Tính kế thoát “thị trường dễ tính”
- Thứ năm - 03/07/2014 04:28
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
PGS.TS Trần Văn Hâu, khi dạy môn quản lý trang trại, nhắc nhở: “Trong phương án sản xuất kinh doanh, để quản lý đầu vào – đầu ra trong sản xuất, nhà quản lý phải có nhiều nhà cung cấp cũng như nhiều nhà tiêu thụ, không thể chỉ có một mối là chết”. Trong suốt 20 năm, TS Hâu được nhà vườn biết đến như nhà cung cấp giải pháp kỹ thuật rải vụ, ra hoa nghịch vụ... có ích cho việc tránh né rủi ro trên thị trường.
Không phải là người đầu tiên và duy nhất so sánh giữa Việt Nam và Thái Lan về diện tích xoài, sản lượng, mức tiêu thụ… TS Hâu tinh tế so sánh hai điều. Thứ nhất: cách ăn và đa dạng hoá sản phẩm chế biến từng dòng nguyên liệu ở nước láng giềng này. Thứ hai: Tommy Atkins, một giống xoài nổi tiếng của Do Thái, khiến ông nghĩ nhiều về sự so sánh và chọn lựa của người mua.
Tồn tại trên sa mạc Negev, Do Thái có khoảng 2.000ha xoài, trồng chung quanh hồ Galilee, năng suất gấp 4 – 5 lần xoài Việt Nam. Trái Xoài Tommy Atkins, do ông trồng tại vườn nhà ở Cần Thơ, nặng 2,5kg/trái, rất bắt mắt vì vỏ trái khi sống màu tím, khi chín có màu vàng cam ửng tím rất đẹp, có mùi thơm đặc trưng, tỷ lệ thịt nhiều, hột nhỏ, vỏ dày có thể chở đi xa. “Không biết ăn ngon hay không nhưng nhìn là muốn mua. Những giống xoài có mùi thơm dâu tây, chanh dây làm sao cưỡng lại được?”, ông đưa ra lời bình.
“Mùi vị là do sở thích, ở Việt Nam có loại xoài bưởi – người nói hôi mủ, người nói thơm – thật bất ngờ khi một doanh nhân nói phải làm sao cho trái xoài bưởi của mình thơm hơn để sấy vẫn còn giữ được mùi”, TS Hâu cho rằng để làm ra sản phẩm thương mại phải có ý tưởng khác biệt và phải có người theo đuổi.
Biết cách rồi nhưng… chưa làm được
Việt Nam có nhiều nguyên liệu từ cây ăn trái nhưng ai sẽ nhào vô lĩnh vực chế biến đa dạng hoá? Nhà nước muốn có người theo đuổi, nhưng chính sách thu hút đã đủ sức hấp dẫn chưa?
Cả Nhà nước, doanh nghiệp, nông dân và nhà khoa học đều mong muốn tăng cường năng lực chế biến. Tuy nhiên, nhiều năm liền nhà vườn vẫn rơi vào sa lầy sản lượng do không đủ sức bảo quản giữ chất lượng, giữ giá bán trong khi mùa vụ cứ luân phiên và cách xuất khẩu tiểu ngạch vào thị trường dễ tính đã làm rệu rã mọi nỗ lực làm ăn đàng hoàng.
“Bây giờ muốn thoát khỏi thị trường dễ tính, làm ăn đàng hoàng thì bà con mình lại không làm được”, TS Lê Quốc Điền, giám đốc trung tâm Chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật thuộc viện Cây ăn quả miền Nam, buồn bã, nói. Ông đã tổ chức nhiều cuộc điều tra xã hội học, thu phiếu về rồi vò đầu bứt tóc khi ở đó hiện lên kiểu suy nghĩ “cứ trồng, ai mua, ai ăn – cách nào kệ họ”.
Làm hàng xuất khẩu vào thị trường khó tính như Mỹ, Nhật , EU, Hàn Quốc, theo TS Điền, trái cây vào siêu thị, bán cho dân Mỹ, giá cao gấp nhiều lần và rất khác so với bán ở những siêu thị hoặc “chợ làng” của cộng đồng người châu Á. Thị trường khó tính vì họ muốn bảo đảm với người tiêu dùng rằng đây là những loại đã được chọn lựa.
“Các nhà vườn được cấp mã số vườn, mã số hàng, chọn nhà đóng gói đúng quy cách, chiếu xạ, đăng ký với cơ quan chức năng xuất khẩu hàng vào siêu thị, cam kết quy trình sản xuất an toàn – sản phẩm đồng nhất, được một công ty đỡ đầu chuyên làm hàng qua Mỹ…
Thực sự, chúng ta cần mô hình đó”, TS Điền nói tiếp: “Cần nông dân liên kết lại như một đội hình liên gia từng nhóm 5 – 7 nhà vườn, vậy mà chưa làm được!” Ai sẽ làm cho nông dân thay đổi? Ai có thể đại diện nông dân để làm cho những mối quan hệ theo chuỗi thay đổi?
TS Điền chia sẻ: ở Thái Lan, hội nông dân làm được. Họ có những chương trình bền bỉ, đột phá về giống thích hợp ăn tươi, chế biến… Thái Lan muốn tổ chức kênh phân phối hàng sang Mỹ, họ mời người ở Mỹ chuyên lo thị trường ngồi tại văn phòng thủ tướng, làm việc suốt năm năm. Chính phủ trả tiền.
Thái Lan không có cảnh chạy xe gắn máy chở từng sọt trái cây. Họ quản lý theo chứng chỉ, chứng chỉ nào thị trường nấy. không được trà trộn vùng nguyên liệu có chứng chỉ này vào vùng có chứng chỉ khác. Lực lượng quản lý thị trường quản lý chứng chỉ, ai vi phạm sẽ bị phạt, bị đuổi ra khỏi vùng nguyên liệu cấp chứng chỉ là mất trắng. Họ quản lý theo mục tiêu và theo đuổi một cách sáng tạo.
“Vấn đề là luật hoá. Ở ta, thương nhân Trung Quốc chạy xành xạch không kiểm soát được, họ chọt vô chỗ nào thì giá loạn xị, dân bán loại 1 cho họ, còn lại loại 2, loại 3 bán cho ai?”, TS Điền bức xúc nói.