Tâm huyết với vùng tôm - lúa
- Thứ ba - 20/10/2015 20:29
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Lên xuống như… tôm - lúa
Năm 1995 đánh dấu sự khởi đầu mô hình tôm - lúa ở huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng. Những năm đầu, con tôm phát triển rất tốt, giá bán lại cao nên đa số người dân đều có tích lũy để xây nhà, mua sắm tiện nghi sinh hoạt, máy móc phục vụ sản xuất. Còn cây lúa, từ khi chuyển từ giống lúa IR42 rằn sang giống ST5, không chỉ năng suất tăng thêm 2 - 3 tấn/ha, mà giá bán cũng rất cao. Ông Lê Phát Minh ở ấp Hòa Trực, xã Hòa Tú 1, nhớ lại: "Đây là thời điểm con tôm sú lên ngôi, khi 1 kg tôm ngang 100 kg lúa. Điều này cũng dễ hiểu vì lúc bấy giờ đa số đều thả thưa, môi trường còn tốt và hầu như ai cũng làm lại vụ lúa sau vụ tôm".
Tuy nhiên, thời vàng son ấy rồi cũng qua, khi mật độ và số vụ thả nuôi tôm được đẩy lên cao để thỏa khát khao sớm đổi đời của cư dân vùng tôm - lúa. Nhưng thực tế không chiều lòng người, khi những năm sau đó diện tích tôm thiệt hại ngày một nhiều hơn, còn diện tích lúa thì bớt dần trên các vuông tôm. Giai đoạn này được ông Lê Phát Minh gọi là "cực kỳ nguy hiểm", vì từ năm 2001 đến 2005, nhất là giai đoạn 2003 - 2005, cây lúa gần như vắng bóng ở vùng quê 6 xã của huyện Mỹ Xuyên.
Tôm - lúa giữ cảnh sinh thái bền vững
Có lẽ con tôm sú và cây lúa thơm sẽ còn sống "rất thọ" với nhau nếu không có sự "phá bĩnh" của con tôm thẻ chân trắng (TTCT). Từ lúc có TTCT đến nay, diện tích lấp lại vụ lúa bị giảm do người dân giữ lại nước vụ đầu để thả nuôi tiếp vụ sau. Ông Trần Minh Hải ở ấp Hòa Thọ, xã Hòa Tú 1, dẫn chứng: "Gần đây, người dân trong ấp bỏ lúa khá nhiều nên những hộ thực hiện mô hình tôm - lúa gặp khó khăn do 3 bên ruộng lúa đều là nước mặn, làm cho cây lúa không đạt năng suất". Ông Lê Phát Minh chép miệng: "Ai cũng đua theo con sú nên chỉ còn vài hộ trồng lại lúa. Chẳng những vậy, con tôm sú vừa khó nuôi, vừa bị giảm giá nữa nên nhiều hộ lâm vào cảnh nghèo khó, nợ nần".
Tương lai vẫn là tôm - lúa
Ông Lê Phát Minh ở ấp Hòa Trực, xã Hòa Tú 1, cho biết: "Năm 2005, Kỹ sư Hồ Quang Cua và ThS Lâm Quang Hiền mang giống lúa thơm ST5 về vùng này rồi tập huấn, chỉ cho dân cách trồng lúa trên vuông tôm, nên nghề nuôi tôm ở đây mới giữ được tới bây giờ". Cũng theo ông Minh, sở dĩ đến giờ vẫn còn hộ nghèo, còn số dư nợ ngân hàng khá cao là do người dân quá mê lợi nhuận từ con tôm nên không thực hiện triệt để theo quy trình tôm - lúa. Còn nhìn chung, 20 năm qua, mô hình tôm - lúa vẫn mang hiệu quả kinh tế cao cho người kiên định với mô hình này.
Để chứng minh cho nhận xét trên, ông Minh so sánh: Trước khi nuôi tôm, cả xã này cũng đã nợ ngân hàng khoảng 1 tỷ đồng. Hiện nay nợ hơn 60 tỷ đồng, nhưng vì sao nông dân vẫn nói là hiệu quả? Vì tài sản hiện có nhờ con tôm rất lớn (nhà cửa, tiện nghi sinh hoạt, máy móc, trang thiết bị phục vụ sản xuất... của toàn xã hiện có trên 200 tỷ đồng, gấp hơn 3 lần con số nợ; chưa kể đóng góp của dân vào việc xây dựng các công trình giao thông, thủy lợi, giáo dục, y tế…).
Trúng lúa mùa trên đất tôm Sóc Trăng
Ông Trần Minh Chuyện, cùng ấp, cho biết thêm: "Hồi trước ở đây đường đất, mùa mưa mang dép còn không đi được, còn bây giờ, lên xe gắn máy đi tới đâu cũng được. Đó là chưa kể số hộ nghèo từ vài chục phần trăm đến nay chỉ còn 7%, đảm bảo cho xã đủ tiêu chuẩn trở thành xã Nông thôn mới trong năm nay. Cái đó không nhờ tôm - lúa thì nhờ cái gì!?".
Ông Lương Tiến Đạt ở ấp Lê Văn Xe, xã Ngọc Đông, chia sẻ: "20 năm nay, tôi thấy con tôm với cây lúa sống "rất thọ" với nhau, vì gia đình tôi rất ít khi thua lỗ. Đặc biệt, từ khi có giống lúa thơm ST5, nếu chẳng may bị lỗ vụ sú cũng có thể gỡ gạc lại được vốn từ vụ lúa này. Ngoài nuôi tôm, trồng lúa, tôi còn trồng 60 cây dừa quanh nhà, một số bạch đàn đến nay bắt đầu cho hoa lợi; trên bờ bao mỗi năm tôi đều trồng một số loại màu". Ông Nguyễn Văn Nếu ở ấp Hòa Lời, xã Ngọc Đông, nhận xét: "Hồi trước, khi chỉ làm 1 vụ lúa/năm, gia đình tôi chỉ ở nhà lá; từ khi có con tôm luân canh với cây lúa đến nay mới có nhà tường để ở".
Xác định mô hình tôm - lúa vẫn vẹn nguyên tính hiệu quả sau 20 năm, nhưng cư dân vùng tôm - lúa cho rằng vẫn còn nhiều việc phải làm nếu muốn giữ vững và phát huy hiệu quả cũng như tính bền vững của mô hình này. Ông Trần Minh Chuyện đề xuất: "Phải quyết giữ mô hình tôm - lúa, nhưng cần tăng cường chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, xây dựng mô hình phù hợp nhận thức, trình độ của người dân".
>> Ông Lê Phát Minh, ấp Hòa Trực, xã Hòa Tú 1, huyện Mỹ Xuyên: "Mô hình tôm - lúa phải làm thật đàng hoàng chứ không qua loa, chiếu lệ được. Muốn vậy, cán bộ kỹ thuật phải hiểu trình độ nông dân đến đâu để có cách truyền đạt phù hợp. Đặc biệt, các ngành, các cấp cần quyết liệt hơn trong phát triển các mô hình kinh tế tập thể, bởi tính tư hữu trong nông dân còn rất lớn, trong khi nghề nuôi tôm đòi hỏi tính cộng đồng cao". |