỷ sản 9 tháng năm 2015 ước tính đạt 590,6 nghìn tỷ đồng, tăng 2,1% so với cùng kỳ năm trước.
 
 
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, lĩnh vực trồng trọt đạt mức tăng trưởng thấp so với các năm gần đây (tăng 1,03%) chủ yếu do kết quả vụ Đông xuân năm nay đạt thấp: Sản lượng lúa ước đạt 20,7 triệu tấn, giảm 0,7%; sản lượng ngô ước đạt 2,5 triệu tấn, giảm 1,75% so với vụ đông xuân năm ngoái. Vụ mùa, diện tích gieo trồng ước giảm 1,3% do đầu vụ miền Nam nắng hạn, miền Bắc thì mưa ngập nên các địa phương chuyển đổi mùa vụ và chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vì vậy sản lượng lúa mùa ước giảm 0,7%, đạt 9,57 triệu tấn.
 

 Ảnh minh hoạ (Ảnh: Đ.H)

Bên cạnh đó, chăn nuôi tương đối ổn định, giá trị sản xuất 9 tháng ở mức xấp xỉ 4% là do chăn nuôi lợn phát triển tương đối tốt do nhu cầu thị trường đầu ra ổn định, giá thịt lợn hơi duy trì lãi suất cho người chăn nuôi. Ước tính tổng số lợn của cả nước tháng 9/2015 tăng khoảng 2,5-3%; sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng 9 tháng tăng 3,71% so với cùng kỳ năm trước. Chăn nuôi gia cầm cũng tăng trưởng khá. Ước tính tổng số gia cầm của cả nước tháng 9/2015 tăng khoảng 3-3,5%; sản lượng thịt gia cầm tăng 9 tháng tăng khoảng 5,33% so với cùng kỳ năm trước.

 
Sản xuất lâm nghiệp duy trì mức tăng cao và ổn định so với cùng kỳ các năm trước (cùng kỳ năm 2014 tăng 6,1%, năm 2013 tăng 5,6%) do giá gỗ những tháng đầu năm có xu hướng tăng vì vậy khuyến khích người dân trồng rừng sản xuất, thêm vào đó là nhu cầu về gỗ cho sản xuất và tiêu dùng tăng cao nên sản lượng gỗ khai thác tăng mạnh (11,8%) đạt 5.834 nghìn m3. Một số chỉ tiêu lâm sinh khác cũng đạt khá như: Diện tích rừng trồng được chăm sóc đạt 399,7 ngàn ha, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm trước; Trồng cây lâm nghiệp phân tán ước đạt 141 triệu cây, tăng 0,6 % so với cùng kỳ năm trước; Diện tích rừng được giao khoán bảo vệ ước đạt 6.449,2 ngàn ha, tăng 24,5% so với cùng kỳ năm trước;
 
Sản xuất thủy sản 9 tháng đầu năm đạt tốc độ tăng trưởng tăng thấp (2,2%) do thị trường xuất khẩu thủy sản giảm mạnh và tình trạng nắng nóng kéo dài gây dịch bệnh trên các loài nuôi, đặc biệt là các loài nuôi trọng điểm như cá tra, tôm thẻ, tôm sú. Sản lượng nuôi trồng thủy sản 9 tháng đạt 2.586 ngàn tấn, tăng 1,7% so với cùng kỳ, thấp hơn mức tăng cùng kỳ 2014 năm trước (cùng kỳ 2014 tăng 4,9%). Sản lượng khai thác thủy sản vẫn duy trì mức tăng ổn định, đạt 2263 ngàn tấn, tăng 4,3 % so với cùng kỳ năm trước, trong đó khai thác biển ước đạt 2125 ngàn tấn, tăng 4,5 % so với cùng kỳ.
 
Kim ngạch xuất khẩu nông lâm thuỷ sản tháng 9 năm 2015 ước đạt 2,15 tỷ USD, đưa giá trị xuất khẩu của ngành 9 tháng đầu năm 2015 lên 21,65 tỷ USD, giảm 5% so với cùng kỳ năm 2014. Trong đó, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính ước đạt 10,29 tỷ USD, giảm 7,2% so với cùng kỳ năm 2014, giảm rất mạnh ở các mặt hàng như cà phê (32,2%), cao su (13,7%) và gạo (15,7%); Giá trị xuất khẩu thuỷ sản ước đạt 4,69 tỷ USD, giảm 17,8% so với cùng kỳ năm 2014, giảm rất mạnh ở thị trường lớn nhất là Mỹ (30,05%); Giá trị xuất khẩu các mặt hàng lâm sản chính ước đạt 5,03 tỷ USD, tăng 6,6% so với cùng kỳ năm 2014.
 
Về thị trường trong nước 9 tháng qua, thị trường lúa gạo trong nước cũng như xuất khẩu tương đối trầm lắng, giá lúa duy trì ở mức thấp và ít biến động. Tháng 9, thị trường lúa gạo trong nước có xu hướng tăng trong 10 ngày đầu tháng do giá phụ phẩm tăng, song đã giảm trở lại trong những ngày gần đây bất chấp thông tin Việt Nam được Philipin mời tham gia đấu thầu nhập khẩu gạo. Thị trường cà phê trong nước có xu hướng giảm trong tháng 9 do tác động giảm giá từ thị trường cà phê thế giới. Giá tiêu tại Ấn Độ giảm những ngày qua do nước này xả bán loại tiêu bị cáo buộc nhiễm bẩn đã kéo giá tiêu của Việt Nam xuống theo. Thị trường cá tra nguyên liệu tại hầu hết các tỉnh ĐBSCL trong tháng 9 vẫn trầm lắng, giá giữ ở mức thấp và nhu cầu yếu. Giá lợn hơi tại các tỉnh phía Nam giảm mạnh do sức tiêu thụ lợn hơi của các tỉnh phía Bắc giảm, trong khi nguồn cung lợn tới lứa đang tăng. Giá một số loại trái cây như quýt đường, dưa hấu và dứa tại Hậu Giang tăng mạnh do vào thời điểm trái vụ và cuối vụ nên sản lượng cung cấp cho thị trường giảm. Giá nhiều loại rau củ đặc sản của Lâm Đồng như xà lách, cà chua, súp lơ, bắp cải, cải thảo… tăng do nhu cầu thị trường tăng mạnh.
Theo Đ.H/dangcongsan.vn