Tác động của biến đối khí hậu đối với sản xuất thực phẩm có thể gây ra thêm 500.000 cái chết vào năm 2050

Theo ước tính mới của The Lancet, đến năm 2050, tiêu thụ ít rau quả có thể làm tăng gấp đôi các ca tử vong do thiếu dinh dưỡng. Biến đổi khí hậu có thể giết chết hơn 500.000 người lớn vào năm 2050 trên toàn thế giới do chế độ ăn uống và cân nặng thay đổi dẫn đến bởi năng suất cây trồng giảm. Nghiên cứu này là bằng chứng mạnh mẽ nhất cho thấy biến đổi khí hậu có thể gây ra những hậu quả tàn phá đối với sản xuất lương thực và sức khỏe trên toàn thế giới.
Nghiên cứu bằng mô hình, đứng đầu là Tiến sĩ Marco Springman từ Chương trình Martin Oxford về Tương lai của Thực phẩm tại Đại học Oxford (Anh), là nghiên cứu đầu tiên đánh giá tác động của biến đổi khí hậu đối với chế độ ăn uống và cân nặng, nhằm ước tính số lượng người chết ở 155 quốc gia vào năm 2050.
Nghiên cứu tiết lộ rằng, trừ khi có hành động làm giảm khí thải nhà kính toàn cầu, biến đổi khí hậu có thể làm giảm 1/3 tăng trưởng dự đoán của nguồn cung thực phẩm vào năm 2050, và dẫn tới mức trung bình trên đầu người về nguồn cung thực phẩm giảm 3,2% (99 kcal/ngày), tiêu thụ rau quả giảm 4% (14,9g/ngày), và tiêu thụ thịt đỏ giảm 0,7% (0,5g/ngày).
Nghiên cứu dự đoán rằng, những thay đổi  này có thể là tác nhân của khoảng 529.000 ca tử vong thêm vào năm 2050, so với một tương lai không biến đổi khí hậu mà ở đó sự gia tăng nguồn cung thực phẩm và tiêu thụ có thể ngăn chặn được 1,9 triệu ca tử vong.
Các quốc gia có nguy cơ bị ảnh hưởng tồi tệ nhất là các quốc gia thu nhập thấp và trung bình, đáng chú ý là ở khu vực Tây Thái Bình Dương (264.000 ca tử vong) và Đông Nam Á (164.000 ca tử vong), với gần 3/4 ca tử vong có liên quan đến biến đổi khí hậu được dự đoán xảy ra ở Trung Quốc (248.000 ca tử vong) và Ấn Độ (136.000 ca tử vong). Tính bình quân đầu người, Hy Lạp (124.000 ca tử vong/1 triệu người) và I-ta-li-a (89 ca tử vong/1 triệu người) sẽ bị ảnh hưởng đáng kể.
Tiến sĩ Springman và các cộng sự đã sử dụng một mô hình kinh tế nông nghiệp phù hợp với số liệu về đường đi của khí thải, đường mòn kinh tế xã hội và ứng phó khí hậu để đánh giá tác động đối với sản xuất thực phẩm, thương mại và tiêu thụ vào năm 2050. Các nhà khoa học tính toán con số bổ sung các ca tử vong có liên quan đến thay đổi về chế độ ăn uống và cân nặng trong một kịch bản phát triển ôn hòa và 4 kịch bản biến đổi khí hậu khác (1 phát thải cao, 2 phát thải trung bình và 1 phát thải thấp), so sánh với một thế giới không biến đổi khí hậu. Mô hình này dự đoán rằng, giảm tiêu thụ rau quả có thể dẫn đến 534.000 ca tử vong liên quan đến khí hậu, vượt xa những lợi ích về sức khỏe khi giảm tiêu thụ thịt đỏ (29.000 ca tử vong được ngăn chặn).
Tác động lớn nhất của sự thay đổi về mức tiêu thụ rau quả được ghi nhận ở các quốc gia thu nhập cao (chiếm 58% tất cả thay đổi gây ra cái chết), ở các quốc gia thu nhập thấp và trung bình (LMIC)  ở khu vực Tây Thái Bình Dương (74%), châu Âu (60%) và Đông Địa Trung Hải (42%). Đông Nam Á và châu Phi đứng đầu danh sách về các ca tử vong liên quan đến thiếu cân nặng ở người lớn, chiếm 47% và 49% tất cả thay đổi gây ra cái chết vào năm 2050.
Biến đổi khí hậu sẽ có một số tác động tích cực với các ca tử vong liên quan đến khí hậu đang được bù đắp bởi giảm tỷ lệ béo phì. Tuy nhiên, việc giảm khoảng 260.000 ca tử vong do béo phì trên toàn thế giới vào năm 2050 được cân đối bởi lượng ca-lo thấp hơn và gia tăng số lượng ca tử vong của những người thiếu cân nặng (266.000 ca tử vong bổ sung).
Điều quan trọng là, cắt giảm khí thải có thể mang lại lợi ích sức khỏe đáng kể, làm giảm số lượng các ca tử vong liên quan đến khí hậu tới 29-71% tùy thuộc vào mức độ can thiệp. Ví dụ, trong một kịch bản phát thải trung bình (tăng nhiệt độ không khí bề mặt trung bình toàn cầu từ 1,3 – 1,4 độ C trong giai đoạn 2046-65 so với giai đoạn 1986-2005), số lượng các ca tử vong liên quan đến chế độ ăn và cân nặng có thể giảm khoảng 1/3 (30%) so với kịch bản xấu nhất, phát thải cao.

 
Nguồn: http://www.mard.gov.vn/