Sản xuất theo nhu cầu thị trường
- Thứ bảy - 16/09/2017 08:40
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Diện tích gieo trồng lúa 9 tháng đầu năm ước đạt 95% kế hoạch đề ra, năng suất thấp hơn so với những năm gần đây, giảm khoảng 433 ngàn tấn so với năm 2016. Nguyên nhân do thời tiết bất lợi, mưa trái mùa và bão lúc đang trong giai đoạn trổ khiến lúa bị đổ ngã nên sản lượng không đạt theo kế hoạch đề ra.
Ngoài ra, trong vụ lúa thu đông, 1 số ô bao tại các huyện Tân Hồng, Tam Nông, Hồng Ngự, TX.Hồng Ngự có chủ trương xả lũ nên diện tích xuống giống thu đông giảm 24 ngàn ha so với cùng kỳ năm qua. Theo Sở NN&PTNT, đến cuối năm 2017, diện tích gieo trồng lúa đạt 98% và sản lượng đạt 86% so với kế hoạch đề ra.
Thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tỉnh tiếp tục khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để các địa phương nhân rộng mô hình ứng dụng khoa học kỹ thuật sản xuất lúa. Đơn cử như mô hình sản xuất lúa chất lượng cao gắn với liên kết tiêu thụ với quy mô 300ha tại Hợp tác xã (HTX) Mỹ Đông 2 (huyện Tháp Mười), HTX Phú Thọ, HTX Tân Cường (huyện Tam Nông) bước đầu mang lại hiệu quả tích cực cho người sản xuất khi công ty thu mua lúa với giá cao hơn giá thị trường 200 đồng/kg. Ngoài ra, ngành nông nghiệp tiếp tục theo dõi sử dụng thử nghiệm phân bón thông minh trên lúa; hỗ trợ nông dân Võ Văn Tiếng mở rộng mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ...
Áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất được áp dụng tạo nhiều chuyển biến tích cực trong canh tác lúa. Hiện nay, tỷ lệ diện tích sạ hàng, sạ thưa chiếm 32% và 100% sử dụng máy gặt đập liên hợp. Việc áp dụng các mô hình mới, cơ giới vào canh tác giúp người nông dân giảm chi phí và tăng lợi nhuận từ 1-6 triệu đồng/ha. Lợi nhuận trên còn do chính sách của các doanh nghiệp (DN) liên kết thu mua. Trong vụ đông xuân 2016-2017, có 53 DN tham gia liên kết sản xuất với diện tích tiêu thụ là 14.500ha, sản lượng thu mua gần 77 ngàn tấn. Vụ hè thu có 47 DN tham gia liên kết tiêu thụ được 11 ngàn ha, sản lượng đạt trên 70 ngàn tấn.
Đối với hoa màu, cây công nghiệp ngắn ngày, do tác động bất lợi của thời tiết và biến động của thị trường nên diện tích loại nông sản này trong 9 tháng đầu năm và đến cuối năm giảm khoảng 3.500ha so với năm 2016 và chỉ đạt 87% kế hoạch đề ra. Tuy nhiên, nhằm tạo đầu ra ổn định cho nông sản, việc sản xuất đảm bảo các điều kiện về an toàn thực phẩm, canh tác theo hướng VietGAP được các địa phương đẩy mạnh thực hiện, bước đầu đã gắn kết được DN tiêu thụ sản phẩm với nhà nông. Cụ thể như diện tích liên kết tiêu thụ dưa lê tại xã Tân Hòa, huyện Lai Vung là 32ha, đậu bắp là 17ha. Huyện Thanh Bình với mô hình liên kết với thương lái tiêu thụ bắp ngọt với trên 90ha, liên kết tiêu thụ hoa thiên lý 2,3ha/8 hộ.
Đối với cây ăn trái – sản phẩm lợi thế của tỉnh đang phát triển rất mạnh. Theo Sở NN&PTNT, diện tích gieo trồng cây ăn trái cả năm sẽ đạt 107% kế hoạch và tăng gần 3 ngàn ha so với cùng kỳ. Trong đó, xoài, nhãn, sản phẩm có múi chiếm diện tích nhiều nhất. Khai thác giá trị của loại nông sản này, tỉnh tiếp tục tổ chức lại sản xuất, hướng dẫn nông dân áp dụng các quy trình sản xuất an toàn, rải vụ, canh tác theo hướng VietGAP, GlobalGAP nhằm thỏa mãn được các tiêu chí mà thị trường cần, dẫn đến việc liên kết tiêu thụ giữa nông dân, HTX với các nhà vựa, DN được thuận lợi. Thời gian qua, các DN tiêu thụ xoài trên địa bàn TP.Cao Lãnh đã liên kết được trên 2.100 tấn xoài. Ngoài ra, Tập đoàn Vingroup thực hiện ký hợp đồng bao tiêu các sản phẩm trái cây sạch của Tổ hợp tác quýt đường xã Vĩnh Thới; HTX chanh Bình Thạnh... với giá cả cao hơn thị trường từ vài trăm đến vài ngàn đồng/kg.
Từ xuất phát điểm khá thấp nhưng ngành hàng vịt đã nhanh chóng phát huy được tiềm năng của mình. Hiện nay, có 6 Tổ hợp tác chăn nuôi vịt theo chuỗi giá trị, áp dụng kỹ thuật nuôi rọ kết hợp chăn nuôi bán công nghiệp giúp kiểm soát dinh dưỡng và dịch bệnh tốt, giảm tỷ lệ hao hụt. Hộ nuôi còn được cung ứng giống, thức ăn đầu vào và tiêu thụ đầu ra, giúp giảm giá thành sản xuất. Theo đó, lợi nhuận từ trứng vịt của mô hình cao hơn sản phẩm cùng loại trên thị trường khoảng 200 đồng/trứng.
Đối với ngành hàng cá tra, các DN không chỉ chủ động được vùng nguyên liệu mà còn đáp ứng đủ các tiêu chuẩn quốc tế và tiêu chuẩn Việt Nam với trên 810ha. Riêng các hộ nuôi cá tra nhỏ lẻ cũng chuyển hướng nuôi gia công cho các DN chế biến và xuất khẩu. Hình thức này giải quyết tốt bài toán cho người nuôi trồng nhỏ lẻ không phải vay vốn để canh tác hoặc lo lắng đầu ra sản phẩm mà còn được DN cung cấp thức ăn chăn nuôi, kỹ thuật nuôi...