Triển vọng mới cho cây ngô

Triển vọng mới cho cây ngô
Mặc dù là nước nông nghiệp, song mỗi năm Việt Nam phải nhập khẩu một lượng lớn nguyên liệu phục vụ chế biến thức ăn chăn nuôi, trong đó có khoảng trên 5 triệu tấn ngô. Do đó việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất ngô nhằm giảm bớt sự phụ thuộc vào ngô nhập khẩu đang được ngành nông nghiệp kỳ vọng lớn.
Hiệu quả từ tiến bộ về giống
Trong hai ngày cuối tuần, Bộ NN&PTNT đã tổ chức chuyến đi thực tế mô hình trồng ngô chuyển gen tại Vĩnh Phúc, Phú Thọ và đánh giá hiệu quả bước đầu sau vụ thu hoạch đầu tiên. Mặc dù thời gian thử nghiệm chưa lâu và diện tích còn hạn chế, song kết quả của các mô hình đang thu hút sự quan tâm của khá nhiều nông dân.
Mô hình trồng ngô chuyển gen tại huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc
Mô hình trồng ngô chuyển gen tại huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc
Tại xã Duy Phiên, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc, mô hình ngô chuyển gen NK7328 GT và NK7328 Bt/GT của Công ty TNHH Syngenta Việt Nam được thí điểm trên diện tích 1ha của Trại sản xuất giống cây trồng Mai Nham từ đầu tháng 7/2015. Đến nay qua theo dõi, hai giống ngô này cho hiệu quả ưu thế hơn giống ngô NK7328 đối chứng.
Bà Cao Thị Mai – Trưởng trại Sản xuất giống cây trồng Mai Nham cho biết, nhờ tính năng kháng cỏ, sâu đục thân nên hai giống ngô chuyển gen NK7328 GT (kháng thuốc trừ cỏ) và NK7328 Bt/GT (kháng thuốc trừ cỏ và sâu đục thân) phát khỏe mạnh, cành to, lá xanh, bắp ngô không bị sâu hại nên cho năng suất cao. Đặc biệt, mô hình giảm được chi phí sản xuất cho người dân. “Với ngô thông thường, người dân phải làm cỏ 2 lần với tiền công 200.000 đồng/sào nhưng ngô chuyển gen chỉ cần phun thuốc diệt cỏ một lần, mất khoảng 30.000 đồng/sào” – bà Mai cho biết.
Trước đó, trong vụ xuân 2015, tỉnh Vĩnh Phúc cũng triển khai khảo nghiệm so sánh diện rộng giống ngô biến đổi gen NK4300 Bt/GT của Công ty Sygenta tại trại giống Mai Nham với diện tích 0,75ha. Kết quả tỷ lệ sâu đục thân trên giống ngô này chỉ 1,2% trong khi giống ngô đối chứng là 72,7%. Về năng suất, ngô chuyển gen cũng cho năng suất tăng 27,4% trong cùng điều kiện canh tác và thu nhập tăng hơn 500.000 đồng/sào so với ngô thường.
 Ông Lê Văn Dũng – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Vĩnh Phúc cho biết, sử dụng giống ngô chuyển gen có tác dụng giảm thiểu sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, bảo vệ môi trường, giảm chi phí lao động, nâng cao hiệu quả sản xuất ngô. Hiện nay, ngành NN&PTNT Vĩnh Phúc đã xây dựng đề án tái cơ cấu ngành trồng trọt và tham mưu UBND tỉnh sẽ thông qua vào cuối năm nay, trong đó thống nhất hỗ trợ 3 năm đầu cho nông dân trồng ngô chuyển gen với mức khoảng 4 – 4,2 triệu đồng/ha. Theo kế hoạch, toàn tỉnh Vĩnh Phúc sẽ triển khai trồng 150ha ngô chuyển gen trong vụ Đông năm nay tại 9 huyện, thị xã. Qua đó, giúp nông dân trồng ngô đạt năng suất cao, nâng cao thu nhập góp phần thúc quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng của địa phương.
Tại Phú Thọ, mô hình trồng ngô chuyển gen DK6818 R và DK6818 S của Công ty TNHH Dekalb Việt Nam được triển khai tại huyện Thanh Thủy cũng đang cho kết quả tích cực. Theo đại diện Trạm Khuyến nông huyện Thanh Thủy, trồng ngô chuyển gen cho tỷ lệ đóng bắp cao hơn, bảo vệ được năng suất, nhất là trong điều kiện thời tiết bất thuận. Mặc dù giá ngô giống chuyển gen cao hơn, hiện 200.000 đồng/kg (ngô thường là 130.000 đồng/kg) nhưng do giảm được công chăm sóc gồm làm cỏ, phun thuốc trừ sâu nên tổng chi phí vẫn rẻ hơn so với ngô thường. Về vấn đề này, đại diện Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) cho hay, hiện nay, giá giống bắp chuyển gen cao hơn giống bắp thường nhưng Bộ đang chỉ đạo nghiên cứu để giảm giá thành cho giống bắp chuyển gen để nông dân có thể áp dụng rộng rãi. Đồng thời, định hưởng sản xuất theo cánh đồng lớn nhằm tăng tỷ lệ ngô trồng trong nước.
