Tôm càng xanh chứng tỏ tiềm năng
- Thứ bảy - 13/02/2016 06:44
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Từ thu nhập 10 - 20 triệu đồng/ha tôm càng xanh trên ruộng lúa từ năm 2010 trở lại đây, người dân Cà Mau, nhất là huyện Thới Bình và U Minh, Trần Văn Thời, nhận thấy cơ hội cũng như tiềm năng và hiệu quả mà con tôm càng xanh mang lại là rất cao. Từ đó đến nay, kinh nghiệm nuôi, mật độ nuôi ngày càng được nâng cao, theo đó năng suất cũng như thu nhập của người dân không ngừng được tăng lên từ vài triệu đồng lên 50 - 100 triệu đồng/ha và trở thành mô hình nuôi bền vững.
Ông Nguyễn Văn Khoái, ấp Trương Thoại, xã Biển Bạch, huyện Thái Bình khẳng định: “Nuôi tôm càng xanh kết hợp 1 vụ lúa cho hiệu quả nhất, thu nhập lên đến 30 - 50 triệu đồng/vụ”.
Nhận thấy hiệu quả cao, nhiều hộ có kinh nghiệm, vốn thả nuôi mật độ 2 - 4 con/m2, cho ăn dặm với thức ăn là các nguồn sẵn có trong vuông tôm, khoai mì, dừa khô hay lúa… Anh Tài, một người nuôi tôm cho biết: “Với 50.000 con giống, qua gần 5 tháng nuôi tôm đạt trung bình 30 con/kg. Thời gian nuôi còn lại trên dưới 1 tháng có thể nên năm nay có thể đạt 1 tấn tôm càng xanh thương phẩm. Với giá tôm hiện tại 140.000 đồng/kg thì lãi trên 100 triệu đồng là hoàn toàn có thể”.
Trưởng phòng NN&PTNT huyện Thới Bình Nguyễn Hoàng Lâm nhận định: “Do hiệu quả cao nên từ diện tích 3 ha năm 2010, năm 2014 1.222 ha, nay tăng lên 7.029 ha. Hiện tại mô hình này đang phát triển tốt và chuẩn bị cho thu hoạch. Theo ghi nhận, đối tượng nuôi này sẽ cho năng suất cao và lợi nhuận sẽ tăng hơn năm 2014”.
Ông Châu Công Bằng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Cà Mau, cho biết sản xuất luân canh tôm - lúa và tôm càng xanh trên ruộng lúa là thế mạnh đặc biệt của Cà Mau. Toàn tỉnh hiện có gần 45.000 ha thực hiện mô hình này và đối tượng tôm càng xanh sẽ chiếm diện tích lớn trong thời gian tới. Bởi loại hình này được ngành xác định là mô hình sản xuất bền vững, đạt hiệu quả khá cao, ít dịch bệnh”.
“Để phát huy hiệu quả tốt mô hình này, tỉnh đang rà soát điều chỉnh bổ sung quy hoạch hợp lý. Đi kèm theo là các giải pháp về thủy lợi, kỹ thuật canh tác, giống, chất lượng sản phẩm, tổ chức liên kết sản xuất, xây dựng thương hiệu gắn thị trường tiêu thụ... Đây là một trong hai đối tượng chủ lực của Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp Cà Mau hiện nay” - ông Bằng cho biết thêm.
Đó là những giải pháp mà người dân trong tỉnh Cà Mau đang hướng tới cho một vụ mùa mới đạt năng suất và chất lượng cao hơn. Còn hiện nay, người dân thực hiện mô hình nuôi tôm càng xanh trên ruộng lúa đang chuẩn bị thu hoạch trước kết quả “trúng mùa và được giá” và tràn đầy niềm vui chuẩn bị đón Tết cổ truyền sắp tới…
Một số hình ảnh nuôi, thu hoạch tôm càng xanh ở ĐBSCL - Ảnh: Diệu Lữ, Phan Thanh