Vĩnh Long: Tái thiết vườn cây ăn trái hướng chuyên canh

Những vườn cây ăn trái ảnh hưởng dịch bệnh nhưng nếu “cứu” được thì sẽ tiếp tục có hướng dẫn phòng trị, còn đối với những vườn già cỗi, năng suất thấp sẽ được xem xét hỗ trợ giống cây trồng chuyển đổi.
Vùng trồng bưởi Năm Roi Mỹ Hòa đang phát triển sau khi sâu đục trái được khống chế, hợp tác xã hoạt động có hiệu quả trở lại.

Theo kế hoạch của Trung tâm Giống nông nghiệp (Sở Nông nghiệp- PTNT), đến năm 2020 toàn tỉnh sẽ có khoảng 2.200ha vườn cây ăn trái được tái thiết thành những vùng trồng cây ăn trái chuyên canh, sạch bệnh hướng đến xuất khẩu.

Chuyển đổi giống cây trồng

Thời gian qua, nhiều loại cây trái trên địa bàn tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nề của sâu bệnh như: chổi rồng trên nhãn; vàng lá gân xanh, vàng lá thối rễ trên cam sành; sâu đục trái bưởi... đã gây thiệt hại không nhỏ cho nhà vườn và giảm đáng kể diện tích.

Toàn tỉnh hiện có khoảng 41.000ha vườn cây ăn trái, giảm khoảng 5.000ha so năm 2013. Trước tình hình này, ngành nông nghiệp triển khai nhiều chương trình, dự án khôi phục.

Trong đó, đáng chú ý là việc Trung tâm Giống nông nghiệp thực hiện song song 2 dự án hỗ trợ giống cây trồng, bước đầu khắc phục dịch bệnh, thành lập các vùng chuyên canh sản xuất quy mô lớn. Điển hình như dự án “Hỗ trợ chuyển đổi giống cây trồng giai đoạn 2014- 2016”, đến nay đã khắc phục khá tốt dịch bệnh.
 
TS Nguyễn Thị Tuyết Mai- Giám đốc Trung tâm Giống nông nghiệp cho biết, theo kế hoạch dự án sẽ hỗ trợ giống cải tạo khoảng 200ha vườn kém hiệu quả tại 7 huyện. Hiện đã hỗ trợ giống cải tạo được 160ha, còn lại 40ha sẽ triển khai trong năm 2016.

Tháng 6/2015, UBND tỉnh đã phê duyệt dự án “Hỗ trợ giống cây trồng xây dựng vùng chuyên canh cây ăn trái tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2015- 2017”.

Đây được xem là dự án lớn nhất từ trước tới nay, đặc biệt dự án được ngân hàng hỗ trợ vốn với lãi suất thấp nhằm giúp nhà vườn khâu lên liếp hay mua phân, thuốc chăm sóc.

Đến nay, đã hỗ trợ giống cho khoảng 400ha, kế hoạch năm 2016 là 700ha và đến năm 2017 sẽ kết thúc dự án với khoảng 2.000ha vườn cây ăn trái kém hiệu quả được chuyển đổi giống. Những giống cây trồng được hỗ trợ nhiều là nhãn Edor, bưởi da xanh và một số giống thuộc dòng cây có múi không hạt như cam sành, quýt đường...
 
“Chúng tôi xây dựng dự án trên cơ sở cây trồng phù hợp thổ nhưỡng và điều kiện canh tác từng địa phương. Dự án được hỗ trợ toàn bộ kinh phí mua giống. Nếu từng vùng sản xuất 1 loại giống sẽ không tốt, bởi thiệt hại lớn khi xảy ra dịch bệnh, còn quá nhiều giống sẽ rải rác. Vì vậy, mục tiêu các dự án sẽ tập trung vào hỗ trợ các giống chủ lực.

Qua các mô hình nhận rất nhiều sự đồng thuận của nông dân, nhất là vùng trồng nhãn ở Long Hồ, giảm đáng kể áp lực dịch bệnh”- TS Nguyễn Thị Tuyết Mai cho biết.

 

Phát triển vùng cây ăn trái chuyên canh

Thông qua các dự án hỗ trợ giống, kỹ thuật canh tác, đang tạo những vùng trồng cây ăn trái chuyên canh quy mô lớn. Cụ thể, hiện vùng bưởi Năm Roi ở TX Bình Minh truyền thống đang tiếp tục phát triển, hướng tới sẽ củng cố các hợp tác xã tìm đầu ra.

Vùng cam sành trước nay ở Tam Bình, hiện cũng đang được mở rộng ở Trà Ôn, thu nhập bình quân 100- 200 triệu đồng/ha/năm. Ngoài sầu riêng, Vũng Liêm, Mang Thít cũng đang hình thành các vùng trồng cây ăn trái mới là bưởi da xanh, hiện trên 1.000ha. Kế hoạch đến năm 2017 sẽ tăng thêm khoảng 500ha.

TS Nguyễn Thị Tuyết Mai cho rằng, đây là cây trồng tiềm năng ở vùng này, bởi quá trình trồng thử nghiệm hoàn toàn phù hợp đất đai, trái ngon và năng suất cao. Trong tương lai, nơi này sẽ cùng tỉnh Bến Tre hình thành vùng trồng bưởi lớn của đồng bằng, với thị trường rộng mở.

Tại Long Hồ, ngoài cây nhãn da bò đang dần phục hồi sau khi xây dựng thành công các mô hình phòng trị, nông dân “xã nhãn” ở cù lao Minh hiện còn thực hiện đa dạng khi thay thế trồng nhãn xuồng cơm vàng, Edor,… để tránh thừa hàng khi thu hoạch rộ.
 
Ngoài Tổ hợp tác Sản xuất nhãn xã Tân Hạnh mới đây được cấp mã code đủ điều kiện xuất khẩu sang Mỹ trên nhãn tiêu da bò, thì hiện Trung tâm Thông tin nông nghiệp nông thôn (Sở Nông nghiệp- PTNT) cũng đang xúc tiến chuẩn bị các thủ tục cần thiết sớm cấp mã code cho Tổ hợp tác Sản xuất nhãn xuồng cơm vàng xã An Bình (Long Hồ) đủ điều kiện đưa hàng hóa vào thị trường khó tính.

TS Nguyễn Thị Tuyết Mai tin rằng, với sự hỗ trợ từ khâu giống, thời gian tới tại các vùng cây trồng ảnh hưởng dịch bệnh sẽ chuyển biến tốt, cụ thể như vùng trồng nhãn tại các xã cù lao Long Hồ sẽ sớm khôi phục vùng chuyên canh với cơ cấu đa dạng, đáp ứng tốt hơn nhu cầu xuất khẩu.

Kế hoạch năm 2015, sẽ ổn định diện tích cây lâu năm là 50.000ha, sản lượng 600.000 tấn các loại. Phát triển vùng nguyên liệu với các loại cây trồng chủ lực như bưởi da xanh, xoài xanh Đài Loan, tập trung ven sông Tiền và song Hậu; khôi phục lại vùng trồng xoài cát Hòa Lộc, xoài xiêm và thanh trà; nghiên cứu chuyển đổi vùng chuyên canh cam sành, quýt đường ở các vùng nhiễm bệnh như Trà Ôn, Tam Bình, TP Vĩnh Long sang các vùng ít nguy cơ tái nhiễm hoặc chuyển sang trồng các loại cây khác như: xoài xanh Đài Loan, măng cụt cho giá trị kinh tế cao hơn.

Nguồn: báo Vĩnh Long