Xuất hiện dịch cúm gia cầm A/H5N6 ở Thái Bình

Trong khi vẫn phải căng mình đối phó với dịch tả lợn châu Phi thì các cơ quan chức năng ở Thái Bình lại phải tiếp tục triển khai các biện pháp ngăn chặn sự bùng phát của bệnh cúm gia cầm A/H5N6.

Thái Bình: Xuất hiện dịch cúm gia cầm A/H5N6

Theo báo cáo của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Thái Bình, từ ngày 23 -26/6, tại gia đình ông Nguyễn Đức Thuần (ngụ thôn Lưu Đồn, xã Thụy Hồng, huyện Thái Thụy) xuất hiện tình trạng vịt ốm, bỏ ăn và chết đến 300 con.

vịt-chết-do-nhiễm-bệnh-cúm-ah5n6.jpg
Vịt chết do nhiễm cúm H5N6. (Ảnh: Chi Cục Chăn nuôi và Thú y Thái Bình).

Nhận được tin báo, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Thái Bình đã đến lấy mẫu, gửi Chi cục Thú y vùng II (Cục Thú y) để xét nghiệm. Kết quả cho thấy cả ba mẫu gửi đi xét nghiệm đều dương tính với virus cúm gia cầm A/H5N6.

Ngay lập tức, các cơ quan chức năng đã tiến hành tiêu hủy hơn 700 con vịt còn lại của gia đình ông Thuần. Ngoài ra, cơ quan chức năng đã khoanh vùng, phun thuốc khử trùng và tiến hành xét nghiệm đàn gia cầm tại 2 hộ liền kề nhà ông Thuần.

Để ngăn chặn dịch bùng phát, UBND huyện Thái Thụy đã thành lập Ban chỉ đạo phòng chống dịch cùm gia cầm và tổ chức họp khẩn cấp với lãnh đạo 48 xã trong huyện để triển khai các biện pháp ngăn chặn, chống dịch bùng phát.

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Thái Bình, bệnh cúm gia cầm A/H5N6 là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi rút cúm type A gây ra. Bệnh cúm A/H5N6 có tốc độ lây lan rất nhanh và có thể lây sang người.

Ninh Bình: Cấp tạm ứng hơn 65 tỷ đồng hỗ trợ các chủ vật nuôi có lợn bị tiêu hủy

UBND tỉnh Ninh Bình vừa có Quyết định số 724 về việc cấp tạm ứng ngân sách tỉnh năm 2019 số tiền hơn 65 tỷ đồng cho UBND các huyện, thành phố để hỗ trợ các chủ vật nuôi có lợn bị tiêu hủy do mắc bệnh, nghi mắc bệnh bắt buộc phải tiêu hủy. Số tiền này được trích từ nguồn dự phòng ngân sách tỉnh năm 2019.

nuoi-heo.jpg
Ảnh minh họa. 

UBND tỉnh Ninh Bình yêu cầu: Sở Tài chính chủ trì phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT, Kho bạc Nhà nước tỉnh cấp phát và hướng dẫn sử dụng thanh quyết toán kinh phí trên theo quy định hiện hành. Chủ tịch UBND các huyện, thành phố chỉ đạo UBND cấp xã phối hợp với các cơ quan có liên quan ở địa phương thực hiện công khai chính sách hỗ trợ của Nhà nước theo quy định, chi trả đảm bảo đúng đối tượng, dưới sự giám sát của Mặt trận Tổ quốc các cấp và người dân, không để xảy ra hiện tượng trục lợi chính sách và thắc mắc, khiếu kiện.

Theo tổng hợp của Chi cục Thú y tỉnh, tính đến ngày 30/6, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 895 thôn của 138 xã, phường thuộc 8 huyện, thành phố. Tổng số lợn đã tiêu hủy là 75.679 con tương đương 4.327.516 kg.

Hưng Yên: Chuyển 800 ha đất sản xuất lúa sang cây trồng khác 

Theo Sở Nông nghiệp và PTNT Hưng Yên, 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh đã chuyển đổi được khoảng 800ha đất gieo cấy lúa sang cây trồng khác, đạt 31,2% kế hoạch.

