Vì sao giống lúa Gia lộc 102 ở một số xã bị lép hạt?

Vì sao giống lúa Gia lộc 102 ở một số xã bị lép hạt?
Gia lộc 102 là giống lúa ngắn ngày (gặt trước các giống khác từ 15-20 ngày), chất lượng gạo ngon nên phù hợp với điều kiện tự nhiên khắc nghiệt của Hà Tĩnh (có khả năng tránh lũ), phù hợp với sản xuất hàng hóa (giá trị kinh tế cao) ...

 

Nhằm góp phần tìm ra giống lúa mới năng suất, chất lượng, ngắn ngày, phù hợp với điều kiện tự nhiên khắc nghiệt của Hà Tĩnh, vụ hè thu năm 2011, Công ty CP Vật tư nông nghiệp (VTNN) Hà Tĩnh đã tổ chức khảo nghiệm 500 m2 giống lúa Gia lộc 102 trên địa bàn tỉnh ta. Với kết quả khảo nghiệm khả quan, vụ đông xuân 2012, Công ty đã nâng diện tích lên 10 ha; hè thu 2012: 111 ha và đến vụ hè thu 2013, tổng diện tích lúa Gia lộc 102 trên toàn tỉnh đạt 1.072 ha.

Vì sao giống lúa Gia lộc 102 ở một số xã bị lép hạt?
Giống lúa Gia lộc 102. Ảnh: fcri.com.vn

Điều này khẳng định Gia lộc 102 có ưu điểm vượt trội, được nhân dân đón nhận. Tuy nhiên, vụ hè thu 2013 có đến gần 270/1.072 ha cho nhiều hạt lép, thấp thua năng suất trung bình của nhiều giống lúa. Thậm chí, có những đám ruộng chỉ đạt 400-500 kg/sào, khiến người dân rất hoang mang. Tuy nhiên, sau một thời gian nghiên cứu, các nhà khoa học đã tìm ra những nguyên nhân gây lép hạt trên lúa Gia lộc 102.

Trong tổng số 1.072 ha lúa Gia lộc 102 vụ hè thu vừa qua, có 347,1 ha cánh đồng mẫu; 70 ha do dân tự để giống, 120 ha dân mua qua trung tâm chuyển giao và các cửa hàng, tổ chức; số còn lại là Công ty VTNN cung ứng cho hộ nghèo ở Hương Sơn, Đức Thọ, Cẩm Xuyên. Trong quá trình sản xuất, có 782,4 ha lúa sinh trưởng, phát triển bình thường, năng suất bình quân đạt kế hoạch đề ra. Một số cánh đồng có năng suất khá, nổi trội hơn so với các giống khác trên địa bàn. Riêng các huyện Kỳ Anh, Hương Khê, Cẩm Xuyên, phần lớn bà con đánh giá khá cao về giống Gia lộc 102. Tuy nhiên, bên cạnh đó, có gần 270 ha cho năng suất thấp thua so với năng suất trung bình của giống lúa khác trên địa bàn (chủ yếu do lép hạt), tập trung tại 15 xã ở Hương Sơn và 5 xã ở Đức Thọ.

Theo các nhà khoa học, các nhà chuyên môn thì nguyên nhân cơ bản là do thời tiết vụ hè thu 2013 không thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là cây lúa (nhìn chung, vụ hè thu năm nay, năng suất toàn tỉnh giảm 10% so với cùng kỳ năm ngoái - PV). Bản đánh giá thời tiết đối với sản xuất hè thu 2013 của Trung tâm Khí tượng thủy văn Hà Tĩnh cũng nêu rõ: “Các tháng trong vụ hè thu 2013 có đặc điểm là nhiệt độ thấp, độ ẩm cao, lượng mưa và số ngày mưa nhiều hơn bình quân nhiều năm (riêng khu vực Hương Sơn, trong tháng 7 có 20 ngày mưa); ảnh hưởng bất lợi nhất là thời tiết từ 21/7 - 10/8 - giai đoạn lúa trổ nhiều nhất”.

Tại Công văn số 231/VCL-CV ngày 19/8 về việc sản xuất thử giống lúa Gia lộc 102, tại Hương Sơn, cũng nêu rõ: “Trong giai đoạn lúa trước trổ và trổ bông có xuất hiện hình thái thời tiết cực đoan kéo dài (từ 15 - 25/7), nhiệt độ cao, nắng nóng gay gắt, đồng thời lại có mưa lớn, điều này làm suy giảm khả năng thụ phấn ở lúa, do đó đã xảy ra hiện tượng lép hạt cao ở lúa”. Bên cạnh đó, còn có nguyên nhân nữa là bệnh thối thân, mới xuất hiện vài vụ gần đây ở đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh miền Trung, do vi khuẩn Erwinia gây ra…

Ngoài ra, lúa Gia lộc 102 cũng không thích hợp với ruộng trũng, chua phèn (dễ nhiễm bệnh thối thân). Mặt khác, một số diện tích, do sức ép của thời vụ nên việc làm đất chưa đạt yêu cầu, vệ sinh đồng ruộng chưa đảm bảo nên lúa bị ngộ độc hữu cơ, dẫn đến chết, giảm mật độ. Một thực tế nữa là, đối với các hộ nghèo, do điều kiện kinh tế khó khăn nên công tác cải tạo đồng ruộng, chăm sóc lúa…cũng hạn chế, không đạt yêu cầu, dẫn đến ảnh hưởng năng suất lúa… Tuy mất mùa không phải nguyên nhân từ giống, nhưng Công ty CP VTNN Hà Tĩnh đã xem xét, hỗ trợ nhân dân bị thiệt hại để họ ổn định cuộc sống.

Gia lộc 102 là giống lúa ngắn ngày (gặt trước các giống khác từ 15-20 ngày), chất lượng gạo ngon nên phù hợp với điều kiện tự nhiên khắc nghiệt của Hà Tĩnh (có khả năng tránh lũ), phù hợp với sản xuất hàng hóa (giá trị kinh tế cao) nên cần tiếp tục khảo nghiệm, nhân rộng. Bởi, trên thực tế, qua mấy vụ sản xuất thử, nhìn chung, lúa được mùa, thời gian ngắn nên tránh lũ tốt, giá trị kinh tế cao hơn nhiều so với các giống khác, bà con nông dân rất phấn khởi (Công ty bao tiêu, thu mua lúa cho bà con với giá 7.000 đồng/kg, trong khi các lúa khác trên thị trường chỉ từ 5.000-5.500 đồng/kg).

Tuy nhiên, các nhà khoa học cũng cần nghiên cứu kỹ hơn điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng cụ thể của từng địa phương; khảo nghiệm, đánh giá kỹ trước khi đưa giống lúa vào sản xuất đại trà. Bên cạnh đó, các địa phương cần khuyến cáo nhân dân thực hiện đúng quy trình kỹ thuật để đạt kết quả cao nhất.

Chính Thu
Nguồn baohatinh.vn