Tín hiệu vui từ liên kết bốn nhà
Cùng với đưa giống mới vào sản xuất, các mô hình liên kết trong sản xuất ngô cũng đang dần hình thành, mang lại triển vọng mới cho sản xuất ngô. Tiêu biểu như mô hình thí điểm liên kết sản xuất - tiêu thụ ngô đang được triển khai tại tỉnh Lào Cai. Tại hội nghị đánh giá mô hình liên kết sản xuất ngô bền vững tổ chức tại xã Bản Cầm, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai tổ chức ngày 9/8, khá nhiều nông dân khá vui mừng trước kết quả bước đầu của mô hình.
2. Trồng ngô giống mới theo mô hình liên kết bốn nhà tại xã Bản Cầm, huyện Bảo Thắng, Lào Cai.
Trồng ngô giống mới theo mô hình liên kết bốn nhà tại xã Bản Cầm, huyện Bảo Thắng, Lào Cai.
Bà Hà Thị Hồng, thôn Bản Cầm, xã Bản Cầm chia sẻ, tham gia mô hình, bà con nông dân được công ty cấp giống và có DN tiêu thụ sản phẩm từ lúc thu hoạch nên không mất công phơi phóng, bảo quản. “Trước đây, chúng tôi đi mua giống ở bên ngoài chỉ lo mua phải giống giả, kém chất lượng, nay có công ty cung cấp trực tiếp nên rất yên tâm” – bà Hồng tâm sự.
Được biết, theo mô hình liên kết ở xã Bản Cầm, nông dân được Công ty Dekalb cung ứng giống và Công ty TNHH MTV An Nghiệp (Lào Cai) thu mua sản phẩm. Trong quá trình triển khai, bà con được phía các DN và Sở NN&PTNT tỉnh hỗ trợ về kỹ thuật sản xuất. Có mặt tại xã Bản Cầm ngày 9/8, nhiều bà con nông dân phấn khởi vì hai giống ngô lai của Công ty Dekalb là DK 6919, DK 8868 mới được đưa vào thí điểm cho năng suất cao hơn hẳn bởi bộ lá gọn nên có thể trồng 2 cây/hốc. Bên cạnh đó, thời gian sinh trưởng ngắn, bộ rễ khỏe, cây cứng, chống chịu sâu bệnh tốt, chất lượng hạt thương phẩm tốt nên giúp bà con đạt năng suất cao và bán được giá.
Đặc biệt, trong khi giá thị trường hiện nay là 2.300 đồng/kg ngô tươi, Công ty An Nghiệp vẫn đang thu mua cho người dân với mức giá 2.850 đồng/kg. Ông Nguyễn Anh Tuấn – Giám đốc Sở NN&PTNT Lào Cai cho biết, mô hình liên kết bốn nhà trong sản xuất ngô đã góp phần thay đổi tập quán, tư duy sản xuất của người dân vùng núi. Trước đây, liên kết giữa nông dân và DN rất lỏng lẻo nên khi giá cao là người dân bán ra ngoài. Tuy nhiên, với mô hình này, nông dân được đảm bảo đầu vào và đầu ra ổn định đối với ngô giống, ngô thương phẩm. Đây chính là điều kiện để quản lý tốt chất lượng nguồn giống, đồng thời tạo ra sản phẩm hàng hóa với khối lượng lớn và đồng đều, tiến tới thực hiện hiệu quả đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Ông Tuấn cũng cho biết, để khuyến khích mô hình liên kết này, thời gian tới tỉnh Lào Cai sẽ tập trung vận động bà con nông dân tham gia liên kết sản xuất bền vững với quy mô lớn. Song song với đó, ban hành các chính sách ưu đãi đặc thù về hỗ trợ đất đai, vốn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, xây dựng thương hiệu sản phẩm, cước vận chuyển…
Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, khối lượng ngô nhập khẩu trong tháng 7/2015 đạt 469.000 tấn với giá trị đạt 101 triệu USD, đưa khối lượng nhập khẩu mặt hàng này trong 7 tháng đầu năm 2015 đạt 3,75 triệu tấn, giá trị nhập khẩu đạt 856 triệu USD, tăng 41,7% về khối lượng và tăng 24,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2014. Bởi vậy, nếu các mô hình ứng dụng tiến bộ mới trong khâu giống, liên kết sản xuất như đang được áp dụng tại các tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Lào Cai… được nhân rộng, sẽ mở ra hướng đi mới cho sản xuất ngô trong nước.
Thiên Tú
nguồn: kinhtenongthon.com.vn