Diện tích đất gieo cấy lúa sau khi chuyển đổi chủ yếu được nông dân gieo trồng cây hàng năm, cây lâu năm, bước đầu một số diện tích đã cho thu nhập, đồng thời khắc phục được tình trạng khó khăn trong tưới, tiêu nước.

Ngoài ra, toàn tỉnh xây dựng 39 mô hình sản xuất tập trung ở các huyện, thị xã, thành phố với tổng diện tích 680ha, tăng 22ha so với cùng kỳ năm 2018, trong đó có 27 cánh đồng sản xuất lúa thương phẩm, 12 cánh đồng sản xuất lúa giống, các mô hình cho thu nhập cao hơn từ 10 - 15 triệu đồng/ha so với sản xuất đại trà.

Thanh Hóa: Xuất khẩu rau quả còn nhiều tiềm năng 

Theo thống kê của Phòng Quản lý xuất nhập khẩu (Sở Công Thương Thanh Hóa), 6 tháng đầu năm nay, xuất khẩu nhóm hàng nông sản, thực phẩm đạt 6,155 triệu USD, tăng 37,2% so với cùng kỳ. Nhiều mặt hàng nông sản của tỉnh đã đủ sức cạnh tranh và có mặt tại nhiều thị trường khó tính như Nhật Bản, Mỹ, các nước EU... Với sự đa dạng về khí hậu, địa hình, các mặt hàng nông sản, thực phẩm xuất khẩu trong tỉnh hiện có nhiều tiềm năng phát triển đa dạng hơn nữa.

thu-hoạch-cà-rốt-xuất-khẩu-tại-xã-hoằng-đạo-hoằng-hóa.jpg
Thu hoạch cà rốt tại xã Hoằng Đạo, Hoằng Hóa.

Những năm gần đây, nhiều loại cây có giá trị phục vụ chế biến, xuất khẩu đáp ứng nhu cầu thị trường, như ngô ngọt, cà chua, dưa bao tử... được đưa vào sản xuất, thâm canh ở nhiều địa phương trong tỉnh, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực xuất khẩu rau quả đã trở thành bạn đồng hành đáng tin cậy của bà con nông dân. Cùng với việc cải tiến các quy trình sản xuất, chế biến, tiêu thụ, các doanh nghiệp cũng đã chủ động xây dựng vùng nguyên liệu tập trung, từng bước bảo đảm tốt an toàn vệ sinh thực phẩm. Đây chính là “chìa khóa” để mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản và phát triển vùng rau quả xuất khẩu của tỉnh.

Vĩnh Phúc: Hơn 3,6 tỷ đồng hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp

Từ năm 2016 đến nay, trên địa bàn tỉnh có 52 doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, trong đó, có 3 doanh nghiệp đã được hỗ trợ hơn 3,6 tỷ đồng theo Nghị quyết 202 của HĐND tỉnh gồm: Dự án sản xuất rau an toàn trong nhà lưới theo quy trình VietGAP do Công ty cổ phần Nông lâm nghiệp và Môi trường Vĩnh Hưng đầu tư tại xứ đồng Mả Khéo, phường Hội Hợp (T.P Vĩnh Yên); Dự án sản xuất rau an toàn trong nhà lưới theo quy trình VietGAP do Công ty TNHH thương mại và dịch vụ nông nghiệp Trung Kiên đầu tư tại xứ đồng Bùng, thôn Liên Bình, thị trấn Hợp Hòa (Tam Dương); Dự án đầu tư cơ sở giết mổ lợn tập trung do Công ty TNHH MTV sản xuất và thương mại Phát Đạt đầu tư tại thôn Cao Quang, xã Cao Minh (T.P Phúc Yên).

Nguồn vốn hỗ trợ trên đã tạo thuận lợi để các doanh nghiệp đầu tư trang thiết bị, cơ sở hạ tầng sản xuất hiện đại, nâng cao hiệu quả sản xuất, từ đó góp phần xây dựng nông thôn mới giải quyết việc làm tăng thu nhập cho người dân khu vực nông thôn, thúc đẩy phát triển KT-XH./.

Theo Thanh Tâm  (Tổng hợp)/kinhtenongthon.vn