Tin mới nhất về bão số 14: Bão đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, mưa lớn kéo dài 1 tuần
- Chủ nhật - 19/11/2017 08:43
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Ảnh vệ tinh của bão số 14 lúc 18h ngày 18/11 cho thấy vùng mây bão ảnh hưởng khu vực rộng lớn từ miền Trung tới Nam Bộ. Ảnh: NCHMF.
Hồi 01 giờ, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 11,5 độ Vĩ Bắc; 111,0 độ Kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh Khánh Hòa - Ninh Thuận - Bình Thuận khoảng 200 km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7 (40-60km/giờ), giật cấp 9. Vùng gió mạnh do áp thấp nhiệt đới trên cấp 6, gió giật mạnh cấp 9 có bán kính khoảng 100km về phía Bắc, 80km về phía Nam tính từ vùng tâm áp thấp nhiệt đới.
Hồi 04 giờ sáng 19.11, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 11,2 độ Vĩ Bắc; 110,9 độ Kinh Đông, trên vùng biển ngoài khơi các tỉnh Khánh Hòa - Ninh Thuận - Bình Thuận. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7 (40-60km/giờ), giật cấp 9. Vùng gió mạnh do áp thấp nhiệt đới trên cấp 6, gió giật mạnh cấp 9 có bán kính khoảng 100km về phía Bắc, 80km về phía Nam tính từ vùng tâm áp thấp nhiệt đới.
Dự báo trong 12 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 20km, đi vào đất liền các tỉnh Khánh Hòa - Ninh Thuận - Bình Thuận với sức gió mạnh cấp 6, giật cấp 8. Đến 16 giờ ngày 19/11, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 11,4 độ Vĩ Bắc; 108,2 độ Kinh Đông, trên đất liền các tỉnh Khánh Hòa - Ninh Thuận - Bình Thuận - Lâm Đồng. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50km/giờ), giật cấp 8.Trong 12 đến 24 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới tiếp tục di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 20km và suy yếu dần thành một vùng áp thấp trên khu vực Nam Cam pu chia.
Cảnh báo gió mạnh trên biển
Vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Bình Định đến Bà Rịa - Vũng Tàu (bao gồm đảo Phú Quý) có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9. Sóng biển cao 2-4m. Biển động mạnh.Gió mạnh trên đất liềnTrên đất liền các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận có gió mạnh cấp 6, giật cấp 8; ở Phú Yên và khu vực Nam Tây Nguyên có gió giật cấp 6-7.
Mưa lớn trên đất liền
Ở các tỉnh từ Quảng Nam đến Bình Thuận và Tây Nguyên có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Từ đêm nay, do ảnh hưởng kết hợp với không khí lạnh mạnh tăng cường nên vùng mưa lớn có xu hướng mở rộng về phía Bắc (đến khu vực Bắc Trung Bộ).
Cảnh báo lũ
Từ ngày 19-24.11, trên các sông từ Hà Tĩnh đến Bình Thuận, khu vực Tây Nguyên và sông Đồng Nai có khả năng xuất hiện một đợt lũ. Trong đợt lũ này, mực nước trên các sông từ Quảng Trị đến Bình Định lên mức BĐ2-BĐ3 và trên BĐ3; các sông ở Hà Tĩnh, Quảng Bình, Phú Yên đến Bình Thuận, khu vực Tây Nguyên và lưu vực sông Đồng Nai lên mức BĐ1-BĐ2 và trên BĐ2, trên các sông suối nhỏ lên trên BĐ3.
Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.
Đề cập đến ảnh hưởng của hoàn lưu bão, ông Lê Thanh Hải - Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, cảnh báo từ đêm 18.11 đến hết trưa 19.11, gió hoạt động mạnh, gây ra đợt mưa ở Nam Trung Bộ, nam Tây Nguyên và khu vực ven biển ở Nam Bộ. Bên cạnh đó, vùng biển Nam Trung Bộ, Nam Bộ (từ Phú Yên đến Cà Mau) có thể xuất hiện giông lốc nguy hiểm.
Ảnh hưởng của bão số 14, trong cơn mưa to ở Bà Rịa - Vũng Tàu chiều tối 18.11, một cây cổ thụ bị gió quật ngã đè ôtô 4 chỗ trên Quốc lộ 56 khu vực thuộc xã Bình Ba (huyện Châu Đức), vụ tai nạn làm ôtô hư hỏng, hai vợ chồng may mắn thoát chết. Ảnh: Zing
Cũng theo ông Hải, ảnh hưởng của hoàn lưu bão kết hợp với không khí lạnh, từ đêm 18 đến 22.11, mưa lớn kéo dài trên diện rộng, khu vực miền núi các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Khánh Hoà, Ninh Thuận, Bình Thuận đề phòng sạt lở đất.
"Hiện chưa thể khẳng định liệu đây có phải là cơn bão cuối cùng của năm 2017 hay chưa. Sẽ còn khoảng 1-2 cơn bão hoặc áp thấp nhiệt đới hoạt động ở vùng biển phía nam Biển Đông và vùng biển Trường Sa. Song, khả năng đổ bộ vào đất liền là không cao"- ông Hải khẳng định
Theo Hải Đăng (danviet.vn)