Thơm rớt giá, nông dân bỏ mặc ngoài ruộng

Thơm rớt giá, nông dân bỏ mặc ngoài ruộng
Toàn tỉnh Thanh Hóa có hàng ngàn hécta thơm tập trung ở các vùng như: Nông trường Thống Nhất (huyện Yên Định), huyện Ngọc Lặc, Thạch Thành, Hà Trung, Bỉm Sơn… nhưng vì giá quá thấp, thương lái không thu mua nên nông dân đã bỏ mặc không thu hoạch khiến thơm chín rục.
 

Nông dân buồn rầu vì giá thơm rớt thê thảm

Nông dân buồn rầu vì giá thơm rớt thê thảm

Nhìn những ruộng thơm bạt ngàn ở xã Hà Long (huyện Hà Trung) nhưng bị bỏ mặc không khỏi chạnh lòng. Chị Mai Thị Tuyết (46 tuổi, trú thôn Vạn Bảo, xã Hà Long) cho biết, hiện nhà chị còn khoảng hơn 20 tấn thơm đã chín nhưng gia đình không thu hái do giá quá thấp, không đủ chi phí nhân công. 
Chị Tuyết cho hay: “Gia đình tôi trồng 1ha thơm. Tính từ giống má, công chăm sóc, phân bón, thuê người làm chi phí hết 120 triệu đồng. Nhưng đến thời điểm hiện tại gia đình mới thu hoạch được khoảng 0,5ha với khoảng 20 tấn, còn khoảng hơn 20 tấn nữa. Thơm đang chín nhưng giá chỉ có 2.000 đồng/kg, trong khi đó không có thương lái thu mua nên gia đình đành bỏ mặc ngoài ruộng. Mà thời tiết nắng nóng thế này không mấy chốc thì hỏng hết”. 
Chị Tuyết cho biết thêm, mới tháng trước còn được giá 6.000 - 6.500 đồng/kg nhưng bây giờ tụt xuống 2.000 đồng/kg. 
Ông Nguyễn Hữu Thành, Chủ tịch UBND xã Hà Long (huyện Hà Trung) cho biết, hiện nay toàn xã có khoảng 650ha thơm, đã thu hoạch được 80% với khoảng trên 20.000 tấn. Nhưng hiện giá rẻ nên người dân không thu hoạch nữa. Trong khi đó, tại Nông trường Thống Nhất (huyện Yên Định, một vùng chuyên canh thơm của Thanh Hóa), nông dân cũng bỏ mặc không thu hoạch. Giá bán tại ruộng hiện chỉ còn 1.000 - 1.500 đồng/kg. 
Ông Nguyễn Văn Diện (trú Nông trường Thống Nhất), cho biết: “Vụ thơm năm nay được mùa, quả to hơn mọi năm. 1ha cho thu hoạch được khoảng 40 tấn. Nhưng năm nay giá rớt thê thảm, thương lái tới mua ít nên gia đình tôi đành thuê máy phá đi. Coi như tiền mồ hôi công sức của mình đợt này đổ bỏ”. 
Còn chị Nguyễn Thị Xuân (trú cùng địa phương) cho hay: “Gia đình tôi trồng 6ha với tiền đầu tư lớn, nhưng vụ này thu hoạch chưa được một nửa diện tích, còn lại phải bỏ mặc, đang thối rữa dần. Không biết tiền nợ ngân hàng  đến khi nào mới trả được”. 
Ông Trịnh Quốc Dũng, Giám đốc Công ty TNHH Bò sữa Thống Nhất Thanh Hóa (một trong những đơn vị thu mua thơm của bà con), cho biết: “Diện tích trồng năm nay tăng, cùng với việc giá thu mua thấp nên nông dân không mặn mà trong việc thu hoạch. Đơn vị cũng đang thống kê ban đầu để giúp đỡ, hỗ trợ một phần cho người dân trên địa bàn”.

DUY CƯỜNG/sggp.org.vn