Việt Nam đối diện nguy cơ lây lan dịch tả lợn Châu Phi rất lớn

Việt Nam đối diện nguy cơ lây lan dịch tả lợn Châu Phi rất lớn
Theo chuyên gia trong ngành chăn nuôi Vincentter Beek của Tạp chí chuyên ngành về chăn nuôi lợn Pig Progress, dịch tả lợn Châu Phi đang diễn biến vô cùng nguy hiểm trong tình hình hiện nay đối với các nước khu vực Đông Nam Á.

Ông Vincentter Beek đã chỉ ra nhiều vấn đề lớn mà ngành chăn nuôi lợn ở khu vực này đang phải đối mặt trước dịch tả lợn Châu Phi (trong đó có Việt Nam).

Theo đó, mặc dù dịch tả lợn Châu Phi chỉ mới phát hiện được tại Trung Quốc từ đầu tháng 8/2018, tuy nhiên, rất có thể virus này đã xuất hiện ở Trung Quốc ít nhất là từ tháng 6/2018, thậm chí có thể từ tháng 4/2018. Sau khi các ổ dịch được phát hiện, cơ quan chức năng Trung Quốc đã có các biện pháp nghiêm ngặt nhằm cô lập và ngăn chặn bệnh dịch lây lan.

Tuy nhiên, rất có thể virus đã có cơ hội lây lan khắp đất nước trong khoảng thời gian dịch bệnh chưa được phát hiện trước đó 2 tháng. Đặc biệt, nguy hiểm nhất là nguồn gốc của đàn heo nhiễm bệnh được xác nhận lần đầu tại nhà máy giết mổ ở tỉnh Hà Nam lại xuất phát từ tỉnh Hắc Long Giang, một tỉnh gần Liên Bang Nga, nên câu hỏi virus dịch tả lợn Châu Phi đã lưu hành trong bao lâu trước khi nó được kiểm soát vẫn là mối lo lớn.

Tốc độ lây lan của virus dịch tả lợn Châu Phi khi được phát hiện tại Trung Quốc cũng là điều đáng lo ngại. Ở Đông và Trung Âu, hầu hết các đợt bùng phát dịch là theo một mô hình phổ biến ở các quần thể heo rừng địa phương, sau đó virus chủ yếu chỉ khu biệt ở địa phương hoặc lây lan trong phạm vi gần do điều kiện lây nhiễm thấp. Tuy nhiên tại Trung Quốc, hiện số lượng đầu lợn của nước này ước khoảng 457 triệu con trong năm 2016 (bằng ½ thế giới, theo số liệu của FAO). Trong đó, số lượng lợn này được tập trung chủ yếu ở phía đông Trung Quốc, nơi ước chiếm khoảng 1/3 tổng lượng lợn toàn nước này). Đây cũng là khu vực đã phát hiện liên tiếp các ổ dịch tả lợn Châu Phi thời gian qua. Vì vậy, nguy cơ bùng phát dịch ở khu vực các tỉnh phía đông Trung Quốc và lan sang các khu vực khác (trong đó nguy cơ nhất là Việt Nam) đang là hiển hiện.

Ở châu Âu, các ổ dịch đầu tiên được phát hiện Georgia từ năm 2007, tuy nhiên để lây lan đến Cộng hòa Séc ở Đông Âu với khoảng cách gần 3.000km, virus đã mất thời gian khoảng 11 năm (từ năm 2007 đến năm 2018). Tuy nhiên ở Trung Quốc, virus lây lan từ Thẩm Dương ở miền bắc Trung Quốc đến Ôn Châu, phía nam Thượng Hải chỉ trong khoảng 3 tuần (tương đương khoảng cách 2.100km). Điều này cho thấy mức độ lây lan của dịch tại Trung Quốc là hết sức đáng ngại.

Bên cạnh đó tại Trung Quốc, theo những nghiên cứu của chuyên gia quốc tế trong ngành chăn nuôi thì ước tính tới năm 2017, khoảng trên 50% đàn heo của nước này vẫn còn ở quy mô các trang trại nhỏ lẻ. Điều này càng khiến nguy cơ kiểm soát đối với dịch tả lợn Châu Phi hết sức khó khăn, đặc biệt là trong điều kiện tự nhiên và kinh tế - xã hội thuận lợi cho virus phát triển hơn rất nhiều so với các nước Châu Âu.

Theo Công Hoàng/nongnghiep.vn